Reuters: Mỹ-Triều Tiên có thể trở lại trạng thái khủng hoảng

Reuters cho biết việc Tổng thống Mỹ Donald Trump hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có nguy cơ đẩy Washington và Bình Nhưỡng trở lại một kiểu khủng hoảng.
Reuters: Mỹ-Triều Tiên có thể trở lại trạng thái khủng hoảng ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo Reuters, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có nguy cơ đẩy Washington và Bình Nhưỡng trở lại một kiểu khủng hoảng, dù cả hai bên có thể đều lo lắng về việc để cho tình huống này leo thang thành những lo ngại chiến tranh như đã từng xảy ra hồi năm ngoái.

Các chuyên gia cho biết việc đưa ra những phát ngôn chỉ trích mạnh mẽ đã kéo Mỹ và Triều Tiên ra khỏi bàn đàm phán, từ đó xuất hiện một sự quan ngại đang gia tăng rằng những phát ngôn này có thể đi kèm với hành động, trong đó bao gồm việc khôi phục những vụ thử tên lửa tầm ngắn hơn hoặc gia tăng những cuộc tấn công mạng từ Bình Nhưỡng, cũng như những biện pháp trừng phạt được tăng cường, hay triển khai những khí tài quân sự mới từ Washington.

Tuy nhiên, với việc ông Trump tuyên bố sẽ vẫn mở cánh cửa ngoại giao và Triều Tiên dường như vẫn mong đợi có được lợi ích từ một "sự tan băng" với Hàn Quốc, những hành động như vậy có thể được kiềm chế hoặc ít nhất là giảm bớt, bởi một mong muốn chung là giữ mọi thứ không vượt ngoài tầm kiểm soát.

[Ngoại trưởng Mike Pompeo: Mỹ vẫn quyết tâm đối thoại với Triều Tiên]

Ông Ned Price, cựu sỹ quan Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), nhận định: "Quyết định hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh đã lên kế hoạch và cách hành xử trong quyết định đó có khả năng đẩy chúng ta trở lại con đường xung đột."

Một số chuyên gia có cái nhìn thận trọng hơn. Chuyên gia châu Á Bruce Klingner thuộc Quỹ Heritage nêu rõ: "Còn quá sớm để nói về một cuộc chiến tranh. Chúng ta có thể đưa ra nhận định này, nhưng tôi nghĩ sẽ hấp tấp khi đưa ra kết luận vào thời điểm này."

Theo ông Jeff Badar, nguyên Trưởng nhóm cố vấn về châu Á dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ có thể tránh "những hành động gây hấn thái quá" bởi ông hy vọng tiếp tục tăng cường quan hệ với Hàn Quốc, và Bình Nhưỡng có thể xen vào quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn.

Ông Badar nói thêm: "Suy nghĩ này sẽ kiềm chế ông ta trong một thời gian. Về dài hạn, chắc chắn ông ta sẽ đáp trả những hành động khiêu khích. Tôi không hề nghi ngờ về điều này."

Những khả năng khác là Mỹ tăng cường khí tài hải quân và không quân tại và quanh Hàn Quốc cũng như tiếp tục coi thường những đề nghị của Triều Tiên chấm dứt các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn.

Ông Evans Revere, một cựu chuyên gia thương lượng của Mỹ trong đàm phán với Triều Tiên, cho rằng những động thái quân sự đáng kể của Mỹ dường như không thể xảy ra, "trừ khi một số hành động hoặc sự khiêu khích của Bình Nhưỡng khiến họ bị thất bại lần nữa"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.