Reuters: Viễn cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm do dịch COVID-19

Tăng trưởng GDP toàn cầu được dự báo giảm 4%, khoảng 3.400 tỷ USD, tương đương với quy mô nền kinh tế Canada và Australia cộng lại.
Kinh tế Australia suy thoái sau gần 3 thập kỷ tăng trưởng ổn định. (Nguồn: THX/TTXVN)

Triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn chưa có điểm sáng trong bối cảnh ca mắc COVID -19 tiếp tục tăng và việc nhiều nước có thể tái áp đặt lệnh phong tỏa sẽ làm đảo ngược đà phục hồi kinh tế.

Đây là nhận định chung của hơn 500 nhà kinh tế đưa ra trong các khảo sát do hãng Reuters tiến hành.

Tình hình dịch COVID-19 chưa lắng dịu khi đã có hơn 17 triệu người mắc bệnh trên toàn cầu, trong số này hơn 600.000 người đã tử vong.

Điều này buộc nhiều nước thực hiện các biện pháp siết chặt, khiến người dân hạn chế ra ngoài và hoạt động kinh doanh đình trệ, dẫn tới nguy cơ kinh tế tiếp tục suy thoái.

Theo các nhà phân tích, Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới - đang có nguy cơ chứng kiến sự sụt giảm lớn nhất trong bối cảnh các ca nhiễm mới liên tục tăng. Trước tình hình này, đồng USD đã rơi xuống mức thấp nhất trong hai năm qua.

[Danh sách các ông lớn châu Âu thua lỗ tiếp tục nối dài]

Trong bối cảnh gia tăng các trường hợp mắc bệnh tại nhiều nước như Australia, Ấn Độ, Tây Ban Nha và Brazil, các chuyên gia kinh tế đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2020.

Tăng trưởng GDP toàn cầu được dự báo giảm 4%, khoảng 3.400 tỷ USD, tương đương với quy mô nền kinh tế Canada và Australia cộng lại. Đây là lần thứ 6 liên tiếp dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu bị điều chỉnh hạ từ mức 3,1% được đưa ra hồi tháng 1.

Trong trường hợp dịch COVID-19 được kiểm soát và việc điều chế vaccine ngừa bệnh hiệu quả, các chuyên gia kinh tế dự báo kinh tế toàn cầu trong năm tới sẽ tăng trưởng 5,3%, giảm nhẹ so với mức dự đoán 5,4% được đưa ra tháng trước.

Tuy nhiên, trong trường hợp xấu nhất, kinh tế toàn cầu tăng trưởng -6,5% trong năm nay, thấp hơn nhiều so với mức âm -4,9% mà Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán, và sẽ chỉ tăng trưởng 2% trong năm 2021.

Người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Barclays, ông Christian Keller, nhận định kinh tế toàn cầu rơi vào khủng hoảng chỉ trong 6 tháng, qua đó cho thấy dịch COVID-19 đã khiến kinh tế toàn cầu biến đổi.

Theo ông Keller, đã có sự thay đổi về quan điểm trong chính sách tiền tề và tài chính, bên cạnh những thay đổi về thương mại toàn cầu, chuỗi cung ứng, hoạt động đi lại trên thế giới và địa chính trị.

Đa số các nhà kinh tế đều hạ dự báo triển vọng kinh tế của Mỹ, Canada, Anh, Nhật Bản và Australia và dự đoán tăng trưởng trong năm 2021 của những nước này là khiêm tốn.

Đối với Eurozone, triển vọng kinh tế trong năm tới có phần sáng sủa hơn sau khi giới chức Liên minh châu Âu (EU) nhất trí tung ra gói kích thích kinh tế trị giá 750 tỷ euro.

Trong khi đó, nền kinh tế các nước Mỹ Latinh chưa có dấu hiệu khả quan khi tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát với các ca lây nhiễm mới không ngừng tăng.

Trung Quốc, nơi được xem là nguồn lây nhiễm COVID-19, có triển vọng sáng hơn. Các chuyên gia dự đoán kinh tế Trung Quốc có thể hồi phục nhanh hơn các nước khác, dù kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động xuất khẩu ra thế giới.

Khi được hỏi về sự thay đổi về hoạt động kinh tế trong tháng Sáu, đa số các chuyên gia cho rằng không có sự biển chuyển nào, thậm chí còn tệ hơn.

Nhiều chuyên gia còn cho rằng các nền kinh tế trên thế giới phải mất từ 2 năm hoặc nhiều hơn để lấy lại đà tăng trưởng như thời trước khi bùng phát dịch COVID-19.

Nhà kinh tế trưởng Janet Henry của HSBS nêu rõ những dự báo trên cho thấy mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu đến cuối năm 2021 không chỉ thấp hơn so với mức trước khi xảy ra dịch bệnh mà còn thấp hơn mức hồi cuối năm 2019.

Các khảo sát của Reuters được thực hiện từ ngày 3-29/7./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục