Quyết liệt đấu tranh, phòng chống tội phạm xâm hại trẻ em

Đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em ngày càng mở rộng, tập trung chủ yếu ở nhóm tuổi từ 18 trở lên; hầu hết trẻ em bị xâm hại bởi người quen biết như họ hàng, bạn của gia đình...

Thời gian qua, tội phạm xâm hại trẻ em, trong đó có xâm hại tình dục có xu hướng gia tăng về số vụ và người bị hại, phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi, tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng, phức tạp.

Trước thực trạng đó, các cơ quan chức năng tại Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhằm đấu tranh, phòng chống xâm hại trẻ em.

Diễn biến phức tạp, xử lý khó khăn

Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, với quy mô dân số đông, trong đó trẻ em chiếm 16,2%, tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một thách thức mà Thành phố Hồ Chí Minh phải đối mặt, ưu tiên tìm giải pháp để ngăn ngừa. Từ năm 2015 đến tháng 6/2019, trên địa bàn thành phố có 499 trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục.

Đáng chú ý, đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em ngày càng mở rộng, tập trung chủ yếu ở nhóm tuổi từ 18 trở lên. Hầu hết trẻ em bị xâm hại bởi người quen biết như họ hàng, bạn của gia đình...

[Giám sát việc thực hiện phòng, chống xâm hại trẻ em tại TP.HCM]

Nếu như trước đây, địa bàn xảy ra các vụ xâm hại trẻ em thường tập trung ở những địa điểm vắng vẻ, khu vực ngoại thành, khách sạn, nhà trọ lưu trú của người dân lao động thì gần đây nơi xảy ra các vụ xâm hại trẻ em còn là ở khu vực công cộng thuộc chung cư, trường học, công viên.

Trên thực tế, công tác điều tra, xử lý các loại tội phạm này gặp nhiều khó khăn. Theo Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an Thành phố Hồ Chí Minh, một số vụ việc không được trình báo ngay sau khi phát hiện mà hai bên tự thỏa thuận với nhau, đến khi thỏa thuận không được thì gia đình nạn nhân mới tố giác. Khi đó tài liệu chứng cứ, dấu vết liên quan đã bị mất hoặc khó thu thập nhằm chứng minh tội phạm hay đối tượng đã bỏ trốn, không có thông tin để truy xét. Có trường hợp, sau một thời gian tố giác tội phạm, gia đình nạn nhân rút đơn tố giác, đề nghị không xử lý, không hợp tác với cơ quan điều tra, gây nhiều khó khăn trong việc củng cố chứng cứ để khởi tố, điều tra.

Phân tích trong vụ án ông Nguyễn Hữu Linh (nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng) phạm tội “Dâm ô với người dưới 16 tuổi” có thể thấy suốt quá trình điều tra vụ án, nhiều lần hồ sơ phải yêu cầu bổ sung vì lý do đoạn video chứng cứ không rõ hành vi bàn tay trái của ông Linh có chạm vào phần cơ thể phía trước của nạn nhân không?

Theo kết luận giám định bổ sung của số 1215/KLGĐ-TT của Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an thành phố, không đủ cơ sở kết luận giám định trong khoảng thời gian lúc 21 giờ 10 phút 11 giây đến 21 giờ 10 phút 18 giây (theo giờ hệ thống camera như trong tập tin video cần giám định), bàn tay trái của Nguyễn Hữu Linh có chạm vào phần cơ thể phía trước thân người của cháu bé hay không.

Việc không xác định được rõ ràng hành vi của bị cáo Linh nên trong vụ án này, nhiều chuyên gia về luật cho rằng chứng cứ buộc tội còn yếu.

Theo Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trần Công Phàn, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em thường là tội phạm ẩn, điều tra mang tính truy xét chứ rất ít trường hợp bắt quả tang.

Nguồn chứng cứ rất hạn chế, chủ yếu dựa vào lời khai của bị hại, ít có người làm chứng; tố cáo muộn khiến mất chứng cứ quan trọng ban đầu (các dấu vết để giám định như lông, tóc...).

Theo tiến sỹ Makiko Naka (Đại học Ritsumeikan, Nhật Bản), quá trình lấy lời khai của các nạn nhân gặp nhiều khó khăn như căng thẳng tâm lý, độ tin cậy hay sự không hợp tác của gia đình nạn nhân.

Giải pháp quyết liệt

Các cơ quan điều tra, tố tụng Thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung xử lý, đưa ra xét xử nhiều vụ án, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật và sự quyết liệt của cơ quan chức năng đối với loại tội phạm này.

Điển hình ngày 26/8, Tòa án nhân dân quận Bình Tân đã xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Ngô Ngọc An (63 tuổi, ngụ tại quận Bình Tân) 2 năm tù về tội “Dâm ô với người dưới 16 tuổi.”

Theo nội dung vụ án, tối 12/5, bị cáo An vào một con hẻm trên đường Mã Lò (phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân) tìm bạn tên Hòa thì thấy cháu T.K (7 tuổi) đang đi bộ. Lợi dụng chỗ vắng người, An đã kéo cháu lại rồi túm áo, thực hiện hành vi dâm ô.

Quá trình xử lý vụ án, Viện Kiểm sát nhân dân quận Bình Tân đã phê chuẩn và Công an quận thực hiện ngay lệnh bắt tạm giam đối với An. Hành động này rất kịp thời, nhận được sự đồng tình của dư luận xã hội.

Trong phiên tòa xét xử vụ việc nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng, Tòa án nhân dân Quận 4 đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hữu Linh mức án 1 năm 6 tháng tù về tội “Dâm ô với người dưới 16 tuổi.”

Suốt gần 4 tháng trước khi bị tuyên án, dù ông Linh luôn không thừa nhận hành vi phạm tội, kết luận giám định cũng cho rằng không đủ cơ sở kết luận ông Linh có chạm vào phần thân phía trước của nạn nhân không nhưng Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát nhân dân Quận 4 vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố.

Xét xử sơ thẩm lần 2, Tòa án nhân dân Quận 4 đã tuyên phạt ông Linh mức án như trên và người dân cho rằng bản án đã tuyên đúng người, đúng tội.

Theo Công văn hỏa tốc của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao gửi Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao nhấn mạnh cơ quan kiểm sát phải phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan “xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bất kể người đó là cán bộ đương chức hay đã nghỉ hưu.”

Hiện, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã chuyển hồ sơ kháng án của ông Nguyễn Hữu Linh sang Tòa án nhân dân Thành phố để nghiên cứu chuẩn bị đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Vụ án được phân công xét xử phúc thẩm bởi thẩm phán Nguyễn Văn Tuấn (Phó Chánh Tòa Gia đình và Người thành niên).

Người dân tin tưởng rằng vụ án này sẽ được xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, thể hiện quyết tâm đấu tranh, phòng ngừa tội phạm xâm hại trẻ em của các cơ quan chức năng tại Trung ương cũng như Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, dù thực tế có nhiều khó khăn nhưng Thành phố Hồ Chí Minh luôn đảm bảo kinh phí, đầu tư theo nhu cầu thực tế cho công tác xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh nhằm bảo vệ trẻ em.

Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân thành phố đã ban hành 14 văn bản chỉ đạo, điều hành về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Nhiều vụ việc "nóng" được lãnh đạo thành phố quan tâm chỉ đạo sát sao.

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã giao Sở Lao động-Thương binh và Xã hội làm đầu mối phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức nhiều cuộc kiểm tra thực hiện quyền trẻ em; phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em; phòng chống tai nạn, thương tích, đuối nước và phòng ngừa lao động trẻ em.

Thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh tập trung tuyên truyền, giáo dục pháp luật xóa bỏ định kiến về giới, về quyền của phụ nữ và trẻ em để cha mẹ, người nuôi dưỡng trẻ, gia đình, cộng đồng dân cư, trẻ em hiểu đúng, nhận thức đủ quyền của mình, mạnh dạn lên tiếng khi bị xâm hại, biết cách phòng, ngừa tội phạm xâm hại trẻ em.

Đáng chú ý, Thành phố Hồ Chí Minh đang nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về kết quả xử lý các vụ án xâm hại trẻ em, thông tin về người bị hại để theo dõi, giúp đỡ kịp thời những đối tượng này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục