Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá được Quốc hội bỏ phiếu thông qua năm 2012 và chính thức có hiệu lực từ tháng 5/2013. Tuy nhiên, sau hai năm, nhiều điều khoản của Luật vẫn chỉ… nằm trên giấy.
Mức thuế quá thấp
Theo Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá và Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới (được Việt Nam phê chuẩn năm 2004), một trong những giải pháp để giảm sức mua thuốc lá là tăng giá bán thông qua tăng thuế.
Việt Nam đã có lộ trình tăng thuế thuốc lá nhưng theo các chuyên gia, mức tăng này vẫn chưa đủ để đạt mục tiêu.
Theo khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới, trung bình, khi tăng thuế để giá thuốc lá tăng thêm 10% thì mức tiêu dùng sẽ giảm từ 4 đến 8%, còn doanh thu từ thuốc lá sẽ tăng khoảng 7%. Mức thuế thuốc lá tối ưu khi thuế chiếm tỷ lệ 65% đến 80% giá bán lẻ.
Tuy nhiên, theo phó giáo sư, tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế, Việt Nam vẫn còn ở rất xa con số này.
Hiện thuế tiêu thu đặc biệt của thuốc lá là 65% giá xuất xưởng. Trên thực tế, thuế thuốc lá (đã bao gồm 10% thuế giá trị gia tăng), khi tính ra tỷ lệ phần trăm giá bán lẻ chỉ chiếm 41,6%.
Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới. Với mức 41,6%, Việt Nam hiện là một trong hai quốc gia có mức thuế thuốc lá thấp nhất trong khu vực ASEAN và rất thấp so với các nước phát triển (Pháp 80%, Đức 73%, Australia 60%).
Theo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt mới kể từ ngày 1/1/2016, thuế suất thuế tiêu thu đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá sẽ tăng thêm 5%, từ 65% lên 70%. Tiếp đó, từ ngày 1/1/2019 sẽ tăng từ 70% lên 75%.
Tuy nhiên, tính toán của Bộ Y tế cho thấy, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá tăng lên 5% thì giá bán lẻ sẽ tăng hơn 2%. So với mức tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam khoảng 5%, sức mua đối với các sản phẩm thuốc lá vẫn tăng.
“Như vậy, Việt Nam khó đáp ứng được mục tiêu theo Công ước khung kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới là dùng biện pháp thuế để giảm hút thuốc,” ông Khuê nhận định.
Luật vẫn... nằm trên giấy
Không chỉ vấn đề điều chỉnh chính sách thuế, nhiều điều khoản được Luật quy định rõ ràng nhưng vẫn chưa đi vào cuộc sống.
Điều này được thể hiện khá rõ trong kết quả nghiên cứu Đánh giá tình hình thực thi Luật phòng chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn ba tỉnh gồm Hải Dương, Thái Bình, Khánh Hòa. Nghiên cứu do Trường Đại học Y tế công cộng phối hợp với Hội Y tế công cộng Việt Nam thực hiện trong hai năm 2014 và 2015.
Theo kết quả nghiên cứu, dù không có tình trạng quảng cáo ngoài trời về thuốc lá nhưng tại các điểm bán, tình trạng vi phạm về quảng cáo, khuyến mại và trưng bày thuốc diễn ra phổ biến. Tỷ lệ này ở Hải Dương là 77,5% trong khi ở Thái Bình là 91,9%, Khánh Hòa là 96,5%.
Vi phạm phổ biến nhất là quy định cấm trưng bày quá một bao, một tút, một hộp của một nhãn hiệu thuốc lá, các bao thuốc có in chữ khiến người dùng hiểu thuốc lá là ít có hại hoặc hiểu sai về tác hại của thuốc lá như chữ “nhẹ”, “êm”, “ít nicotine”.
Thậm chí tại Thái Bình, tỷ lệ vi phạm các quy định cấm khuyến mại thuốc lá tại điểm bán lại có xu hướng tăng lên sau thời điểm Luật được ban hành. Cụ thể, năm 2009, tỷ lệ vi phạm lỗi này ở Thái Bình là 0,7% thì đến năm 2014 là 8,4%, năm 2015 là 7%.
Một kết quả điều tra năm 2014 về tình hình sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên từ 13 đến 15 tuổi cho thấy, tỷ lệ thanh thiếu niên ở độ tuổi này hút thuốc lá là 2,5%, giảm 0,8% so với năm 2007. Tỷ lệ hút thuốc thụ động tại nhà của học sinh là 47,7%. Tỷ lệ học sinh bị phơi nhiễm với khói thuốc ở nơi công cộng là trên 66%. Những con số này có giảm nhưng không đáng kể so với trước khi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực thi hành.
Việc hút thuốc lá tại các điểm công cộng lại càng khó kiểm soát hơn.
Nhận định về việc thực thi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, ông Jeffery Joseph Kobza, quyền Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WTO) tại Việt Nam, cho biết còn rất nhiều nơi ở Việt Nam chưa thực hiện môi trường không khói thuốc. Thuốc lá vẫn còn được bày bán ở nhiều nơi bị cấm.
Và để thực hiện tốt hơn nữa việc phòng chống tác hại của thuốc lá, ông Jeffery Joseph Kobza khuyến nghị Việt Nam phải tăng cường thực thi Luật, tăng thuế thuốc lá và thay đổi cấu trúc thuế, đẩy mạnh hoạt động của Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá và thành lập dịch vụ cai nghiện thuốc lá.
“Chúng tôi ước tính, nếu thực hiện đầy đủ Luật và thực hiện tăng thuế thuốc lá lên 100%, mỗi năm Việt Nam có thể cứu được 16.000 sinh mạng khỏi tử vong do thuốc lá,” ông ông Jeffery Joseph Kobza nói./.