Do xuất hiện các ca nhiễm COVID-19 mới, nhiều địa phương đã phải chuyển hình thức học tập từ trực tiếp sang trực tuyến. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến ngày 25/10, cả nước có 23 địa phương tổ chức cho học sinh học trực tiếp hoàn toàn; 15 địa phương kết hợp dạy học trực tiếp, trực tuyến, qua truyền hình; 25 địa phương dạy học bằng hình thức trực tuyến và qua truyền hình. Tuy nhiên, đến nay, các tỉnh Thanh Hóa, Hà Giang, Nam Định, Vĩnh Phúc đã ra khỏi danh sách "học trực tiếp hoàn toàn" khi xuất hiện dịch và buộc phải chuyển sang học online.
Ở một số địa phương đã xuất hiện các ca nhiễm, thậm chí ổ dịch trong trường học. Điều này một lần nữa cho thấy việc phòng chống dịch trong trường học cũng như ý nghĩa của việc tận dụng "thời gian vàng" học trực tiếp của các nhà trường là vô cùng quan trọng.
Khi trường học là ổ dịch
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên địa bàn, ngày 28/10, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc đã đồng ý cho các học sinh thuộc địa bàn 5 phường (Tiền Châu, Hùng Vương, Trưng Trắc, Trưng Nhị, Phúc Thắng) của thành phố Phúc Yên tạm dừng đến trường. Các trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên của thành phố chuyển sang dạy học trực tuyến.
Trước đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định cho các trường thuộc các xã Quang Yên, Lãng Công, Nhân Đạo, Đồng Quế chuyển trạng thái dạy và học sang trực tuyến. Theo đó, tính đến ngày 28/10, Vĩnh Phúc có 36 trường học trực tuyến, 16 giáo viên và 37 học sinh đang thực hiện cách ly tập trung do có liên quan đến các ca nhiễm COVID-19.
Học sinh thành phố Nam Định cũng đã phải chuyển sang học online từ ngày 27/10 sau khi phát hiện chùm ca bệnh phức tạp trên địa bàn; trong đó có ca F0 là giáo viên Trường Tiểu học Nam Thắng (huyện Nam Trực). Ngành y tế Nam Định đã thức xuyên đêm để thần tốc xét nghiệm cho hơn 400 giáo viên, học sinh của trường này. Các em học sinh F1 được cách ly tại nhà trong khi các thầy cô giáo cách ly tại trường.
Cũng trong ngày 27/10, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang thông báo cho học sinh ở thành phố tạm dừng đến trường sau khi phát hiện ca nhiễm COVID-19 không rõ nguồn lây.
Ngày 26/7, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai cho học sinh chuyển sang học trực tuyến sau khi có 47 ca dương tính trên địa bàn.
[Vĩnh Phúc: Nhiều trường học tạm dừng dạy trực tiếp để phòng dịch]
Từ chiều 26/7, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang cũng dừng học trực tiếp với một số trường do xuất hiện các ca nhiễm COVID-19; trong đó ổ dịch xã Thượng Lan đã có ba học sinh nhiễm COVID-19, 222 trường hợp thuộc diện F1 và hơn 2.400 trường hợp F2 là cán bộ, giáo viên, học sinh. Tại Trường Trung học phổ thông Việt Yên số 2, nơi có một học sinh lớp 10 nhiễm COVID-19, huyện Việt Yên đã xét nghiệm cho 1.383 học sinh toàn trường.
Trước đó, ngày 17/10, tỉnh Phú Thọ cũng trở thành tâm điểm chú ý của cả nước khi xuất hiện chùm ca bệnh trong trường học với 45 em trong một trường dương tính với SaR-Cov-2, trong đó có 31 em chung một lớp. Ngày 18/10, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, ghi nhận 8 cơ sở giáo dục có học sinh và giáo viên mắc COVID-19.
Tận dụng "thời gian vàng"
Theo ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa, việc chú trọng công tác phòng chống dịch trong các nhà trường luôn được địa phương đặc biệt chú trọng và cơ quan này cũng đã có các văn bản chỉ đạo sát sao. Tuy nhiên, việc xuất hiện các ca nhiễm COVID-19 trong các nhà trường một lần nữa cho thấy nguy cơ lây nhiễm trong các trường học, đòi hỏi các trường phải luôn đề cao ý thức phòng chống dịch, không thể lơ là, chủ quan.
Phân tích cụ thể hơn, ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh, người có hàng chục năm làm công tác quản lý trường học cho rằng việc yêu cầu đảm bảo 5K với học sinh là rất khó. “Các em có thể tuân thủ tốt trong thời gian đầu, nhưng duy trì lâu dài là vô cùng khó vì học sinh đang ở độ tuổi phát triển, các em rất hiếu động và có nhu cầu lớn về giao lưu với bạn bè, đặc biệt là sau khoảng thời gian dài không được gặp nhau, không được đến trường,” ông Bình cho hay.
Cũng theo ông Bình, các nhà trường chỉ có thể giãn cách theo cách bố trí các lớp đi học so le nhau, nhưng không thể bố trí giãn cách giữa các học sinh trong một phòng vì nếu chia lớp sẽ thiếu giáo viên. Trong khi đó, một lớp học có sỹ số khá đông, đặc biệt là ở trường công của các thành phố lớn.
[Hà Nội: Các trường đại học thận trọng với việc mở cửa đón sinh viên]
Với thực tế đó, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh cho rằng trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc ở một số địa phương có ca dương tính trong các nhà trường là điều khó tránh khỏi cho dù các trường luôn đề cao tinh thần phòng dịch. "Vì vậy, các trường nên tranh thủ tận dụng thời gian vàng nếu được học trực tiếp và phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để truy vết, khoanh vùng dập dịch nếu có F0," ông Bình nói.
Đây cũng là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc. Bà Huyền cho hay Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc đã và đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn để kiểm soát dịch, nhằm đưa học sinh trở lại học trực tiếp trong thời gian sớm nhất. Trong khi đó, các trường "vùng xanh" nỗ lực tận dụng thời gian để giảng dạy các nội dung cốt lõi theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trước tình hình dịch ở các tỉnh, lãnh đạo một phòng giáo dục và đào tạo ở Hà Nội cho hay dù các trường đã chuẩn bị phương án và cơ sở vật chất phòng dịch, sẵn sàng đón học sinh trở lại trường, nhưng việc Hà Nội vẫn phát hiện các ca nhiễm mới mỗi ngày cũng đồng nghĩa với việc tiềm ẩn nguy cơ cao trong các trường học nếu mở cửa trường.
“Việc học trực tuyến rõ ràng là có những hạn chế không chỉ về chất lượng khi chỉ bằng khoảng 60% so với học trực tiếp mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến học sinh và cả giáo viên về thị lực, thể chất, tinh thần… Tuy nhiên, nếu mở cửa trường học sau đó lại phải đóng cửa vì COVID-19 cũng tác động rất lớn đến tâm lý của học sinh,” vị này cho hay.
Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương được xác định cấp độ dịch 1, 2 có thể tổ chức cho học sinh đi học trực tiếp đồng thời sẵn sàng phương án chuyển sang học trực tuyến khi có dịch. Tuy nhiên, với nhiều địa phương, dù được xác định là "vùng xanh,” đặc biệt là các địa bàn có mật độ dân số cao, sỹ số mỗi lớp đông như Hà Nội, mở cửa trường học vẫn là bài toán khó cần sự tính toán cẩn trọng./.