"Sát hại nhà báo trở thành xu hướng bạo lực gây sốc mới ở Syria"

Việc nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria chặt đầu các nhà báo trong năm nay đã cho thấy các phóng viên đang phải đối mặt với mối hiểm họa mới.
"Sát hại nhà báo trở thành xu hướng bạo lực gây sốc mới ở Syria" ảnh 1Nhà báo James Foley trước khi bị IS giết. (Nguồn: CNN)

Theo Reuters, trong báo cáo thường niên công bố ngày 16/12, Tổ chức Phóng viên không biên giới (RWB) có trụ sở tại Paris (Pháp) nhận định rằng việc nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria chặt đầu các nhà báo trong năm nay đã cho thấy các phóng viên đang phải đối mặt với mối hiểm họa mới.

Theo báo cáo trên, trong khi tổng số nhà báo bị sát hại trên toàn cầu trong năm 2013 giảm 7% so với năm 2012, xuống còn 66 người, thì bản chất của một số vụ giết hại này lại là mối quan ngại lớn.

Báo cáo có đoạn viết: "Báo cáo năm 2014 của RWB nêu bật sự leo thang về bản chất bạo lực nhằm vào giới nhà báo cũng như những hình thức cụ thể, trong đó có các mối đe dọa được lên kế hoạch kỹ lưỡng và chặt đầu, đang được lợi dụng để phục vụ các mục đích rất rõ ràng. Hiếm khi các phóng viên bị sát hại với cách thức tuyên truyền man rợ như vậy - hành động khiến cả thế giới bàng hoàng."

Ngoài ra, báo cáo còn chỉ rõ quốc gia nguy hiểm nhất đối với các nhà báo trong năm 2014 là Syria, nơi đã có 15 nhà báo thiệt mạng, tiếp đó là vùng lãnh thổ Palestine, đặc biệt là Dải Gaza, miền Đông Ukraine, Iraq và Libya. Trong khi đó, Trung Quốc là đất nước có nhiều phóng viên bị tống giam nhất, tiếp đó là Eritrea, Iran, Ai Cập và Syria.

Số các nhà báo bị bắt cóc trong năm 2014 tăng 37%, lên tới 119 người, trong đó 90% trong số này là phóng viên địa phương ở Trung Đông và Bắc Phi. Hiện có khoảng 40 nhà báo vẫn đang bị bắt làm con tin trên toàn thế giới. Do "nhiều hình thức đe dọa", số lượng nhà báo phải sống lưu vong trong năm nay đã tăng gấp 2 lần so với năm 2013./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục