Sau 10 năm, quy mô thị trường trái phiếu Chính phủ đạt trên 25% GDP

Sau 10 năm hoạt động, thị trường trái phiếu Chính phủ đã phát triển cả về quy mô và tính thanh khoản, đóng vai trò then chốt trên thị trường vốn Việt Nam.
Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đóng vai trò quan trọng để phát triển cơ cở hạ tầng. (Ảnh: Tuyến đường cao tốc Hạ Long-Vân Đồn/TTXVN )
Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đóng vai trò quan trọng để phát triển cơ cở hạ tầng. (Ảnh: Tuyến đường cao tốc Hạ Long-Vân Đồn/TTXVN )

Quy mô thị trường trái phiếu Chính phủ đến hết tháng 11/2019 bằng 25,1%GDP năm 2019 gấp 12 lần so với năm 2009.

Bà Phan Thị Thu Hiền, Vụ trưởng Vụ Tài chính các Ngân hàng và Tổ chức tài chính, Bộ Tài chính chia sẻ thông tin tại Hội nghị “Tổng kết 10 năm hoạt động và phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ,”  ngày 10/12.

Thị trường trái phiếu Chính phủ chuyên biệt chính thức khai trương và đi vào hoạt động từ năm 2009. Đến nay, sau 10 năm hoạt động, thị trường này đã phát triển cả về quy mô và tính thanh khoản đồng thời đóng vai trò then chốt để phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu của Việt Nam.

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, thanh khoản thị trường trong 11 tháng của đạt 9.000 tỷ đồng/phiên, tăng 24 lần so với năm 2009 và bằng 0,9% dư nợ trái phiếu niêm yết.

“Thị trường trái phiếu Chính phủ Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 27%/năm trong thập kỷ qua và là mức tăng cao nhất trong các nền kinh tế mới nổi tại khu vực Đông Á,” bà Hiền cho biết.

Sau 10 năm, quy mô thị trường trái phiếu Chính phủ đạt trên 25% GDP ảnh 1Hội nghị “Tổng kết 10 năm hoạt động và phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ,” ngày 10/12. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo đó, thị trường trái phiếu Chính phủ đã trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn có hiệu quả cho ngân sách Nhà nước. Cụ thể, giai đoạn 2009-2019, kênh phát hành trái phiếu Chính phủ đã huy động được 1,96 triệu tỷ đồng, bình quân đạt khoảng 175.000 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, kênh trái phiếu Chính phủ bảo lãnh cũng huy động được 385.151 tỷ đồng, bình quân khoảng 35.014 tỷ đồng/năm và kênh trái phiếu chính quyền địa phương huy động được 36.924 tỷ đồng, bình quân khoảng 4.615 tỷ đồng/năm.

Đáng chú ý, trong những năm gần đây, kênh huy động vốn trái phiếu Chính phủ chiếm 75% - 80% trong năm.

Chia sẻ kế hoạch phát triển giai đoạn 2021-2025, bà Hiền cho biết Chính phủ chủ chương phát huy nội lực, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững đi đôi với đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1191 ngày 14/8/2017. Cụ thể, về thị trường sơ cấp sẽ gắn kết giữa công tác huy động vốn trái phiếu Chính phủ với điều hành ngân sách Nhà nước và quản lý ngân quỹ.

“Với thị trường thứ cấp, phấn đấu đến năm 2020 tăng khối lượng giao dịch trái phiếu Chính phủ, trái phiếu Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương lên mức 1% dư nợ trái phiếu niêm yết và năm 2030 là 2% dư nợ trái phiếu niêm yết,” bà Hiền nói./.

Bà Phan Thị Thu Hiền, Vụ trưởng Vụ Tài chính các Ngân hàng và Tổ chức tài chính, phát biểu:

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục