"Siêu lừa" Huyền Như bị đề nghị mức án tù chung thân

Mặc dù phạm pháp khi mang thai nhung do phạm tội nghiêm trọng, Viện Kiểm sát vẫn đề nghị án chung thân với Huyền Như.
"Siêu lừa" Huyền Như bị đề nghị mức án tù chung thân ảnh 1Huỳnh Thị Huyền Như bị dẫn giải đến tòa để xét xử. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Ngày 13/1, tiếp tục phiên sơ thẩm xét xử “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như, sau khi kết thúc phần thẩm vấn, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh theo ủy quyền của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã đọc bản luận tội và đề nghị các mức án đối với các bị cáo.

Đề nghị mức án nghiêm khắc

Công tố viên đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt Huỳnh Thị Huyền Như (sinh năm 1978, quê Tiền Giang), nguyên Phó phòng quản lý rủi ro Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank) mức án chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản,” 5-7 năm tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức,” tổng hợp hình phạt là chung thân.

Bị cáo Võ Anh Tuấn (sinh năm 1972, quê Thái Bình), nguyên Phó Giám đốc Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè bị đề nghị mức án chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.”

21 bị cáo còn lại, trong đó có nhóm bị cáo nguyên là cán bộ, nhân viên ngân hàng bị đề nghị các mức án từ 2-20 năm tù về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản,” “Cho vay nặng lãi,” “Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng,” “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng,” “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.”

Bản luận tội của công tố viên xác định từ cuối năm 2007, Huỳnh Thị Huyền Như đã vay của nhiều cá nhân, doanh nghiệp, ngân hàng hơn 200 tỷ đồng để kinh doanh nhưng do không có hiệu quả nên thua lỗ nặng, nợ chồng nợ, lãi chồng lãi.

Để có tiền trả nợ và tiêu xài cá nhân, Như đã nảy sinh ý đồ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều cá nhân, doanh nghiệp và ngân hàng.

Huỳnh Thị Huyền Như đã liều lĩnh thực hiện hàng loạt hành vi vi phạm pháp luật như thuê người làm 8 con dấu giả của 8 doanh nghiệp, ngân hàng, làm giả nhiều hợp đồng hợp tác đầu tư, lệnh chi tiền, ký giả chữ ký của chủ tài khoản, người vay tiền, người bảo lãnh, ký giả chữ ký của Võ Anh Tuấn, nguyên Phó Giám đốc Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè; ký giả chữ ký của bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Giám đốc Vietinbank Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh; tiếp cận cá nhân bị hại, những người có trách nhiệm của các đơn vị rồi đưa ra những thông tin không có thật; mạo danh nhân viên ngân hàng Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè để huy động vốn với lãi suất cao; lừa dối lãnh đạo Vietinbank Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh ký các hợp đồng huy động vốn vượt lãi suất trần theo quy định…

Huỳnh Thị Huyền Như còn thỏa thuận, dẫn dụ những người có trách nhiệm của Ngân hàng ACB và Navibank.

Cùng với sự giúp sức của các đồng phạm, trong đó có Võ Anh Tuấn, Huỳnh Thị Huyền Như đã chiếm đoạt trắng trợn của 9 doanh nghiệp, 3 ngân hàng và 3 cá nhân số tiền gần 4.000 tỷ đồng (hiện không có khả năng hoàn trả).

Tại phiên tòa, Huỳnh Thị Huyền Như đã thừa nhận hành vi phạm tội, tỏ thái độ ăn năn, phạm pháp khi mang thai nên được ghi nhận là những tình tiết giảm nhẹ. Tuy nhiên, do tính chất nguy hiểm của tội phạm, số tiền chiếm đoạt đặc biệt lớn, gây nhiều tổn hại phi vật chất đối với xã hội, nên cần phải xử lý nghiêm khắc.

Võ Anh Tuấn là đồng phạm giúp sức tích cực cho Như chiếm đoạt tiền của nhiều ngân hàng, cá nhân, doanh nghiệp.

Võ Anh Tuấn đã góp phần cùng Như thành lập Công ty Hoàng Khải, tạo niềm tin để Công ty Thái Bình Dương huy động 80 tỷ đồng vào công ty Hoàng Khải để công ty này gửi Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè lấy lãi suất cao.

Võ Anh Tuấn còn cùng Như ra Hà Nội gặp đại diện Công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên, chứng kiến việc Như mạo danh nhân viên của mình để huy động vốn của 3 công ty này nhưng vẫn làm ngơ, bản thân Tuấn còn chiếm đoạt 10 tỷ đồng.

Tuy nhiên tại phiên tòa, Võ Anh Tuấn không thành khẩn nhận tội, cho rằng bản thân làm đúng nhiệm vụ trên cương vị công tác.

Hầu hết các bị cáo còn lại trong vụ án này đều thừa nhận hành vi phạm tội như cáo buộc của bản cáo trạng, nộp một phần tiền khắc phục và xin hội đồng xét xử khoan hồng.

Xác định Vietinbank là bị hại và là nguyên đơn dân sự

Tại phiên tòa, các luật sư bảo vệ quyền lợi cho Ngân hàng ACB, Navibank không chấp nhận tư cách tham gia phiên tòa của Vietinbank là bị hại và nguyên đơn dân sự, yêu cầu Vietinbank phải trả lại số tiền mà hai ngân hàng này bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt.

Quan điểm này của các vị luật sư đã bị đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh bác bỏ.

Theo đó, công tố viên cho rằng, ngay từ đầu Huỳnh Thị Huyền Như đã nảy ý định chiếm đoạt tiền của Ngân hàng ACB, Navibank, nên đã dùng các hình thức gian dối đối với những người có trách nhiệm của hai ngân hàng này, dẫn dụ họ tin và gửi tiền lấy lãi suất cao vào Vietinbank Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh và Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè.

Sau đó, Như đã dùng thủ đoạn gian dối rút tiền như cáo trạng đã công bố. Ngoài ra, Ngân hàng ACB và Navibank chấp nhận rủi ro khi đem tiền gửi tiết kiệm tại Vietinbank (gửi tiền tiết kiệm nhưng không đến địa điểm giao dịch của Vietinbank, ký hợp đồng tiền gửi với số lượng lớn nhưng không tìm hiểu thông tin, không gặp người đại diện ký hợp đồng, tất cả lại được kiểm tra qua điện thoại ...).

Tất cả các giao dịch đều thông qua bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như, kể cả việc gửi tiền lấy lãi suất cao ngoài hợp đồng của nhân viên Ngân hàng ACB và Navibank đều diễn ra ngoài phạm vi Vietinbank Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh.

Viện Kiểm sát Nhân dân cho rằng, tội lừa đảo của Huỳnh Thị Huyền Như đã hoàn thành, quyền sở hữu Ngân hàng ACB và Navibank đối với số tiền gửi vào Vietinbank là theo dẫn dụ của Như.

Ngoài ra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã đã khởi tố vụ án đối với các lãnh đạo cao nhất của Ngân hàng ACB về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.”

Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, bản cáo trạng xác định Huỳnh Thị Huyền Như đã chiếm đoạt của Ngân hàng ACB 718 tỷ và Navibank 200 tỷ đồng, xác nhận hai đơn vị này là bị hại và là nguyên đơn dân sự trong vụ án là hoàn toàn đúng pháp luật.

Tương tự, đại diện Công ty Phương Đông và Công ty An Lộc yêu cầu Vietinbank phải trả số tiền mà Huỳnh Thị Huyền Như đã chiếm đoạt.

Theo công tố viên, yêu cầu này là không có căn cứ vì theo khai nhận của Như, đối tượng bị cáo nhằm vào để chiếm đoạt là Công ty Phương Đông và An Lộc, đích thân Như làm giả con dấu của 2 công ty này, các điểm giao dịch nằm ngoài phạm vi Ngân hàng Vietinbank Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh.

Viện Kiểm sát Nhân dân cũng bác yêu cầu đòi Vietinbank trả số tiền mà Như đã chiếm đoạt của các bị hại, các nguyên đơn dân sự còn lại khác vì Huỳnh Thị Huyền Như đã làm giả con dấu của các đơn vị nói trên, trực tiếp gặp những người có trách nhiệm hoặc cá nhân có tiền gửi, đưa ra những thông tin về lãi suất ngoài hợp đồng hấp dẫn, đánh vào lòng tham của các chủ tài khoản, làm cho các đơn vị và cá nhân tin mà gửi tiền.

Bản thân những cá nhân và đơn vị này lại không gặp những người có trách nhiệm của Vietinbank để xác minh mà mọi giao dịch gửi tiền đều thông qua Như. Đây là sơ hở mất cảnh giác, tạo điều kiện để Như chiếm đoạt tiền.

Đề nghị khởi tố hình sự nhiều cá nhân, ngân hàng có liên quan

Thực hiện quyền công tố tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã đề nghị các cơ quan Trung ương khởi tố bổ sung đối với bị cáo Trần Thị Tố Quyên về hành vi giúp sức cho Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt của Ngân hàng Vibank 15 tỷ đồng.

Trong vụ án này, bị cáo Quyên chỉ mới bị khởi tố và xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.” Tiếp đó, công tố viên cũng đề nghị khởi tố bổ sung về hành vi thiếu tinh thần trách nhiệm của bà Nguyễn Thị Minh Hương và ông Trương Minh Hoàng, đều là Phó giám đốc Vietibank Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh vì đã ký các hợp đồng tiền gửi với các nhân viên Ngân hàng ACB nhưng không kiểm tra giám sát các hợp đồng đã ký, đã để Như lợi dụng sơ hở chiếm đoạt tiền của Navibank và ACB.

Liên quan đến Ngân hàng Vietinbank Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Kiểm sát Nhân dân kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Hội đồng quản trị Tổng giám đốc Vietinbank Việt Nam có biện pháp chấn chỉnh, kiểm điểm từng cá nhân Ban giám đốc đã không làm tốt công tác quản lý cán bộ.

Đối với Ngân hàng Vibank, Navibank, Hàng Hải, Viện Kiểm sát đề nghị cơ quan Trung ương xem xét trách nhiệm hình sự đối với những cá nhân có trách nhiệm của 3 ngân hàng này trong việc đưa ra những chủ trương trái pháp luật (gửi tiết kiệm lấy lãi suất cao hơn mức trần quy định) gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến chính sách tiền tệ của đất nước.

Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng kiến nghị cơ quan điều tra tiếp tục xác minh làm rõ, nếu đủ căn cứ thì khởi tố xử lý đối với các đối tượng cho vay nặng lãi nhưng chưa được xem xét xử lý trong vụ án này.

Đối với Vũ Hồng Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty Phương Đông, Viện kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị khởi tố bổ sung hành vi giúp sức để Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo nhận định của đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, các hành vi sai phạm của các bị cáo trong vụ án này đã xâm phạm đến nhiều mối quan hệ xã hội, quyền sở hữu của người khác, trong đó có quyền sở hữu của Nhà nước về quản lý con dấu, quản lý hoạt động tín dụng, gây thiệt hại cho các bị hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách tiền tệ của Chính phủ, gây rối loạn thị trường tiền tệ.

Hơn nữa, các hành vi phạm tội được thực hiện hàng loạt trong bối cảnh đất nước gặp suy thoái kinh tế, lạm phát tăng cao, nhân dân gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp khó tiếp cận được vốn vay…

Vụ án còn để lại hậu quả phi vật chất đặc biệt lớn về mặt xã hội, làm các doanh nghiệp mất niềm tin lẫn nhau, mất lòng tin vào ngân hàng, các tổ chức tín dụng mất niềm tin lẫn nhau…

Trong thời gian qua, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng còn bị buông lỏng, thiếu kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt là hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần trong đó trách nhiệm chính là Ban giám đốc Vietinbank Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh đã không kiểm tra, kiểm soát chặt dẫn đến việc Huỳnh Thị Huyền Như cùng một số cán bộ Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện trót lọt hành vi chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng của 9 công ty, 3 ngân hàng, 3 cá nhân, gây rối loạn thị trường tài chính trong một thời gian dài.

Viện Kiểm sát Nhân dân cũng đề nghị các cơ quan truyền thông đưa tin kịp thời để cảnh báo xã hội, tránh xảy ra tình trạng tương tự.

Chiều 13/1, phiên tòa tiếp tục với phần tranh tụng./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục