Sáu quốc gia dọc sông Mekong cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu

Tổng Thư ký Cơ quan Tài nguyên Nước quốc gia (ONWR) của Thái Lan Surasee Kittimonthon cho biết 6 quốc gia dọc sông Mekong đã cam kết ứng phó vấn đề biến đổi khí hậu.
Mực nước sông Mekong tại tỉnh Nakhon Phanom của Thái Lan. (Ảnh: Ngọc Quang/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, ngày 17/9, Tổng Thư ký Cơ quan Tài nguyên Nước quốc gia (ONWR) của Thái Lan Surasee Kittimonthon cho biết 6 quốc gia dọc sông Mekong đã cam kết ứng phó vấn đề biến đổi khí hậu.

Ông Surasee cho biết ONWR đã đại diện cho Thái Lan tại các cuộc họp của Diễn đàn hợp tác tài nguyên nước Lan Thương-Mekong lần thứ 3 và Hội nghị nước thế giới lần thứ 18 tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, từ ngày 10-13/9 vừa qua.

Cùng tham dự các cuộc họp còn có quan chức cấp cao của 6 nước thành viên Hợp tác Mekong-Lan Thương (MLC) gồm Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Việt Nam và Thái Lan. Sông Mekong dài 4.880km và là nguồn nuôi sống 326 triệu người ở các quốc gia này.

Theo quan chức Thái Lan, các cuộc họp được tổ chức để trao đổi kiến thức và công nghệ, đánh giá hiệu quả hoạt động của các dự án được quỹ đặc biệt MLC tài trợ.

[Các nước dọc sông Mekong đạt thỏa thuận chia sẻ dữ liệu vận hành đập]

Nội dung các cuộc họp cũng có phần báo cáo tiến độ trao đổi ý tưởng trong khuôn khổ hợp tác quản lý nước Mekong-Lan Thương giữa các nước thành viên.

Tại các cuộc họp, Thái Lan nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác giữa các nước thành viên trong quản lý tài nguyên nước thông qua mọi cơ chế của xã hội, bao gồm các cơ quan nhà nước, các khu vực xã hội dân sự và tư nhân hay thậm chí cả các tổ chức phụ nữ và thanh niên nhằm giải quyết tác động của biến đổi khí hậu như lũ lụt, hạn hán và nhu cầu về nước ngọt ngày càng gia tăng.

Ông Surasee cho biết Thái Lan đã đề xuất kế hoạch quản lý nước dựa trên kế hoạch tổng thể quốc gia quản lý nước 20 năm nhằm đạt được quản lý nước bền vững theo Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững.

Ngoài ra, các nước thành viên cũng đã nhất trí triển khai giai đoạn đầu của nghiên cứu chung giữa Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) và MLC nhằm mở đường cho việc chia sẻ thông tin tốt hơn về hoạt động của các hồ chứa trên dòng sông Mekong, vấn đề xả nước cũng như các giải pháp giảm thiểu tác động hạn hán hoặc lũ lụt dọc các khu vực ở các nước ở hạ lưu sông.

Ông Surasee thông báo một nhóm chuyên gia chung sẽ được thành lập để tiến hành nghiên cứu. Bên cạnh đó cũng sẽ có một cuộc khảo sát chung Lan Thương-Mekong để nghiên cứu tác động đối với các cộng đồng sống dọc sông./.
 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục