Theo chương trình làm việc tại Phiên họp thứ 14, sáng 18/9, các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Quy hoạch.
"Gọt chân cho vừa giày"
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết dự án Luật Quy hoạch đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại hai kỳ họp (kỳ 2 và kỳ 3), về cơ bản dự án Luật đã đáp ứng được yêu cầu xây dựng một luật khung, điều chỉnh chung cho công tác quy hoạch.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi của dự thảo Luật, cần thiết phải sửa đổi các luật hiện hành có liên quan, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các quy định trong dự thảo Luật Quy hoạch.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng theo quy định, Chính phủ đã chỉnh sửa các khoản của Điều 23, 24, 26, 27, 28. Đặc biệt là khoản 3 Điều 27 và khoản 3 Điều 28 về nội dung quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh được Chính phủ tiếp thu theo hướng sẽ quy định chi tiết và việc lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện quy hoạch xây dựng, quy hoạch chi tiết vẫn theo các Luật: Xây dựng, Đất đai, Môi trường và pháp luật khác có liên quan.
Ý kiến từ Ủy ban Kinh tế đề nghị giữ nguyên như dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 mà không sửa đổi như đề nghị của Chính phủ; nếu đưa những điều này vào, không còn đúng tính chất ban đầu.
Ý kiến thứ hai lại cho rằng trong lúc này đành phải “gọt chân cho vừa giày” nên đồng ý “nắn vào," cho sửa như các khoản 3 Điều 27 và khoản 3 Điều 28.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, đọc kỹ thì thấy trong hai khoản này vẫn xung đột với khoản 1, 2 Điều 29. Vì trong quy định của Luật Xây dựng thì quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh do Bộ Xây dựng chủ trì nhưng khoản 1, 2 Điều 29 lại do Thủ tướng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì trên cơ sở có Hội đồng thẩm định, điều này cần xem lại có phù hợp không. Ủy ban Pháp luật cho rằng nếu quy định như Chính phủ sẽ khó cho việc tích hợp quy hoạch.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị phải đảm bảo đúng nguyên tắc, dưới phải tuân thủ trên, luật vùng, tỉnh phải tuân thủ luật quốc gia. Để không có quá nhiều quy định chi tiết như các luật khác, giao Chính phủ thống nhất quản lý, Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối chính, các bộ khác theo sự phân công của Chính phủ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng không thể tiếp thu mà lại lùi lại một bước, quy định mới như khoản 3 Điều 27 và 28, cần bỏ hai điểm này.
Quá tải
Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ rà soát chi tiết số luật cần sửa đổi, sửa khoản nào, điều nào, khi nào sửa, tác động như thế nào khi sửa, nhưng hiện nay Chính phủ mới nêu chi tiết được 8 Luật và sửa không nhiều; còn 24 luật, Chính phủ chưa nêu được, đáng lưu ý là mới có 1 luật được đưa ra trình, còn đến 23 luật chưa trình và số lượng này có thể còn tăng thêm nếu rà lại.
“Nếu cộng thêm 23 luật này sẽ quá tải. 43 luật từ nay đến năm 2019, Quốc hội có làm được không. Cũng có ý kiến đề nghị cho lùi lại đến ngày 1/1/2020 Luật Quy hoạch mới có hiệu lực thi hành," Phó Chủ tịch Quốc hội băn khoăn và đề nghị Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư giải trình thêm.
Chung mối băn khoăn, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng đưa việc sửa 24 dự án luật vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh từ nay đến năm 2019 là khó. Nếu dùng phương án một luật sửa nhiều luật để điều chỉnh thì có thể còn có tính khả thi. Bởi chương trình năm 2018 là 24 luật, trong đó 22 luật thông qua và 2 luật cho ý kiến. Hiện Chính phủ đang định đưa thêm vào chương trình một số luật, tổng số lên đến hơn 50 luật vào năm 2018 sẽ không thể làm được.
“Chỉ có phương án một luật sửa nhiều luật và chỉ sửa những thứ liên quan đến quy hoạch thôi. Chúng tôi thấy, nếu 24 luật mà sửa cả thì không khả thi và luật này không thể thông qua một kỳ họp được," ông Định nói.
Dẫn giải tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng quan điểm của Chính phủ để thực hiện luật này phải sửa rất nhiều luật khác, cần cân nhắc để thống nhất cho hệ thống pháp luật đi theo hướng nào, tính ổn định ở mức nào.
Theo bà Nga, riêng kỳ họp thứ 4, nhiều luật như Luật về đơn vị kinh tế hành chính đặc biệt, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, An toàn thông tin mạng, Thể dục thể thao, Cạnh tranh… cũng phải sửa nhiều luật liên quan.
“Mỗi một luật, dưới góc độ chuyên ngành, một ông Bộ trưởng nhìn về góc độ luật này mà chưa nhìn ở góc độ luật khác. Đây là câu chuyện Thường vụ phải có câu trả lời chứ không thể để hệ thống pháp luật bất ổn định làm cho các nhà đầu tư không thể yên tâm kinh doanh”, bà Nga nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu quan điểm có thể dùng một luật sửa nhiều luật trong trường hợp các luật này được nhóm trong một luật nào đó liên quan đến nhau. Còn những luật có tính độc lập tương đối cao thì trình từng luật nhưng phải đảm bảo tính nhất quán không được trái Hiến pháp, bảo đảm thống nhất với các chính sách mới.
Cho rằng việc xây dựng dự án Luật chưa đúng tinh thần chỉ đạo chung là “xây dựng Luật Quy hoạch có phạm vi điều chỉnh chung cho các loại quy hoạch phát triển trên phạm vi cả nước”, Chính phủ chỉ đạo rà soát chưa toàn diện, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng ban hành luật này mang tính đột phá, dài hạn, khắc phục quy hoạch rải rác lung tung, luật nào cũng có quy hoạch, bộ nào cũng làm quy hoạch. Ý kiến khác nhau là không tránh khỏi, vì liên quan đến nhiều bộ, ngành quản lý, nằm trong nhiều luật chuyên ngành.
Đây là vấn đề liên quan đến xây dựng chiến lược kế hoạch quy hoạch 5 năm tiếp theo. Nếu không kịp thông qua tại Kỳ thứ 4 thì sẽ lỡ, mất thời gian, mất chi phí cho đất nước và mất cơ hội cho xã hội, Chủ tịch Quốc hội nhận định yêu cầu “cố gắng hoàn chỉnh để trình ra Quốc hội, không lý do gì mà không trình tại Kỳ họp thứ 4”./.