Sách mới phản ánh cuộc đấu tranh kháng Pháp của quân và dân Nam Kỳ

Cuốn sách "Khắc họa bức tranh lịch sử Nam Kỳ" diễn giải những câu chuyện lịch sử diễn ra trên đất Nam Kỳ xưa, với nguồn tranh ảnh minh họa sống động, có giá trị.
Sách do do Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty Omega Plus phát hành. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sau khi đổ bộ vào Vịnh Đà Nẵng năm 1858, liên quân Pháp-Tây Ban Nha kéo thuyền xuôi về phía Nam tấn công và hạ thành Gia Định (Sài Gòn) ngày 17/2/1859. Kể từ đó, quân dân Nam Bộ trải qua cuộc trường kỳ kháng Pháp.

Những diễn biến lịch sử diễn ra trên đất Nam Kỳ xưa được phản ánh sinh động trong cuốn sách mới xuất bản “Khắc họa bức tranh lịch sử Nam Kỳ” của tác giả, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Diệu.

Theo nhà nghiên cứu Lê Nguyễn, Việt Nam dưới thời nhà Nguyễn đã trải qua một giai đoạn lịch sử phong phú, đặt ra nhiều vấn đề, trong đó có cả những mâu thuẫn, nghịch lý và ngộ nhận. Vì vậy, việc viết về giai đoạn này cho đến nay vẫn không ngừng đem đến nhiều thách thức lẫn những khám phá. Do đó, cuốn sách của tác giả Nguyễn Quang Diệu góp thêm một cái nhìn mới về giai đoạn này.

['Nam Kỳ và cư dân': Miền Nam thế kỷ 19 qua lăng kính bác sỹ người Pháp]

Độc giả sẽ được xem một “cuốn phim” lịch sử kể từ thời Vua Gia Long, Vua Minh Mạng, Tả quân Lê Văn Duyệt đến khi người Pháp xâm lăng và thiết lập chế độ thuộc địa.

Sách đề cập đến những lát cắt mới lạ, chưa nhiều công trình nghiên cứu đề cập đến như “phòng tuyến chùa” của người Pháp để đối phó với quân dân An Nam, nền y khoa thuộc địa, làng báo Sài Gòn đầu thế kỷ 20…

Tác phẩm có gần 150 tranh/ảnh/bản đồ sống động, có giá trị, trong đó 24 trang in tranh/ảnh màu và một số hình ảnh lần đầu tiên được giới thiệu.

Tác giả Nguyễn Quang Diệu (cũng là tác giả cuốn “Một tháng ở Nam Kỳ”) cho hay anh mong muốn giới thiệu một cuốn sách lịch sử sinh động, dễ tiếp cận với độc giả phổ thông, bằng cách "vừa đọc sách, vừa xem tranh."

“Trong cuốn sách này, chúng tôi chọn in gần 150 tranh, ảnh, bản đồ về vùng đất Nam kỳ nói chung và Sài Gòn nói riêng, nhằm minh họa cho các sử kiện được nhắc đến rải rác trong sách, và cũng để giới thiệu đến độc giả những hình ảnh quý giá về Nam Kỳ một thuở qua góc nhìn của người phương Tây,” tác giả cho biết.

Cuốn sách do Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty Omega Plus phát hành./.

Một số hình ảnh trong sách:

Phụ nữ An Nam, tranh mực Tàu và màu nước của Henri Amirault (1834-1914). Nguồn: Bảo tàng Quai Branly.
Phức hợp ngôi nhà gỗ dùng làm Dinh Thống soái Nam Kỳ đầu tiên, khoảng năm 1865 (sau là Dinh Toàn quyền Đông Dương, bây giờ ở vị trí Hội trường Thống nhất, Thành phố Hồ Chí Minh, tranh mực Tàu và màu nước của Henri Amirault (1834-1914). Nguồn: Bảo tàng Quai Branly.
Cảnh hồ nước và ngôi làng ở Nam Kỳ, thế kỷ 18. Nguồn: Thư viện Quốc gia Pháp
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục