Rạn nứt Mỹ-châu Âu thêm sâu sắc liên quan Dòng chảy phương bắc 2

Nhiều quan chức cấp cao và các chính trị gia của Đức kêu gọi phối hợp hành động để bảo vệ các lợi ích chiến lược của các thành viên EU trước các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Công trình xây dựng đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 ở Lubmin, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các chính trị gia của Đức vừa lên tiếng kêu gọi châu Âu thông qua các biện pháp phòng vệ chống lại các biện pháp trừng phạt của Mỹ sau khi Washington tìm cách ngăn cản việc hoàn thành xây dựng đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2.

Theo tờ Thời báo Phố Walls, Thượng viện Mỹ hồi tuần trước đã thông qua dự luật trừng phạt các công ty tham gia vào Dòng chảy phương Bắc 2 - dự án cơ sở hạ tầng năng lượng lớn nhất của châu Âu mà Mỹ lo ngại có thể giúp Nga kiểm soát nguồn cung năng lượng đối với châu Âu và tạo thêm nguồn thu cho Nga.

Lệnh trừng phạt yêu cầu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phải đưa ra báo cáo trong vòng 60 ngày đối với các tàu tham gia đặt đường ống dưới lòng biển cho dự án Dòng chảy phương Bắc 2.

Các công ty bị liệt kê trong báo cáo sẽ bị Washington đưa vào danh sách đen, trừ khi Tổng thống Mỹ xác định công ty đang giảm dần hoạt động đặt đường ống. Tổng thống Mỹ cũng có thể miễn áp lệnh trừng phạt dựa trên những cân nhắc về an ninh quốc gia.

Ngoại trưởng Đức Heiko Mass bác bỏ lệnh trừng phạt của Mỹ, cho rằng đó là "sự can thiệp từ nước ngoài," song lo ngại biện pháp này có thể làm chậm tiến độ dự án.

Nhiều quan chức cấp cao và các chính trị gia của Đức kêu gọi phối hợp hành động để bảo vệ các lợi ích chiến lược của các thành viên EU trước các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

[Đức: Các lệnh trừng phạt của Mỹ làm chậm dự án Dòng chảy phương Bắc 2]

Thứ trưởng Ngoại giao Đức Niels Annen nói rằng, châu Âu cần các công cụ mới để tự mình bảo vệ trước các biện pháp trừng phạt bừa bãi.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen trả lời phỏng vấn trên báo Đức Tấm gương (Spiegel) cho biết, EC cần phải bảo vệ lợi ích của các quốc gia Đông Âu bị ảnh hưởng bởi dự án, đồng thời bà cũng bác bỏ mạnh mẽ các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào các công ty châu Âu tham gia dự án phù hợp với các quy định của luật pháp.

Vụ tranh cãi đã làm gia tăng căng thẳng trong liên minh phương Tây kể từ khi Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thông qua một loạt động thái ngoại giao, bao gồm rút binh sỹ, áp thuế thương mại và rút khỏi các thỏa thuận quốc tế mà không hề tham vấn các đồng minh.

Một số quan chức Đức nói rằng việc tăng cường khả năng phòng vệ của Đức trước lệnh trừng phạt của Mỹ có thể sẽ đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ hơn với Nga và Trung Quốc vào thời điểm khi mà ông Trump đang gây áp lực buộc các đồng minh EU đứng về phía Mỹ trong cuộc chiến thương mại, công nghệ và địa chính trị với Trung Quốc.

Một số quan chức hoài nghi về các động cơ của Mỹ, cho rằng các biện pháp trừng phạt được đưa ra là do Mỹ muốn tăng cường xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Một quan chức cấp cao Chính phủ Đức nói rằng, khi đảm nhiệm chức Chủ tịch EU luân phiên vào năm tới, Đức sẽ kêu gọi châu Âu xây dựng một “bức tường lửa” để đối phó với các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Mục tiêu là nhằm xây dựng một cơ sở hạ tầng tài chính riêng biệt cho phép các công ty của châu Âu tránh khỏi các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Các ngân hàng liên quan sẽ được đặt bên ngoài tầm tài phán của Mỹ, ví dụ như Nga hoặc Trung Quốc.

Vị quan chức này lưu ý rằng chính sách nói trên sẽ gây ra phản ứng ngược trên toàn thế giới. Trong khi đó, một số quan chức châu Âu thậm chí còn có ý tưởng thông qua các biện pháp trừng phạt riêng đối với Mỹ nhằm ngăn chặn các chính sách mà họ cho rằng gây nguy hại tới môi trường.

Mặc dù vậy, giới phân tích cho rằng việc xây dựng lá chắn phòng thủ trước các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ rất khó khăn do quy mô của nền kinh tế Mỹ, vai trò của đồng USD trong các giao dịch quốc tế và thực tế là Mỹ kiểm soát phần lớn các hệ thống tài chính của thế giới.

Châu Âu đã thất bại trong việc bảo vệ các công ty giao dịch với Iran kể từ khi Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt sau khi nước này đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân.

Hồi tháng 1/2019, Anh, Pháp và Đức đã thiết lập một cơ chế bên ngoài phạm vi chế tài của Mỹ để thực hiện các giao dịch với Iran.

Tuy nhiên, cho đến nay cơ chế này vẫn chưa thực hiện được bất kỳ giao dịch nào. Richard Nephew, nghiên cứu viên cấp cao của Viện Brookings, nói rằng sự rạn nứt gia tăng giữa Mỹ và các đồng minh truyền thống sẽ khuyến khích sự phát triển các vụ dàn xếp tương tự.

Về phía Nga, ngày 26/12, nhật báo Kommersant dẫn một số nguồn tin không nêu danh tính cho biết Tổng thống Vladimir Putin đã khẳng định rằng Nga có “tàu rải ống” để hoàn tất công trình lắp đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 tới Đức.

Tuyên bố của ông Putin được đưa ra sau khi Mỹ triển khai các lệnh trừng phạt nhằm vào dự án này. Theo báo Kommersant, phát biểu tại cuộc họp với các doanh nhân hàng đầu của Nga, ông Putin đã đề cập đến tàu trên và cho rằng, việc hoàn thiện dự án sẽ bị “kéo dài” thêm một vài tháng bởi các lệnh trừng phạt.

Trước đó, công ty liên doanh Allseas giữa Thụy Sỹ và Hà Lan - chịu trách nhiệm rải đường ống bằng 2 tàu Pioneering Spirit và Solitaire - đã đình chỉ hoạt động để tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Năm 2016, tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga đã mua một tàu rải ống đặc biệt mang tên Viện sĩ Cherskiy làm phương án dự phòng cuối cùng nếu các công ty châu Âu ngừng hoạt động trong dự án Dòng chảy phương Bắc 2.

Trả lời phỏng vấn của Sputnik, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhận định, bất chấp áp lực mạnh mẽ, dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ được hoàn thành.

Thị trường khí đốt châu Âu vẫn là thị trường chính đối với Nga, với khối lượng khí đốt của Nga xuất khẩu sang châu Âu đạt mức 200 tỷ m3/năm.

Đồng thời, Nga cũng đang mở rộng hợp tác năng lượng với các quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi nhu cầu về tài nguyên hydrocarbon tiếp tục tăng.

Đầu tháng 12, đường ống dẫn khí Sức mạnh Siberia đã được đưa vào hoạt động, theo đó mỗi năm Nga sẽ cung cấp cho Trung Quốc 38 tỷ m3 khí đốt.

Cùng với các đối tác nước ngoài, Nga đang khai thác các nguồn tài nguyên ở Bắc Cực, kể cả trong khuôn khổ các dự án Yamal LNG và Bắc Cực LNG 2.

Để xuất khẩu năng lượng của Nga sang các nước châu Á-Thái Bình Dương, Nga đang phát triển dịch vụ hậu cần vận tải qua Tuyến đường biển phía Bắc và tiếp tục nỗ lực nhằm đa dạng hóa, đa phương hóa các điểm đến xuất khẩu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục