Đoàn thể thao Việt Nam mang tới Malaysia một lực lượng khá hùng hậu với 471 vận động viên (211 nữ, 260 nam) dự tranh 276 nội dung ở 32 môn thể thao trong chương trình thi đấu.
Tuy nhiên, niềm hy vọng tranh chấp Huy chương Vàng phần lớn chỉ đặt vào chưa đầy 50 tuyển thủ, trong đó hầu hết đều là các cựu binh quen thuộc.
Nhân sự đoàn thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 29 có sự tăng đột biến về số lượng so với một vài kỳ đại hội gần đây nhưng trên thực tế, nhiệm vụ gánh vác chỉ tiêu giành từ 49-59 Huy chương Vàng tại Malaysia vẫn chỉ nằm trong một lực lượng nhất định.
Bởi việc tăng nhân sự của đoàn thể thao Việt Nam chủ yếu do sự góp mặt của nhiều đội tuyển ở các môn thể thao tập thể như futsal (nam, nữ), bóng rổ (nam, nữ), criket (nam), hockey (nam)… và không có quá nhiều hy vọng các đội tuyển này có thể đem về được tấm Huy chương Vàng.
[Văn Toàn quyết tâm giúp U22 Việt Nam hiện thực hóa "giấc mơ Vàng"]
Căn cứ vào nhiệm vụ và chỉ tiêu được giao cho từng đội tuyển của đoàn thể thao Việt Nam ở kỳ SEA Games này, không khó để nhận thấy hầu hết, hy vọng “vàng” đều nằm trong số vận động viên nhận được sự đầu tư trọng điểm của ngành thể thao một vài năm qua.
Cụ thể, đó là 38 vận động viên của 14 môn nằm trong danh sách 55 vận động viên trọng điểm ở 19 môn thể thao nhận được sự chăm sóc đặc biệt để chuẩn bị cho các mục tiêu liên thông tại ASIAD và Olympic mà trước tiên, họ phải khẳng định được vị trí số 1 ở sân chơi khu vực.
Nói như vậy để thấy, các nhà chuyên môn đã tính toán rất kỹ lưỡng và chủ yếu niềm tin được đặt ở những gương mặt kỳ cựu, đủ khả năng giành Huy chương Vàng.
Thậm chí, con số 49-59 Huy chương Vàng được đặt ra chính là dựa trên cơ sở này và nó không phải là “đếm cua trong lỗ.”
Bởi nếu 38 vận động viên trọng điểm đều hoàn thành nhiệm vụ (như thành tích họ đã từng giành được) và cá biệt những gương mặt như Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi), Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Đinh Phương Thành, Lê Thanh Tùng (thể dục), Nguyễn Thị Huyền (điền kinh), Dương Thùy Vi (wushu) vượt chỉ tiêu (vì có cơ hội thi đấu ở nhiều nội dung) thì đoàn thể thao Việt Nam ít nhất đã cơ bản hoàn thành được chỉ tiêu huy chương về số lượng.
Nhưng cũng chính từ câu chuyện nói trên, SEA Games 29 đã chỉ ra những hạn chế của thể thao Việt Nam ngay cả khi nhìn từ SEA Games - đấu trường diễn ra theo chu kỳ 2 năm 1 lần.
Không phủ nhận, lực lượng vận động viên trẻ của thể thao Việt Nam trong những năm qua có sự tăng trưởng.
Quá trình trẻ hóa cũng đã diễn ra một cách mạnh mẽ ở nhiều môn trong chương trình thi đấu ASIAD và Olympic, song trình độ của lực lượng kế cận vẫn đang là nỗi trăn trở của các nhà chuyên môn.
Điểm qua lực lượng của các môn võ vốn từng là “mỏ vàng” của thể thao Việt Nam như wushu, karatedo, taekwondo, judo, pencak silat sẽ nhận thấy một cách rõ rệt hơn.
Hầu hết các đội tuyển này đều đang trong quá trình trẻ hóa và trong danh sách nhân sự tới Malaysia đều có những võ sỹ lần đầu tiên được góp mặt ở một kỳ SEA Games.
Điển hình như đội tuyển karatedo, SEA Games 29 là lần trải nghiệm đầu tiên của 12/16 võ sỹ tham dự nội dung kumite (đối kháng).
Ở các môn khác, sự xuất hiện của tay vợt Nguyễn Tiến Minh (cầu lông) cũng là một minh chứng rõ nét cho sự khủng hoảng lực lượng kế thừa.
Ở tuổi 34, Tiến Minh vẫn là hy vọng giành huy chương lớn nhất của cầu lông Việt Nam trong tổng số 13 tay vợt dự SEA Games.
Bởi tất cả các tay vợt trong nước hiện tại vẫn chưa vượt qua được Tiến Minh cả về trình độ chuyên môn, chưa nói đến chuyện thua xa về kinh nghiệm thi đấu quốc tế.
Ở tuổi 14, tay golf Đoàn Xuân Khuê Minh trở thành vận động viên ít tuổi nhất của đoàn thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 29.
Đến với golf chỉ mới 3 năm nhưng tài năng của Khuê Minh được khẳng định qua việc đánh bại á quân vô địch quốc gia để lần đầu tiên được dự SEA Games./.