Sau Tô Lịch, công nghệ Nhật được giới thiệu làm sạch... ao tù

Sau quá trình thí điểm làm sạch một khúc sông Tô Lịch, thành phố Hà Nội dự kiến giới thiệu thêm một ao tù để Công nghệ Nhật thí điểm làm sạch.
Đoạn sông Tô lịch gần đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội được thí điểm xử lý ô nhiễm bằng công nghệ Nano Bioreactor. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)

Liên quan đến thí điểm xử lý làm sạch một đoạn sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano Bioreactor, lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã có văn bản thông báo kết luận buổi làm việc với Tổ chức Xúc tiến Thương mại Môi trường Nhật Bản.

Trước đó, tối muộn ngày 9/11, Tổ chức xúc tiến Thương mại-Môi trường Nhật Bản đã phát đi thông cáo báo chí có nội dung bắt đầu từ ngày 9/11 đến ngày 12/11, đơn vị này tiến hành tháo dỡ toàn bộ hệ thống thiết bị thí điểm làm sạch đoạn sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản.

Ngoài ra, đàn cá Koi Nhật Bản và cá chép đỏ Việt Nam được thả trước đó tại khu thí điểm tại sông Tô Lịch nói trên sẽ được di chuyển sang khu thí điểm ở Hồ Tây (một góc Hồ Tây khoảng 1.000m2 đang được thí điểm làm sạch bằng công nghệ Nano-Bioreactor).

Cá Koi Nhật Bản và cá chép Tam Dương của Việt Nam đã được thả xuống sông Tô Lịch và Hồ Tây vào sáng 16/9. (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)

Lãnh đạo Hà Nội khẳng định thành phố luôn hoan nghênh, khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức cá nhân sử dụng công nghệ tiên tiến thực hiện việc nghiên cứu, đầu tư trên địa bàn thành phố, nhất là trong lĩnh vực môi trường.

Hà Nội đánh giá cao đề xuất thí điểm xử lý làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc hồ Tây bằng công nghệ Nano Bioreactor của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Môi trường Nhật Bản.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Môi trường Nhật Bản và Công ty cổ phần Cải thiện Môi trường Nhật Việt (WE) đã không tuân thủ yêu cầu của thành phố. Cụ thể, việc mời các cơ quan báo chí, sử dụng thông tin truyền thông trong quá trình thử nghiệm để khuếch trương công tác thí điểm xử lý khi chưa có kết quả thử nghiệm, không phối hợp với các cơ quan khi xử lý thông tin gây ảnh hưởng không tốt đến dư luận xã hội.

[Chuyên gia Nhật Bản sẽ tắm trên sông Tô Lịch để chứng minh mức độ sạch]

Lãnh đạo Hà Nội đề nghị Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Thương mại Môi trường Nhật Bản, Công ty cổ phần Cải thiện Môi trường Nhật Việt và các cá nhân tham gia nghiêm túc rút kinh nghiệm; đồng thời nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật Việt Nam và Hà Nội về lĩnh vực môi trường, xử lý ô nhiễm môi trường.

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị Tổ chức Xúc tiến Thương mại Môi trường Nhật Bản gửi Sở Xây dựng hồ sơ, tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến công nghệ Nano Bioreactor (có bản thuyết trình toàn bộ về công nghệ); Giấy chứng nhận công nhận công nghệ xử lý của Chính phủ Nhật hoặc cơ quan có thẩm quyền xác nhận...

Công nghệ Nano –Bioreactor được thí điểm tại Nhật Bản bước đầu đem lại hiệu quả  theo chiều hướng tích cực, bớt mùi hôi và nước trong hơn. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)

Về việc triển khai công tác thí điểm xử lý làm sạch hồ để xem xét, đánh giá công nghệ Nano Bioreactor trong thời gian tới, Hà Nội giao Sở Xây dựng giới thiệu 1 hồ nước đọng để Tổ chức Xúc tiến Thương mại Môi trường Nhật Bản xử lý mùi và làm sạch nước, bùn.

Lãnh đạo Hà Nội lưu ý các đơn vị liên quan trong quá trình xử lý ô nhiễm hồ bằng công nghệ Nano Bioreactor phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Nhà nước Việt Nam. Quá trình xử lý phải lấy mẫu không khí, nước, bùn tại các thời điểm trước, trong và sau xử lý để xét nghiệm các chỉ tiêu theo tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn của Việt Nam.

Sau khi thực hiện các nội dung nêu trên, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội sẽ tổ chức Hội nghị, mời Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, các chuyên gia trong nước và nước ngoài để đánh giá về công nghệ Nano Bioreactor theo quy định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục