Ra mắt công cụ tra cứu website và tài khoản ngân hàng có an toàn không

Tính năng Tra cứu trên tinnhiemmang.vn cho phép người dùng tra cứu website và tài khoản ngân hàng có an toàn hay thuộc danh sách được báo cáo là lừa đảo.
Giao diện trang chủ Hệ thống Tín nhiệm mạng. (Ảnh chụp màn hình)

Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC) thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cảnh báo tình trạng lừa đảo qua tin nhắn mạo danh ngân hàng lại tiếp diễn với mức độ, tần suất liên tục.

Trung tâm Giám sát an toàn thông tin mạng quốc gia (NCSC) đã cung cấp tính năng Tra cứu trên hệ thống Tín nhiệm mạng (tinnhiemmang.vn). Tính năng này cho phép người dùng tra cứu website và tài khoản ngân hàng có an toàn hay thuộc danh sách được báo cáo là lừa đảo. Danh sách các tài khoản và website được Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam báo cáo và kiểm duyệt nghiêm ngặt.

Với tính năng tra cứu website lừa đảo, danh sách các website lừa đảo sẽ hiển thị trên hệ thống với các nội dung tên website, lĩnh vực lừa đảo (tài chính ngân hàng, thương mại điện tử, báo chí, dịch vụ trực tuyến...), tình trạng xử lý (đã xử lý/đang xử lý/đang xác minh).

Khi truy cập vào tính năng "Tra cứu tài khoản," người dùng sẽ nhìn thấy danh sách các tài khoản được báo cáo đã kiểm duyệt. Các thông tin hiển thị bao gồm thông tin số tài khoản, chủ sở hữu, ngân hàng phát hành cùng với trạng thái "lừa đảo," "an toàn" hoặc "đang xác minh."

Khi chọn xem một tài khoản cụ thể, ngoài việc có thể xem các thông tin về tài khoản, người dùng còn có thể xem các bình luận, đánh giá của mọi người về tài khoản này cũng như để lại bình luận và chọn tài khoản này là "an toàn," "lừa đảo," hay "không rõ" theo ý kiến đánh giá.

[Cảnh báo chiêu trò giả mạo Brandname ngân hàng để chiếm đoạt tài sản]

Ngoài tra cứu, người dùng có thể báo cáo các website, tài khoản lừa đảo ngay trên hệ thống. Sau khi cung cấp đủ thông tin, hệ thống sẽ kiểm tra, xác thực sau đó được duyệt và hiển thị trên giao diện tra cứu tài khoản.

Trước đó, ghi nhận từ phản ánh của nhiều người dân đến hệ thống tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác qua đầu số 5656 do Cục An toàn thông tin quản lý, hiện tượng phát tán tin nhắn lừa đảo người dùng truy cập vào các trang web giả mạo các ngân hàng gần đây lại tái diễn.

Đặc biệt, các đối tượng lừa đảo còn dùng tin nhắn giả mạo thương hiệu (Fake SMS Brandname) để gửi tin nhắn mạo danh nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nội dung các tin nhắn giả mạo thường thông báo tài khoản của khách hàng đã bị khóa hoặc đã đăng nhập ở một thiết bị khác, thông báo về đăng ký dịch vụ mới, tài khoản bị trừ tiền… với đường dẫn đính kèm yêu cầu người dùng nhập tên tài khoản, mật khẩu, mã xác thực 1 lần (OTP) và làm theo hướng dẫn để khắc phục vấn đề.

Các website giả mạo trang thông tin điện tử của ngân hàng được các đối tượng lừa đảo sử dụng để đánh lừa người dùng truy cập có tên miền. Một số tên miền lừa đảo phổ biến như online.acbvnx.com, online.acbonliine.com, acb.vn-ul.top, scb.vn-kr.xyz, scb.vn-scb.xyz, scb.vn-scb.top, scb.vn-eg.xyz, scb.vn-zt.xyz, scb.vn-co.top, scb.vn-cb.xyz, scb.vn-vp.xyz, scb.vn-zl.xyz, techcombank.vn-lt.xyz, vpbank.vn-sc.top, vpbank.vn-ic.top, vpbank.vn-ty.top, vpbank.vn-ty.info...

Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam khuyến cáo người dùng khi nhận được các tin nhắn, cần kiểm tra kỹ nội dung, không vội vã trả lời hay thực hiện theo nội dung hướng dẫn trong tin nhắn. Người dùng các dịch vụ ngân hàng cần lưu ý rằng, website chính thức của các tổ chức ngân hàng thường sử dụng giao thức "https" và tên miền quốc gia Việt Nam ".vn."

Trường hợp nhận được các tin nhắn, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần lưu lại các bằng chứng như tin nhắn hoặc ghi âm cuộc gọi, phản ánh tới doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao để yêu cầu xử lý, đồng thời cung cấp các bằng chứng đã có tới các cơ quan chức năng của Bộ Công an nơi gần nhất đề nghị xử lý hành vi sai phạm của các đối tượng theo quy định pháp luật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục