Sáng 16/7, Bộ Tư pháp tổ chức họp báo quý 2 và 6 tháng đầu năm; triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015.
Sáu tháng đầu năm, Bộ Tư pháp đã hoàn thành, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 11/13 đề án, văn bản, đạt tỷ lệ 84,61%. Bộ đã kiểm tra theo thẩm quyền 1.542 văn bản quy phạm pháp luật (quý 2 là 678 văn bản), phát hiện 13 văn bản vi phạm về nội dung, thẩm quyền, giảm mạnh so với 6 tháng đầu năm 2014 (cùng kỳ năm 2014 phát hiện 81 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền).
Công tác kiểm soát thủ tục hành chính, các bộ, ngành đã hoàn thành việc đơn giản hóa 4.431/4.723 thủ tục hành chính đã được Chính phủ phê duyệt tại 25 Nghị định chuyên đề (đạt tỷ lệ 93,8%).
Kết quả thi hành án dân sự 8 tháng năm 2015 (từ 1/10/2014-30/5/2015) đều tăng so với cùng kỳ. Về việc, đã giải quyết xong 296.096 việc, đạt tỷ lệ 62,43% (tăng 1,38% so với cùng kỳ). Về tiền, đã giải quyết xong trên 23.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 34,62% (tăng 3,99% so với cùng kỳ).
Thực hiện Luật Tiếp công dân, trong 6 tháng đầu năm, lãnh đạo Bộ tổ chức 3 đợt tiếp công dân liên quan tới lĩnh vực thi hành án dân sự; chỉ đạo các đơn vị có liên quan giải quyết khiếu nại, tố cáo theo đúng trình tực của pháp luật, đặc biệt là đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài như vụ bà Phạm Thị Hồng Tự (Hải Phòng) khiếu nại về việc thi hành án dân sự; bà Trần Thị Tin (Lâm Đồng) khiếu nại về việc bồi thường trong thi hành án dân sự…
Chánh Văn phòng Bộ, Người phát ngôn của Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết 6 tháng cuối năm, ngành tiếp tục đẩy nhanh việc thi hành các vụ việc thi hành án dân sự có điều kiện thi hành, bảo đảm đạt chỉ tiêu do Quốc hội giao; thực hiện tốt việc tổng kết thí điểm, đánh giá đầy đủ, toàn diện, làm cơ sở để báo cáo Quốc hội xem xét, tiến tới xây dựng Luật Thừa phát lại.
Bộ tập trung hoàn thành dứt điểm việc đơn giản hóa thủ tục hành chính được quy định tại 25 Nghị quyết của Chính phủ và công tác rà soát, đề xuất phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp; triển khai thi hành kịp thời, hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa 13 và năm 2015; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đôn đốc các bộ, ngành thực hiện quyết liệt các giải pháp để giảm tình trạng “nợ đọng” các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực…
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc triển khai lấy ý kiến Nhân dân về Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Vụ trưởng vụ Pháp luật hình sự, hành chính Nguyễn Thị Kim Thoa nêu rõ, Bộ Luật Hình sự là một trong những đạo luật rường cột của đất nước, là luật khung, căn cứ, cơ sở, cho việc xây dựng nhiều luật khác. Hơn nữa việc sửa đổi Bộ luật Hình sự cũng chính là cụ thể hóa Hiến pháp 2013, nên việc thảo luận, sửa đổi Bộ luật Hình sự là vấn đề cấp bách.
Chính vì vậy thời gian lấy ý kiến nhân dân đối với Bộ luật không dài (2 tháng). Trong khoảng thời gian ngắn này, cách thức tổ chức cần khoa học, hợp lý để tránh mang tính hình thức.
Bà Thoa cho biết trong Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đã nêu rất rõ các nội dung cần triển khai thực hiện. Đầu mối tiếp nhận, tổng hợp ý kiến Nhân dân tại các bộ, ngành, địa phương đối với dự thảo Bộ luật; các vấn đề về tài chính cũng như hướng dẫn nghiệp vụ đều đã được quy định cụ thể tại các văn bản liên quan.
Việc triển khai lấy ý kiến của nhân dân đối với Bộ luật Hình sự (sửa đổi) được tổ chức chủ động, linh hoạt, không ấn định “cứng” về cách thức tổ chức, bà Thoa khẳng định.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc “nợ đọng” văn bản pháp luật, Vụ trưởng Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến khẳng đây là vấn đề gây bức xúc trong xã hội. Vấn đề này đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rất sát sao, nhưng số lượng văn bản nợ đọng ngày càng nhiều, đến nay đã lên tới 109 văn bản. Điển hình như Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi) đến nay đã có hiệu lực pháp luật, nhưng vẫn “ngồi chờ” văn bản hướng dẫn.
Theo ông Tuyến, do việc xây dựng các văn bản hướng dẫn liên quan đến nhiều bộ, ngành mà trước đó không “lường” trước được, chính vì vậy, trong các phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rất sát sao, trong đó có xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành.
Ông Tuyến bày tỏ, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 cũng đã quy định rất rõ trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc xây dựng các văn bản pháp luật nhưng lại không quy định thời hạn bắt buộc phải ban hành văn bản chi tiết hướng dẫn luật. Đây là một yếu điểm, nhược điểm của Luật này.
“Với trách nhiệm của mình, Bộ Tư pháp sẽ đôn đốc các bộ, ngành thực hiện quyết liệt các giải pháp để giảm số lượng “nợ đọng” các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực,” Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết thêm.
Tại cuộc họp báo, đại diện lãnh đạo các đơn vị có liên quan của Bộ Tư pháp đã trả lời làm rõ hơn các vấn đề về nợ đọng văn bản, bồi thường nhà nước, giải quyết một số vụ việc khiếu nại tố cáo kéo dài, việc sửa đổi Bộ luật Dân sự (sửa đổi)…/.