Serbia là quốc gia châu Âu đầu tiên tiêm đại trà vắcxin của Trung Quốc

Serbia đã nhận một triệu liều vắcxin của công ty dược phẩm Sinopharm và triển khai tiêm phòng cho các đối tượng ưu tiên gồm cảnh sát, giáo viên và binh sỹ.
Serbia là quốc gia châu Âu đầu tiên tiêm đại trà vắcxin của Trung Quốc ảnh 1Hơn 700 quân nhân Serbia đã được tiêm vắcxin của Trung Quốc. (Nguồn: cgtn.com)

Ngày 19/1, hàng trăm quân nhân Serbia đã xếp hàng ở một trung tâm triển lãm tại thủ đô Belgrade để chờ đến lượt tiêm phòng vắcxin ngừa bệnh COVID-19 do Trung Quốc sản xuất, đưa Serbia trở thành nước châu Âu đầu tiên tiêm chủng đại trà bằng loại vắcxin này.

Tuần trước, Serbia đã nhận một triệu liều vắcxin của công ty dược phẩm Sinopharm và triển khai tiêm phòng cho các đối tượng ưu tiên gồm cảnh sát, giáo viên và binh sỹ.

Tháng trước, nước này đã tiêm chủng cho người cao tuổi trong các nhà dưỡng lão và các nhân viên y tế bằng vắcxin của Pfizer/BioNTech và vắcxin Sputnik V của Nga.

Bộ trưởng Quốc phòng Nebojsa Stefanovic cho biết ông cùng hơn 700 quân nhân đã được tiêm vắcxin của Trung Quốc.

[Pakistan cấp phép sử dụng khẩn cấp vắcxin COVID-19 của Sinopharm]

Đến nay, hơn 20.000 người Serbia đã được tiêm phòng kể từ khi chiến dịch này bắt đầu vào cuối tháng 12/2020. Tổng thống Aleksandar Vucic bày tỏ hy vọng Serbia sẽ nhận thêm 250.000 liều vắcxin Sputnik V và 20.000 liều vắcxin của Pfizer/BioNTech trong những ngày tới.

Tại khu vực Tây Balkan, việc tiêm chủng đại trà mới được tiến hành ở Serbia và Albania, trong khi Bosnia, Montenegro và Bắc Macedonia chưa nhận được bất cứ loại vắcxin nào.

Trung Quốc đã phê chuẩn vắcxin của BIBP thuộc công ty Sinopharm hồi cuối tháng 12/2020. Hiện chưa có các số liệu chi tiết về hiệu quả của vắcxin, song BIBP cho biết vắcxin hiệu quả tới 79,34% theo các số liệu ban đầu.

Theo số liệu thống kê mới nhất do hãng tin AFP công bố ngày 18/1, đã có hơn 40 triệu liều vắcxin được phân phối trên toàn thế giới và ít nhất 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm khoảng 61% dân số thế giới, đã triển khai chiến dịch tiêm chủng.

Tuy nhiên, các số liệu thống kê cho thấy có tới 9/10 số vắcxin nói trên được triển khai tại 11 quốc gia, trong đó Israel dẫn đầu cuộc chạy đua tiêm chủng vắcxin hàng loạt tính theo tỷ lệ dân số./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục