Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam sửa đổi mang nhiều đổi mới quan trọng so với những bản Hiến pháp trước đây, trong đó có vấn đề quyền con người.
Đây cũng là một điểm nhấn quan trọng khẳng định việc kế thừa, phát triển nhiều nội dung về nhân quyền từ các bản Hiến pháp trước đó, đồng thời nhất quán những nội dung, tinh thần điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia về quyền con người.
Để hiểu rõ hơn vấn đề quyền con người trong Hiến pháp sửa đổi, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã phỏng vấn tiến sỹ Đinh Xuân thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
- Thưa tiến sỹ Đinh Xuân Thảo, cử tri và nhân dân cả nước rất quan tâm đến những điểm mới trong bản Hiến pháp sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua, nhất là vấn đề quyền con người - được coi là một “điểm sáng” trong Hiến pháp sửa đổi. Ông có thể giới thiệu về nội dung này?
Tiến sỹ Đinh Xuân Thảo: Hiến pháp sửa đổi được kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 28/11/2013 có 11 chương, 120 điều. Trong đó, chương về quyền con người, quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân là chương có số lượng điều nhiều nhất, gồm 36 điều (từ Điều 14 đến Điều 49). Đây là chương quan trọng vì nói đến lập hiến là nói đến mối quan hệ giữa công dân và các cơ quan Nhà nước.
Theo chủ nghĩa lập hiến hiện đại, nhân dân là chủ thể xây dựng Hiến pháp, tất cả mọi quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Nhân dân sử dụng quyền lực bằng hai cách: một là thông qua những người đại diện, thông qua bầu cử những người đại diện cho mình như đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân. Cách thứ hai là nhân dân giữ lại quyền lực Nhà nước để thực hiện bằng hình thức trực tiếp, bằng biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân.
Điểm nổi bật của Hiến pháp sửa đổi được thể hiện nhiều ở Chương II quy định về phạm trù quyền con người. Theo đó, quyền con người đồng nghĩa với quyền công dân. Hiến pháp sửa đổi quy định tại Điều 12 Chương I là: Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Việt Nam là một trong những nước sớm phê chuẩn công ước quốc tế về nhân quyền. Với nguyên tắc đó, trong bản Hiến pháp mới, vấn đề quyền con người, quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân đặt ở Chương II.
Trong Hiến pháp sửa đổi, khi nói đến quyền con người thì dùng từ “mọi người," khi nói đến công dân Việt Nam thì dùng từ “công dân." Điều 14 Chương II, khẳng định: “Ở nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Đó là những quyền tự nhiên, phải được thừa nhận, tôn trọng, tạo điều kiện thực hiện và bảo vệ quyền đó.
Cũng tại Điều 14, khoản 2 nói rõ: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng."
Như vậy, Hiến pháp sửa đổi quy định, việc hạn chế quyền con người, quyền công dân dứt khoát phải quy định bằng Luật, không phải bằng văn bản dưới luật. Ví dụ quyền tự do biểu tình, khi Hiến pháp quy định biểu tình là quyền tự do của người dân, thì người dân có quyền tham gia biểu tình. Tuy vậy, việc thực hiện biểu tình như thế nào, trình tự ra sao... phải theo quy định của pháp luật. Điều này phù hợp với điều ước quốc tế đã quy định.
Đi vào các quyền cụ thể, Hiến pháp sửa đổi quy định quyền có quốc tịch. Đây cũng là quyền quan trọng mà Hiến pháp trước đây chưa quy định rõ. Trong quan hệ hội nhập ngày càng sâu rộng, người Việt Nam định cư nước ngoài và người nước ngoài sống ở Việt Nam thì vấn đề quốc tịch được xác định ở Điều 17 là: “Công dân nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam." Quốc tịch thể hiện chủ quyền, quyền lực và quan hệ giữa Nhà nước với người dân. Đây là quy định hết sức quan trọng.
Hiến pháp sửa đổi có quy định: “Mọi người có quyền sống." Quyền sống là quyền tự nhiên không phải Nhà nước quy định. Do vậy, việc tước đoạt sinh mạng sống phải theo quy định của Luật và cụ thể là Bộ Luật hình sự, trong đó quy định tội có mức án tử hình thì mới có quyền tước đoạt sinh mạng sống.
Hiến pháp sửa đổi cũng rất tiến bộ qua việc quy định các quyền chính trị, quyền tham gia bầu cử, ứng cử, tham gia quản lý Nhà nước, quản lý xã hội… Trong Hiến pháp lần này quy định rất rõ, mọi người có quyền tham gia quản lý Nhà nước, quản lý xã hội. Tức là, tất cả mọi người bình đẳng trước pháp luật từ lĩnh vực chính trị-kinh tế, văn hóa, xã hội.
Nói đến Hiến pháp là nói đến quan hệ giữa nhân dân với Nhà nước. Nhân dân trao quyền cho Nhà nước, do vậy trách nhiệm của Nhà nước phải đặt lên đầu tiên. Nhà nước là người bảo đảm, bảo vệ, tạo điều kiện, tất cả các nguồn lực của quốc gia trao cho Nhà nước. Các tài nguyên, tài sản quý giá nhất của Quốc gia thuộc về Nhà nước.
Nhà nước ban hành chính sách, pháp luật. Do vậy, muốn quyền con người, quyền công dân được bảo đảm, trở thành hiện thực thì trước hết trách nhiệm của Nhà nước phải đặt lên hàng đầu, sau đó mới đến trách nhiệm của cộng đồng, gia đình, xã hội. Cụ thể là khi quy định Điều 37 về quyền của trẻ em, quyền của thanh niên, quyền của người cao tuổi thì đối với các quyền đó, trách nhiệm trước tiên thuộc về Nhà nước. Để trẻ em có quyền bình đẳng đến trường, Nhà nước phải ban hành các chính sách, tạo điều kiện cho trẻ em.
Lần này, Chương về quyền con người trong Hiến pháp có quy định mọi người có quyền được hưởng phúc lợi, bảo trợ xã hội. Đây là cơ sở quan trọng để cụ thể hóa bằng các luật như:Luật Lao động, Luật Việc làm; hướng tới không phải chỉ cán bộ công chức khi thất nghiệp mới được hưởng trợ cấp mà toàn dân đều có quyền được trợ cấp, nếu người dân lâm vào tình trạng thất nghiệp, thì Nhà nước phải có trách nhiệm bảo đảm. Đó là tinh thần rất mới mà trước đây chưa được thể hiện cụ thể.
Từ ngày 1/1/2014 Hiến pháp sửa đổi có hiệu lực thì những quyền mà Hiến pháp thừa nhận đối với con người, với công dân mặc nhiên có giá trị thực tế.
- Bản Hiến pháp sửa đổi quy định: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Nhà nước sẽ đảm bảo thực thi những quyền này của công dân như thế nào, thưa ông?
Tiến sỹ Đinh Xuân Thảo: Thực chất mục tiêu của chế độ Việt Nam là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, mục đích cuối cùng là phục vụ con người, đem lại quyền sống, quyền bình đẳng cho mọi người, cho công dân Việt Nam. Thực ra nhận thức về vai trò, vị trí của người dân đã được quy định trong bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946.
Hiến pháp 1946 đã thể hiện tinh thần xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế nước ta trước kia còn nhiều khó khăn, nên việc đảm bảo các quyền phải thực hiện từng bước. Đến thời điểm này, khi chúng ta bước vào đổi mới toàn diện đất nước, đặc biệt là đổi mới về kinh tế, vượt qua thời kỳ nghèo nàn, lạc hậu, có thu nhập trung bình, là lúc chúng ta có điều kiện mở rộng, nâng cao hơn đời sống và quyền của công dân.
Xuất phát từ đó, trong Cương lĩnh xây dựng phát triển đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 và bổ sung phát triển năm 2011 đề ra các điều kiện, mục tiêu cụ thể, trong đó liên quan đến quyền con người, quyền công dân. Tôn trọng quyền con người là động lực để thúc đẩy sự phát triển của xã hội, vì chính con người là chủ thể xây dựng đất nước. Lợi ích của con người được bảo đảm sẽ cởi trói được những ràng buộc về cơ chế, thể chế chính sách, góp phần làm cho sự phát triển xã hội tốt hơn.
Quyền công dân có rất nhiều khía cạnh, trong đó, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin, tự do hội họp cũng là những quyền quan trọng. Thực ra ở những bản Hiến pháp trước đây, những nội dung này đã được quy định nhưng chưa được cụ thể hóa bằng Luật và những văn bản dưới Luật.
Tại Hiến pháp sửa đổi, Điều 25 quy định rõ công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định. Như vậy, những quyền mặc nhiên này đã được hiến định để không ai có thể hạn chế, trừ trường hợp trong nguyên tắc nêu ở Điều 14.
Để thực hiện những quyền này, Hiến pháp đã xác định pháp luật quy định. Ngay khi Hiến pháp có hiệu lực, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành kế hoạch thi hành Hiến pháp, trong đó ưu tiên các Luật liên quan đến tổ chức bộ máy để rà soát, sửa đổi như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, Luật Tổ chức chính quyền địa phương… Các quyền tự do báo chí, lập hội, biểu tình đều sẽ được qui định tại Luật riêng.
Dự kiến các Luật đó đã được đưa vào chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội Khóa XIII. Có nghĩa là từ nay đến năm 2016 sẽ sớm ban hành các đạo luật này, để sớm đưa quy định này phát huy hiệu lực trong thực tế, không để tình trạng nhiều vấn đề quy định trong Hiến pháp năm 1992, qua 20 năm thi hành vẫn không triển khai thực hiện được. Đây là một nội dung rất quan trọng.
- Hiến pháp 2013 đã tiếp thu quy định của Công ước quốc tế về quyền chính trị, dân sự; quyền kinh tế, văn hóa và Tuyên ngôn nhân quyền năm 1948. Điều này sẽ giúp Việt Nam thực hiện các nghĩa vụ và cam kết của một quốc gia thành viên Hội đồng Nhân quyền và thành viên Liên Hợp quốc trong nhiệm kỳ 2014-2016 như thế nào, thưa ông?
Tiến sỹ Đinh Xuân Thảo: Đây cũng là một nội dung quan trọng trong đường lối đối ngoại quốc tế của Đảng, Nhà nước. Vừa rồi, trước khi bầu Việt Nam trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc với số phiếu tán thành cao, Liên hợp quốc đã cử một số đoàn đến Việt Nam để tìm hiểu về tình hình liên quan đến nhân quyền.
Tiếp các đoàn này, chúng tôi đã phân tích, chứng minh cho bạn bè quốc tế thấy Việt Nam đang rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ quyền con người, quyền công dân, thể hiện rõ nhất, tiến bộ nhất chính là việc sửa đổi Hiến pháp - với tư cách là đạo luật gốc, đạo luật cơ bản. Chúng tôi đã nêu ra các nội dung liên quan đến Chương II, thể hiện rõ trong quá trình xây dựng Hiến pháp mới. Chúng ta sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp của bạn bè quốc tế, đặc biệt là các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Những nguyên tắc rất cơ bản trong Điều ước quốc tế về nhân quyền, quyền con người như quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, nguyên tắc suy đoán vô tội, những nội dung liên quan đến quyền con người đã được đưa vào Chương II. Như vậy, khi Hiến pháp ghi nhận nguyên tắc: tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và các Điều ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì mặc nhiên nguyên tắc trong Điều ước đó dù không đưa hết vào Hiến pháp nhưng sau này sẽ quy định trong các Luật cụ thể.
Ví dụ quy định tuổi vị thành niên liên quan đến Luật Lao động, Luật Hôn nhân gia đình và các Luật khác. Điều này, chúng ta sẽ nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp, tương đồng trong hệ thống pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế./.