Không chỉ ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán, xâm nhập mặn trong suốt nhiều năm nay, Đồng bằng sông Cửu Long hiện đang tiếp tục phải hứng chịu tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển với mức độ hết sức phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt, giao thông của người dân.
Trước tình trạng trên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đưa ra các giải pháp căn cơ để phòng chống sạt lở trong thời gian tới như: Cần phải có quy hoạch, sắp xếp lại dân cư tại những vùng có nguy cơ bị sạt lở; xây dựng các kịch bản về nguồn nước để phòng, chống hạn hán tối ưu; kiểm soát chặt khai thác nước ngầm...
Vì sao sạt lở, lún sụt bờ sông?
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết những năm gần đây, biến đổi khí hậu tác động rất lớn không chỉ gây ảnh hưởng nặng nề tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long mà còn tác động khắp đất nước.
Riêng vấn đề sạt lở, lún sụt bờ sông, bờ biển ở Đồng bằng sông Cửu Long, theo phân tích của Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh thì nguyên nhân không chỉ do thiên tai, biến đổi khí hậu, mà còn bởi các tác nhân của con người.
Trà Vinh: Công bố tình huống khẩn cấp sự cố sạt lở bờ sông khu vực ấp Bà Trầm
Trà Vinh yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cắm biển báo, cảnh báo khu sạt lở, thông báo về tình hình sạt lở để chiến sỹ, người dân biết, chủ động trong sinh hoạt, sản xuất, đề phòng rủi ro.
Chỉ ra 5 nguyên nhân gây sạt lở, lún ở vùng “Vựa lúa số 1 của Việt Nam,” Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho rằng thứ nhất là do nền địa chất của vùng đồng bằng này được kiến tạo với các lớp địa chất trầm tích còn non trẻ.
Thứ hai là trước đây lượng phù sa về Đồng bằng sông Cửu Long đầy đủ hơn, còn hiện nay lượng phù sa giảm rất lớn gây thiếu hụt nguồn phù sa bồi đắp. “Đây cũng là một tác nhân,” Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh.
Nguyên nhân thứ ba theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh là trong quá trình phát triển, việc xây dựng đô thị, xây dựng khu dân cư, nuôi trồng thủy sản cũng đã làm tăng tải trọng, lấn chiếm bờ sông và thay đổi dòng chảy.
Đặc biệt là việc khai thác cát trái phép tại Đồng bằng sông Cửu Long. Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, các mỏ khai thác cát đều được đánh giá có tác động môi trường và phải khai thác theo môi trường, vì thế trường hợp khai thác trái phép diễn ra ở vùng này sẽ rất nguy hiểm.
“Tôi nghe các địa phương báo cáo khai thác lậu là dùng vòi để hút vô tội vạ mà lại gần bờ. Vừa qua đã xử lý một số vi phạm, có phép nhưng khai thác quá công suất, quá chiều sâu, có mỏ khai thác gấp đôi lần chiều sâu cho phép,” Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh chia sẻ nỗi trăn trở.
Nguyên nhân thứ năm gây ra sạt lở và lún sụt ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường là do tác động của thủy triều, nhất là trong bối cảnh xâm nhập mặn.
Bàn về vấn đề sạt lở và sụt lún ở Đồng bằng sông Cửu Long, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang) cho rằng ngoài 4 nguyên nhân gây sạt lở và lún sụt kể trên, còn một nguyên nhân khác là do khai thác nước ngầm tràn lan, không quản lý được chặt chẽ.
“Vấn đề này cần phải có các giải pháp, làm thế nào trong thời gian tới chúng ta quản lý tốt hơn vấn đề về khai thác nước ngầm để hạn chế vấn đề sụt lún như trong thời gian qua,” đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé nhấn mạnh.
Cần quy hoạch, bố trí lại dân cư
Nêu giải pháp khắc phục tình trạng trên, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết hiện nay cơ quan này đang được Thủ tướng giao đánh giá Đề án về trữ lượng cát sỏi, lòng sông của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
“Như vậy chúng tôi sẽ biết được tổng thể những vùng có thể khai thác, trữ lượng khai thác thế nào. Trước đây chúng ta chưa nghiên cứu vấn đề này,” Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh.
Về việc nâng cao khả năng cảnh báo và dự báo về thiên tai, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết vừa qua Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Tổng cục Khí tượng Thủy văn nâng cấp trang thiết bị, phối hợp cùng với các tổ chức quốc tế, đào tạo nguồn nhân lực để tăng khả năng dự báo.
Hiện nay, Tổng cục Khí tượng thủy văn đã có bản tin cảnh báo sạt lở, bản tin về cảnh báo dự báo khí tượng thủy văn 10 ngày, hằng tháng và theo mùa để các địa phương, người dân chủ động ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đối với các địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị cần phải có quy hoạch, rà soát, sắp xếp lại dân cư tại những vùng có nguy cơ bị sạt lở, ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội. “Những vùng nào nguy cơ cảnh báo cao thì phải thực hiện ngay việc quy hoạch, bố trí lại dân cư,” Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh.
Các địa phương cũng cần phải xử lý những việc lấn chiếm lòng sông, bờ sông, nhất là những địa điểm ven sông mà phần diện tích công trình xây dựng trên đất ít hơn diện tích lấn chiếm ở ngoài vì những trường hợp này làm thay đổi dòng chảy…
Ngoài ra, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cũng lưu ý đến việc các địa phương cần sớm xây dựng các kịch bản về nguồn nước để đảm bảo phòng, chống hạn hán tối ưu; cũng như có giải pháp quản lý, cải thiện nguồn nước để ngăn chặn tình trạng khai thác nước ngầm tràn lan.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cũng cho rằng thời gian tới cần phải có cách tiếp cận tổng thể về nguồn nước theo hướng chặt chẽ hơn, bởi theo ông thì cách thức sử dụng nước sẽ ảnh hưởng đến dung lượng nước.
“Chúng ta tưới nước tràn, tưới xả, trong khi nhiều nơi tưới nhỏ giọt để điều chỉnh từng đơn vị nước cho cây trồng, cho vật nuôi, thủy sản. Nếu tiếp cận như thế, nước tự nhiên sẽ hết và chúng ta khai thác nước ngầm sẽ gây ra một hệ lụy, một vòng luẩn quẩn, không có con đường ra về mặt chiến lược lâu dài,” ông Hoan nói.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho biết Thủ tướng đã chỉ đạo tháng Chín tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ trình Đề án tổng thể liên quan tới hạn hán, xâm nhập mặn, sụt lún và sạt lở bờ sông, bờ biển.
"Đây là vấn đề lớn cần phải có nguồn lực rất lớn và phải đầu tư dài hơi; thậm chí như Nghị quyết 120 sẽ phải chuyển đổi cả không gian sống và không gian sản xuất để hợp lý hơn trong điều kiện biến đổi khí hậu," ông Hoan nói./.