Singapore cảnh báo tình trạng lừa đảo giả dạng bạn bè qua mạng

Cảnh sát Singapore mới đây đã cảnh báo về sự tái diễn các vụ lừa đảo “bạn giả”, với ít nhất 945 nạn nhân bị lừa hơn 3,2 triệu SGD (khoảng 2,5 triệu USD) kể từ tháng Một năm nay.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Cảnh sát Singapore mới đây đã cảnh báo về sự tái diễn các vụ lừa đảo “bạn giả,” với ít nhất 945 nạn nhân bị lừa hơn 3,2 triệu SGD (khoảng 2,5 triệu USD) kể từ tháng Một năm nay.

Các vụ việc thường liên quan đến những kẻ lừa đảo liên hệ với nạn nhân qua tin nhắn văn bản hoặc cuộc gọi điện thoại, giả vờ là người mà họ biết và sau đó yêu cầu trợ giúp tài chính.

Trong một thông báo phát hành vào ngày 10/3, lực lượng chức năng cho biết trong những trường hợp này, nạn nhân sẽ nhận được tin nhắn văn bản hoặc cuộc gọi điện thoại từ các số lạ (có hoặc không có đầu số “+65”), tự nhận mình là bạn bè hoặc người quen của nạn nhân và yêu cầu nạn nhân đoán danh tính của họ.

Kẻ lừa đảo sẽ giả định danh tính theo dự đoán của nạn nhân và thông báo số liên lạc mới (có thể lấy lý do làm mất điện thoại) và yêu cầu nạn nhân cập nhật số mới.

Vài ngày sau, kẻ lừa đảo sẽ liên hệ với nạn nhân với tư cách là “bạn” và hỏi vay tiền, do hiện không thể thực hiện giao dịch ngân hàng hoặc đang gặp khó khăn về tài chính. Sau đó, kẻ lừa đảo sẽ cung cấp cho nạn nhân một tài khoản ngân hàng địa phương để chuyển tiền.

[Năm 2022, những hình thức lừa đảo nào phổ biến trên không gian mạng?]

Nạn nhân sẽ chỉ phát hiện ra rằng họ đã bị lừa đảo sau khi liên hệ với những người bạn thực sự của họ mà những kẻ lừa đảo đã mạo danh hoặc khi tiền của họ không được trả lại như đã hứa.

Tờ Channel New Asian khuyến cáo biện pháp phòng ngừa cho người dân bao gồm cài đặt thêm ứng dụng ScamShield và đặt các tính năng bảo mật như xác thực hai yếu tố (2FA) hoặc đa yếu tố cho ngân hàng, phương tiện truyền thông xã hội, tài khoản Singpass và đặt giới hạn giao dịch cho các giao dịch ngân hàng Internet, bao gồm cả PayNow.

Theo Channel New Asian, mọi người nên xác minh xem yêu cầu có hợp pháp hay không bằng cách kiểm tra với gia đình và bạn bè của bạn thông qua các phương tiện thay thế như gặp mặt thực tế, cuộc gọi điện video hoặc email ngoài việc sử dụng số liên hệ mới do kẻ lừa đảo cung cấp.

Ngoài ra, cũng cần kiểm tra các dấu hiệu lừa đảo với các nguồn chính thức, như trang web cảnh báo lừa đảo hoặc gọi cho Đường dây nóng chống lừa đảo theo số 1800-722-6688.

Mọi người cũng nên tuyên truyền với chính quyền, gia đình và bạn bè về những trò gian lận.

Cảnh giác với những yêu cầu bất thường từ ai đó tự xưng là người mà bạn biết qua tin nhắn văn bản hoặc cuộc gọi điện thoại/WhatsApp. Báo cáo số cho WhatsApp để bắt đầu chặn trong ứng dụng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục