Ra mắt sách về bài học từ phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam

Cuốn sách ''Người dân làm nên hòa bình - Những bài học từ phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam'' đã tập hợp những suy ngẫm của các nhà hoạt động phản chiến thời kỳ chiến tranh Việt Nam.

Tiến tới kỷ niệm 75 năm (1945-2020) ngày thành lập Việt Mỹ thân hữu Hội (tiền thân của Hội Việt-Mỹ), 25 năm (1995-2020) bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ, ngày 11/7, tại Hà Nội, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phối hợp Hội Việt-Mỹ tổ chức Lễ ra mắt cuốn sách ''Người dân làm nên hòa bình - Những bài học từ phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam.''

Sự kiện có sự tham gia của Đoàn các nhà hoạt động hòa bình Mỹ gồm năm người do ông Frank Joyce làm Trưởng đoàn, đang có chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam từ 4-14/7.

Phát biểu tại lễ ra mắt, Phó Chủ tịch Hội Việt-Mỹ Bùi Thế Giang cho biết trong 75 năm qua, các hội viên Hội Việt-Mỹ luôn nỗ lực duy trì, thắt chặt quan hệ hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Mỹ.

Cùng với đó, trong 25 năm qua kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao, quan hệ song phương Việt-Mỹ đã có những bước tiến lớn, từ thù thành bạn và giờ đây là đối tác toàn diện. Nhờ vậy, kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng vượt bậc, giao thương ngày càng thuận lợi; lượng khách du lịch Mỹ sang Việt Nam ngày càng tăng; Việt Nam là nước có lượng du học sinh tại Mỹ lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Để có những thành tựu này, không thể không nhắc đến phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam của những người Mỹ yêu hòa bình.

Trong cuốn sách ''Người dân làm nên hòa bình -Những bài học từ phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam,'' hai nhà biên tập Karin Aguilar-San Juan và Frank Joyce đã tập hợp những suy ngẫm của các nhà hoạt động phản chiến thời kỳ chiến tranh Việt Nam, từng làm việc với những người bạn Việt Nam ở cả hai miền, và viết về vai trò của phong trào đấu tranh hơn 40 năm trước đối với các nhà hoạt động vì hòa bình ngày nay.

Cuốn sách gồm 11 bài viết, chính là những tự truyện đầy xúc động và truyền cảm, một tư liệu vô giá miêu tả những trải nghiệm khác nhau của một số nhà hoạt động vì hòa bình trong phong trào phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam. Điển hình như các bài viết ''Việt Nam trong mắt tôi'' của Rennie Davis; ''Chuyến đi Việt Nam trong giai đoạn 1970-2013'' của Judy Gumbo; ''Đông du hý'' của Alex Hing; ''Từ Hà Nội đến Santa Barbara''...

Đáng chú ý, cuốn sách còn được nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình viết lời bạt với tựa đề: Một góc nhìn của người Việt Nam. Đây là trích dẫn từ bản tiếng Anh của cuốn ''Hồi ký Nguyễn Thị Bình'' do Lady Borton dịch, thể hiện cái nhìn, sự đánh giá sâu sắc của một người Việt Nam, một người trong cuộc về phong trào phản chiến Mỹ thời kỳ đó.

Nhận xét về cuốn sách, ông David Cortright, Giám đốc nghiên cứu chính sách tại Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Kroc thuộc Đại học Notre Dame (bang Indiana, Mỹ) cho rằng, “một bộ sưu tập tuyệt diệu giúp tìm hiểu lại từ đầu mối quan hệ quá khứ và hiện tại của Mỹ với Việt Nam, gợi nhắc cho chúng ta về sức mạnh và ảnh hưởng của phong trào phản chiến qua tiếng nói của những người ủng hộ hòa bình thời đại đó."

Còn theo bà Marilyn Young, giáo sư khoa Lịch sử, Đại học New York (thành phố New York, Mỹ), cuốn sách sẽ rất hấp dẫn với những ai yêu chuộng hòa bình và hoạt động hướng tới đạt được điều đó.

Tại Lễ ra mắt cuốn sách, những người tham dự đã chia sẻ nhiều câu chuyện ý nghĩa xoay quanh các hoạt động trong phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam tại Mỹ, cũng như nhiều nơi khác trên thế giới.

[Nhìn lại 24 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ]

Cùng ngày, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga đã tiếp Đoàn các nhà hoạt động vì hòa bình Mỹ do ông Frank Joyce làm Trưởng đoàn.

Bày tỏ cảm ơn những đóng góp to lớn của các thành viên trong Đoàn trong thời gian chiến tranh, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga khẳng định tình cảm trân trọng, tình đoàn kết quốc tế của các bạn Mỹ đối với Việt Nam trong đấu tranh vì hòa bình và thống nhất Tổ quốc trước đây cũng như công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước Việt Nam ngày nay.

Bày tỏ mong muốn thành viên trong Đoàn tiếp tục quan tâm tới Việt Nam và quan hệ hai nước, bà Nguyễn Phương Nga hy vọng, trong chuyến thăm này, các bạn sẽ có cơ hội tìm hiểu thêm về lịch sử, đất nước, con người Việt Nam, thành tựu trong công cuộc đổi mới, mở cửa xây dựng đất nước, tình hình kinh tế-xã hội cũng như khó khăn, thách thức của Việt Nam, trong đó có hậu quả chiến tranh, từ đó tiếp tục ủng hộ Việt Nam, vận động Chính phủ Mỹ có trách nhiệm giúp Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh và góp phần phát triển quan hệ Việt-Mỹ vì lợi ích lâu dài giữa nhân dân hai nước.

Cảm ơn Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga đã dành thời gian tiếp đoàn, Trưởng đoàn Frank Joyce cho biết, trong thời gian ở Việt Nam, đoàn đã tìm hiểu một số thông tin về quá trình khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế-xã hội, đến thăm một số điểm văn hóa, lịch sử và trung tâm nhân đạo từ thiện. Các hoạt động này giúp các thành viên trong đoàn có thêm hiểu biết về Việt Nam ngày nay, góp phần thắt chặt hơn nữa quan hệ song phương Việt-Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục