Để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có hiệu quả, bên cạnh khai thác hiệu quả những lợi thế sẵn có như vị trí địa lý, chất lượng nguồn nhân lực, các chính sách ưu đãi thì các cơ chức năng, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh luôn tích cực, chủ động, sáng tạo trong cách thu hút, tiếp cận các nhà đầu tư với phương châm xuyên suốt "thành công của các nhà đầu tư cũng chính là thành công của thành phố và hiệu quả của các nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh."
Đón đầu công nghệ cao
Trong quá trình triển khai thu hút vốn FDI, thành phố đặc biệt coi trọng và từng bước lựa chọn, tập trung thu hút vốn trong các lĩnh vực ít thâm dụng lao động, có hàm lượng khoa học, công nghệ cao.
Qua 15 năm, từ mảnh đất sình lầy nay đã hóa thành Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh (SHTP) đáng tự hào của nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh với những tên tuổi của các tập đoàn hàng đầu thế giới đã hiện diện như Intel, Samsung, Nidec... và hàng trăm doanh nghiệp Việt đã và đang hiện hữu.
Những thay đổi mang tính cột mốc đã được thể hiện rõ nét và những quyết tâm xây dựng mô hình SHTP đã trở thành một nguồn tư liệu quý, kiểu mẫu cho việc xây dựng, phát triển mô hình khu công nghệ cao trong cả nước.
Năm 2006, với việc công bố dự án đầu tư trị giá 1 tỷ USD vào Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, Tập đoàn Intel (Hoa Kỳ) đã giúp Việt Nam ghi tên vào bản đồ công nghệ thông tin toàn cầu. Đây cũng là sự kiện có tính chất mở đường, tạo nguồn cảm hứng giúp cho Việt Nam thu hút các dự án lớn, các dự án công nghệ cao từ các nhà đầu tư nước ngoài khác.
Theo Công ty trách nhiệm hữu hạn Intel Products Việt Nam, với những đóng góp nổi bật trong 10 năm qua, sang năm 2018, công ty dự kiến tiếp tục tăng tốc về giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu, tiếp tục gia tăng năng lực sản xuất chế tạo, kế hoạch nâng cấp diện tích phòng sạch, tập trung vào nâng cấp dây chuyền và công nghệ, phát triển thêm các sản phẩm mới trong hoạt động sản xuất chế tạo tại Việt Nam.
Ngoài việc đầu tư sản xuất hiệu quả, hiện nay, Công ty trách nhiệm hữu hạn Intel Products Việt Nam còn triển khai các hoạt động đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho Thành phố qua các chương trình HEEAP 2.0, Intel Tech, IPV, Intel Easy Step, Intel ISEF. Cụ thể, công ty đang triển khai dự án SS10 với số vốn đầu tư 2,5 triệu USD, xây dựng trung tâm huấn luyện và môi trường phát triển đổi mới sáng tạo cho đội ngũ nhân viên tại Việt Nam.
Tương tự, Công ty trách nhiệm hữu hạn Samsung CE Complex đã đưa vào hoạt động dự án nhà máy sản xuất tại Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minhtừ tháng 4/2016. Hiện công ty đã thực hiện vốn đầu tư 1,299 tỷ USD đạt 64% vốn đầu tư đăng ký.
Năm 2016, công ty xuất khẩu đạt 1,311 tỷ USD, chiếm 18,2% giá trị xuất khẩu của khu công nghệ cao. Ngoài việc đầu tư hiệu quả tại khu công nghệ cao, công ty đang hoạt động đầu tư mạnh về sản xuất và đã khánh thành Trung tâm Nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam với khoảng 250 kỹ thuật viên, chuyên gia trong và ngoài nước với mục tiêu đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, phát triển, cải tiến các dòng sản phẩm đang sản xuất tại Việt Nam.
Ông Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết SHTP đã thực sự trở thành điểm đến cho các nhà đầu tư về nghiên cứu triển khai công nghệ mới, cùng với đó tại SHTP đang hình thành nhiều dự án hợp tác nghiên cứu khoa học quan trọng về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.
Trong năm 2017, một dự án quan trọng trong công việc đào tạo đội ngũ nhân lực trình độ là dự án thành lập Đại học Fulbright (Hoa Kỳ). Tính đến nay, Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh có 68 dự án đang hoạt động chiếm 46,58%, 78 dự án đang triển khai hoạt động chiếm 53,42%.
Tại Khu Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC), hiện nay cũng đang có 50 doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, trong tổng số 155 doanh nghiệp phần mềm, nội dung số, dịch vụ công nghệ thông tin. Trong số này có 4 doanh nghiệp hàng đầu thế giới như KDDI, HITACHI (Nhật Bản), Concentrix (Hoa Kỳ) và Hexagone (Anh); 6 doanh nghiệp có chứng chỉ quản lý chất lượng sản xuất phần mềm tiên tiến thế giới CMMI như TMA Solutions, GCS, SPS, Digi-Texx, Larion và Misa.
Theo ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung, các doanh nghiệp đã xây dựng và cung cấp hơn 250 sản phẩm, dịch vụ và giải pháp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Các sản phẩm, giải pháp chủ yếu được xuất khẩu trên 20 quốc gia tập trung vào Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu.
Trên cơ sở đề xuất của Ủy ban Nhân dân thành phố và Bộ Thông tin và Truyền thông, ngày 3/3/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thí điểm thành lập chuỗi QTSC. Chuỗi QTSC là tổ chức liên kết giữa QTSC với các khu công nghệ thông tin tập trung, khu phần mềm, trung tâm công nghệ thông tin để thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Chuỗi QTSC được thành lập với 2 thành viên ban đầu gồm QTSC và Khu công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh liên kết với nhau tạo hạ tầng đồng bộ, thống nhất, nâng cao năng lực thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin.
Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung, nhấn mạnh đây là một bước ngoặt mang tính lịch sử trong quá trình phát triển QTSC và tạo tiền đề vững chắc cho thương hiệu QTSC phát triển trong thời gian sắp tới.
Với các mô hình thu hút đầu tư trên, Thành phố Hồ Chí Minh đã tạo ra được những "cú hích" rất lớn trong quá trình thu hút vốn FDI của thành phố.
Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minhcho biết thành phố đã tập trung thu hút đầu tư các lĩnh vực công nghệ cao và triển khai công tác nghiên cứu, đào tạo, ươm tạo phục vụ nhà đầu tư, đồng thời, tổ chức xúc tiến đầu tư gắn kết chặt chẽ với xây dựng hạ tầng, thu hồi đất, quy hoạch.
Chủ động tiếp cận nhà đầu tư
Trong bối cảnh hiện nay, thực hiện các chủ trương phát triển mới của mình, Thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung thu hút vào các lĩnh vực công nghệ cao, phát triển đô thị thông minh.
Vào tháng 4/2018, Thành phố Hồ Chí Minh đã chính thức công bố kêu gọi đầu tư vào 190 dự án; trong đó, tập trung vào nhiều dự án đầu tư cho thành phố thông minh, đô thị sáng tạo.
[Những mô hình thu hút FDI tiên phong tại Thành phố Hồ Chí Minh]
Để đạt được mục tiêu trên, Thành phố Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện hạ tầng, nghiên cứu tìm kiếm đất sạch, xây dựng các khu công nghiệp chuyên ngành… để thu hút nhà đầu tư nước ngoài.
Thành phố cũng chủ động xúc tiến đầu tư vào các ngành công nghệ cao để xây dựng đô thị hiện đại như công nghiệp ôtô, sản phẩm nông nghiệp mới, công nghiệp môi trường, năng lượng tái tạo...
Nhận định về định hướng này, tiến sỹ Huỳnh Thanh Điền, Đại học Nguyễn Tất Thành, cho rằng những dự án FDI thế hệ mới sẽ tạo được sự chuyển dịch trọng tâm trong thu hút FDI. Hiện thành phố đang mở rộng và tập trung thu hút FDI vào các lĩnh vực công nghệ cao và phát triển đô thị. Việc mở rộng thu hút đầu tư này sẽ giúp thành phố hình thành môi trường đầu tư đa dạng, phong phú hơn.
Để thu hút được nguồn vốn, Thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư. Các hoạt động được tổ chức đa dạng, từ trong nước cũng như ở nước ngoài, tìm kiếm những nhà đầu tư tiềm năng, phù hợp với nhu cầu của thành phố.
Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh tích cực, chủ động gặp gỡ với nhà đầu tư, trong các cuộc tiếp khách đối ngọai, lãnh đạo từ cấp cao của các nước, các địa phương, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh luôn “tranh thủ” giới thiệu các tiềm năng, gợi mở các cơ hội hợp tác, đầu tư tại thành phố. Song song đó, trong các chuyến công tác, làm việc tại nước ngoài, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh cũng luôn chủ động giới thiệu, gặp gỡ các nhà đầu tư đã, đang cũng như dự định đầu tư vào thành phố.
Có thể nói, các hoạt động cũng như cam kết của lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đã tạo niềm tin cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài “sẵn sàng” rót vốn đầu tư vào thành phố.
Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2016 đến nay, thành phố đã tổ chức 120 hoạt động xúc tiến đầu tư gồm tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, giới thiệu môi trường đầu tư và các dự án đầu tư; chủ động tiếp xúc với các tập đoàn tìm hiểu nhu cầu và môi trường đầu tư của thành phố, hỗ trợ các doanh nghiệp; trong đó, có các doanh nghiệp FDI để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư kinh doanh tại thành phố...
Đồng thời, thành phố kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào 4 ngành công nghiệp trọng yếu, 9 lĩnh vực dịch vụ ưu tiên và 7 chương trình đột phá.
Ông Nguyễn Thành Phong khẳng định trong quá trình xây dựng và phát triển, Thành phố Hồ Chí Minh luôn coi trọng và quan tâm mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư lâu dài tại thành phố.
Thành phố cam kết xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng để gia tăng sự hấp dẫn và tính cạnh tranh về đầu tư cho các doanh nghiệp nước ngoài./.