Sai lầm lớn của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Mỹ

Ngoại thương giảm sụt - hệ quả từ cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ có thể tác động rất xấu đến kinh tế Trung Quốc, thậm chí đẩy Trung Quốc rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
(Nguồn: Sputnik International)

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer hôm 1/8 chính thức thông báo Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh xem xét khả năng đánh thuế 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc, thay vì 10% như đề xuất ban đầu.

Như vậy, Chính quyền Trump đã bắn đi tín hiệu cho thấy họ sẵn sàng leo thang mạnh mẽ trong cuộc đọ sức thương mại với Trung Quốc, mở màn hồi tháng 7 vừa qua với việc khối lượng hàng hóa trị giá khoảng 74 tỷ USD của cả hai bên bị áp thuế.

Theo ghi nhận của giới quan sát, Trung Quốc hiện đang ở thế bị động, chỉ biết "ăn miếng trả miếng" trước các đòn tấn công của Mỹ, chứ chưa có những biện pháp đối phó mạch lạc, có tính toán kỹ như thường thấy trước đây.

Bắc Kinh cũng có vẻ bị cô lập trong cuộc chiến thương mại, không lôi kéo được các thế lực kinh tế khác cùng chung sức chống Mỹ, mặc dù quyết định đánh thuế của ông Trump không chỉ nhắm vào một mình Trung Quốc, mà còn với cả Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, hay một số nước khác.

Theo Đài RFI, nhật báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hong Kong) ngày 30/7 đã đăng bài phân tích của chuyên gia Trương Lâm thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế Thiên Tắc ở Bắc Kinh, trong đó chỉ ra rằng Bắc Kinh đã phạm "hai sai lầm lớn" trong cuộc chiến tranh thương mại với Washington, đó là đánh giá sai về cả Tổng thống Trump lẫn liên minh Mỹ-EU.

Theo chuyên gia này, vì các sai lầm đó, Trung Quốc sẽ phải trả giá đắt, mà tác giả gói gọn trong khái niệm "bẫy thu nhập trung bình," một khái niệm lần đầu tiên được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra năm 2006, mô tả một nền kinh tế thu nhập trung bình bị đình đốn và không còn khả năng khôi phục đà tăng trưởng cao.


Đánh giá sai về Tổng thống Mỹ

Chuyên gia Trương Lâm cho rằng sai lầm cơ bản của Bắc Kinh là quá coi thường Tổng thống Trump, cho rằng ông chỉ là một doanh nhân và những đe dọa chiến tranh thương mại của ông chỉ là đòn phô trương thanh thế bề ngoài trước các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.

[Ba tín hiệu từ đòn trả đũa thương mại với Mỹ của Trung Quốc]

Bắc Kinh đã quên rằng trong bản Chiến lược Quốc phòng công bố trước khi căng thẳng thương mại leo thang, Washington đã xác định họ không thể chấp nhận các hoạt động thương mại và kinh tế của Trung Quốc như hiện nay. Thông điệp được đưa ra là Bắc Kinh sẽ không thể vừa kiếm tiền từ Mỹ vừa thách đố Washington.

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng hôm 27/7 cũng đã có bài phân tích giải thích vì sao Trung Quốc lại bị bất ngờ trước các động thái quyết đoán của Tổng thống Trump, đồng thời nêu bật sự thiếu nhạy bén của Bắc Kinh, quá coi thường tâm lý bài Trung Quốc đang dâng cao trong giới ưu tú tại Mỹ.

Theo báo trên, sự kiện Bắc Kinh siết chặt quyền kiểm soát với các cơ quan tham vấn và việc đẩy mạnh chiến dịch chống lãng phí đã tác động tiêu cực đến cách thức giới lãnh đạo Trung Quốc xử lý các vấn đề đối ngoại, và làm suy yếu sự hiểu biết của Bắc Kinh về chính trị Mỹ dưới thời Tổng thống Trump.

Một cựu cố vấn về chính sách Mỹ đề nghị giấu tên nhận định cả giới lãnh đạo lẫn các nhà nghiên cứu Trung Quốc đều không thấy được rằng tâm lý chống Trung Quốc ở Mỹ đã lên cao như thế nào, mà chỉ cho rằng Tổng thống Mỹ chỉ tung đòn gió để tìm một chiến thắng cho đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào cuối năm nay, và mọi thứ sẽ thay đổi sau đó.

Theo cố vấn này, cái nhìn trên hoàn toàn sai lạc, và Bắc Kinh đã đánh giá sai tình hình. Nguyên nhân, theo ông, đến từ việc giới lãnh đạo Trung Quốc đã tự cô lập mình hơn, trong lúc không một ai trong nước dám nói với giới lãnh đạo Bắc Kinh rằng họ đang sai.

Nhiều nguồn tin ngay tại Trung Quốc và một số quan sát viên đã xác nhận với tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng rằng chính sách mà Bắc Kinh đang áp dụng nhằm củng cố quyền lực của Đảng Cộng sản đã khiến cho các cố vấn chính sách Trung Quốc tránh thảo luận sâu với các đối tác Mỹ, điều có thể giúp họ hiểu rõ hơn về tư duy mới nhất ở Washington. Chính sách đó cũng khiến họ ngần ngại nói lên suy nghĩ của mình.

Chính sự thiếu thông tin đó đã khiến Bắc Kinh không có được một chiến lược toàn diện để đối phó với Chính quyền Trump, ít nhất là trên mặt trận thương mại, tại một thời điểm mà quan hệ hai bên đang rất căng thẳng.


Ngộ nhận về quan hệ đồng minh Mỹ-EU

Theo chuyên gia Trương Lâm, sai lầm lớn thứ hai mà Trung Quốc phạm phải là không thấy được mối quan hệ chặt chẽ giữa Mỹ và EU, và đã hy vọng một cách thiếu thực tế rằng có thể hình thành liên minh thương mại với châu Âu để đối phó với Washington.

Chuyên gia này nhận định: "Dù quan hệ xuyên Đại Tây Dương có nhiều bất đồng - như việc Anh, Pháp và Đức đều tham gia Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á do Trung Quốc dẫn đầu bất chấp phản đối của Mỹ - nhưng nhìn chung, các nước phương Tây đều cùng chia sẻ một số giá trị chung cốt lõi."

Tuyên bố mới nhất về thương mại giữa Mỹ và EU đã gửi thêm một thông điệp đến Bắc Kinh, theo đó Washington và Brussels sẽ "làm việc chặt chẽ với nhau, cũng như với các đối tác cùng chí hướng" để giải quyết một loạt vấn đề như "đánh cắp tài sản trí tuệ, ép buộc chuyển giao công nghệ, trợ cấp công nghiệp, thị trường bị các công ty nhà nước bóp méo, và tình trạng sản xuất dư thừa."

Vì những sai lầm trên, Bắc Kinh đã bị đẩy vào một cuộc đọ sức thương mại với cường quốc kinh tế số một thế giới, với hệ quả là "thời vàng son của ngành xuất khẩu" Trung Quốc kể từ khi nước này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001 được cho là đang trên đà cáo chung.

Một tín hiệu đáng ngại cho Bắc Kinh: Theo thống kê chính thức của Trung Quốc, công bố hôm 31/7 vừa qua, hoạt động thương mại của Trung Quốc trong tháng 7 đã giảm rõ rệt, giá cả tăng lên, cho thấy căng thẳng thương mại với Mỹ đã bắt đầu ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.


Rơi vào "bẫy thu nhập trung bình"

Chuyên gia Trương Lâm đánh giá ngoại thương giảm sụt -hệ quả từ cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ- có thể tác động rất xấu đến kinh tế Trung Quốc, thậm chí đẩy Trung Quốc rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Quần áo sản xuất tại Trung Quốc được bày bán tại cửa hàng ở New York. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo chuyên gia này, "phép màu kinh tế" của Trung Quốc trong vòng 4 thập kỷ qua dựa vào 2 yếu tố: Một là khối kinh tế nhà nước hoạt động không hiệu quả mở đường cho nền kinh tế tư nhân sinh động; Hai là tiến trình hội nhập của kinh tế Trung Quốc vào kinh tế toàn cầu thông qua thương mại và đầu tư.

Từ năm 1978, khi Trung Quốc cải cách và mở cửa theo chủ trương của Đặng Tiểu Bình, kinh tế Trung Quốc đã trải qua 4 chu kỳ tăng trưởng. Kinh tế nước này lẽ ra có thể được hưởng một chu kỳ tăng trưởng thứ năm nếu tiếp tục tự do hóa nền kinh tế trong nước và mở cửa hơn ra nước ngoài.

Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra, và từ năm 2013 đến nay kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng chậm lại. Trong mô hình phát triển kinh tế hiện nay, với nhà nước đóng vai trò chủ đạo, các doanh nghiệp nhà nước lấn lướt trong khi khối tư nhân lùi bước, làm cho một trong hai trụ cột tăng trưởng bị phá hủy.

Cuộc chiến thương mại với Mỹ bắt đầu làm lung lay trụ cột còn lại. Kết quả là cả 2 trụ cột tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc đều lỏng lẻo, đe dọa triển vọng kinh tế Trung Quốc.

Nếu Mỹ và EU, và thậm chí Nhật Bản, hình thành một khối tự do thương mại mới trong thời điểm kinh tế Trung Quốc đang chững lại, Bắc Kinh sẽ càng khó phục hồi đà tăng trưởng…

Trung Quốc đang cố gắng giải quyết tình hình bằng cách đẩy mạnh mở cửa thị trường cho các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời bổ nhiệm Phó Thủ tướng Lưu Hạc - người đã có những bước đi táo bạo để cải tổ khu vực kinh tế nhà nước gần đây- lãnh đạo một cơ quan cải cách các doanh nghiệp nhà nước.

Theo Trương Lâm, rõ ràng là Trung Quốc phải nhanh chóng hành động, và không được phép có thêm sai lầm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục