- Nhà văn Sơn Tùng vừa được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động. Với tư cách là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, ông nhận xét gì về việc này?
Nhà thơ Hữu Thỉnh: Nhà văn Sơn Tùng là người thứ 4 của Hội Nhà văn Việt Nam được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng.
Đây là một vinh dự to lớn trước hết đối với nhà văn Sơn Tùng. Sự kiện này cho thấy Đảng, Nhà nước đã đánh giá rất cao công lao cống hiến, quá trình tham gia cách mạng và sáng tác của nhà văn Sơn Tùng. Với nghị lực phi thường, nhà văn đã chiến thắng bệnh tật, vết thương chiến tranh để vươn lên trong sáng tác và đạt được những thành tựu xuất sắc trong văn học.
Các nhà văn và bạn đọc rất trân trọng và cảm phục nghị lực của nhà văn Sơn Tùng. Anh là một tấm gương thương binh "tàn nhưng không phế.”
Ngoài ra, việc nhà văn Sơn Tùng được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động còn là vinh dự chung cho giới nhà văn của Việt Nam.
Sau đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và sau Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII đây là một sự kiện lớn trong đời sống văn học của nước nhà, có tác dụng khích lệ toàn bộ giới văn học nghệ thuật cố gắng sáng tạo để có tác phẩm tốt phục vụ đất nước.
Nói đến nhà văn Sơn Tùng, người ta nghĩ ngay đến khối sách đồ sộ của anh về Bác Hồ. Những tác phẩm này có ý nghĩa rất to lớn, nó khẳng định được tầm vóc, trí tuệ, đạo đức trong sáng, cốt cách văn hóa, giá trị nhân văn của Bác, tiêu biểu cho tinh hoa văn hóa của dân tộc.
Anh Sơn Tùng là tấm gương sáng cho danh hiệu nhà văn là chiến sỹ. Trong kháng chiến chống Pháp anh làm phóng viên luôn có mặt ở mặt trận, trong chống Mỹ anh từng là nhà báo có mặt ở chiến trường miền Nam sớm nhất và xông pha giữa trận tiền. Anh là người luôn sống và viết ở nơi khó khăn gian khổ nhất.
- Ông vừa nhắc đến khối tác phẩm đồ sộ viết về hình tượng Bác Hồ của nhà văn Sơn Tùng, chỉ riêng tác phẩm “Búp sen xanh” năm 1982 đến nay đã được hơn 20 lần bản với hơn 800.000 bản đồng thời được dịch ra tiếng Anh và phát hành ra nước ngoài. Sức sống mãnh liệt như vậy là do đâu, thưa ông?
Nhà thơ Hữu Thỉnh: Trước hết viết về Bác Hồ, anh Sơn Tùng có một thuận lợi vì lớn Bác Hồ là hình tượng tiêu biểu nhất cho tinh hoa của văn hóa Việt Nam. Bản thân hình tượng Bác đã có sự tỏa sáng và sức hút lớn với bạn đọc.
Tuy nhiên, nếu không có tài năng và tình cảm đối với Bác thì anh Sơn Tùng cũng chưa thể thành công xuất sắc như vậy.
Thời chống Pháp, với tư cách là phóng viên của báo Tiền Phong, nhà văn Sơn Tùng có cơ hội được gặp và đi công tác với Bác. Anh đã công phu tìm hiểu, cảm nhận, tích lũy nhiều tư liệu quý về Bác.
Trước khi ra chiến trường, vào miền Nam, anh đã về quê Bác gặp gia đình, dòng tộc, quê hương của Người để bổ sung vào kho tư liệu của mình.
Công phu và tình cảm đó biến thành xúc động thẩm mỹ, rung động mãnh liệt trong tâm hồn người cầm bút, giúp cho nhà văn nói thay được tình cảm của hàng triệu người dân Việt Nam đối với vị Cha già kính yêu của dân tộc.
- Có thể nói đến nay, nhà văn Sơn Tùng là người viết nhiều nhất về Bác. Ông có nghĩ rằng đây là một “kho” bản thảo quý để Hãng phim của Hội Nhà văn có thể khai thác?
Nhà thơ Hữu Thỉnh: Đúng như vậy. Đây không chỉ là kho tài liệu cho riêng Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam mà còn là kho tài liệu cho các hãng phim, điện ảnh, sân khấu, âm nhạc, hội họa … nước nhà.
Văn học là gốc. Những tác phẩm của nhà văn Sơn Tùng sẽ là cơ sở để chúng ta xây dựng nên những tác phẩm điện ảnh, sân khấu đồng thời là cảm hứng cho những tác phẩm nghệ thuật khác.
- Riêng Hội Nhà văn sẽ có Hình thức nào để tìm hiểu, khai thác thêm “pho lịch sử văn hóa sống” Sơn Tùng khi nhà văn đã tuổi già sức yếu, thưa ông?
Nhà thơ Hữu Thỉnh: Chúng tôi có kế hoạch quảng bá tác phẩm của nhà văn Sơn Tùng như tổ chức hội thảo, in tuyển tập… Riêng trong Bảo tàng Văn học việt Nam cũng sẽ dành một vị trí xứng đáng để trưng bày tác phẩm của anh. Chúng tôi sẽ xây dựng bộ phim ngắn về chân dung nhà văn.
- Nếu được nói một câu ngắn gọn về nhà văn Sơn Tùng ông sẽ nói gì?
Nhà thơ Hữu Thỉnh: Trí cao, tâm sáng, nghị lực phi thường.
- Hội nhà văn Việt Nam với số lượng thành viên khá đông nhưng đến nay mới chỉ có 4 người được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng, trong đó có hai danh hiệu Anh hùng lao động. Phải chăng đây là con số quá ít so với tiềm năng của hội, thưa ông?
Nhà thơ Hữu Thỉnh: Quả là quá ít ỏi, bởi trong Hội Nhà văn Việt Nam còn nhiều tác giả xứng đáng với danh hiệu anh hùng như các nhà văn Trần Đăng, Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân, Dương Thị Xuân Quý… Đó là những tấm gương dũng cảm tiêu biểu cho nhà văn chiến sỹ.
- Vậy, theo ông, Hội Nhà văn sẽ phải làm gì để những tác giả đó không bị “thiệt thòi?”
Nhà thơ Hữu Thỉnh: Chúng tôi đang tiếp tục làm hồ sơ cho các nhà văn cụ thể là đang làm hồ sơ cho Nguyễn Thi và Lê Anh Xuân để gửi lên Nhà nước.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!/.