SIPRI: Triều Tiên có khả năng chế tạo 10 đầu đạn hạt nhân

Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) của Thụy Điển cho rằng Triều Tiên có khả năng chế tạo 10 đầu đạn hạt nhân.
SIPRI: Triều Tiên có khả năng chế tạo 10 đầu đạn hạt nhân ảnh 1Lò phản ứng hạt nhân Yongbyon nằm cách thủ đô Bình Nhưỡng, Triều Tiên khoảng 90km về phía Bắc. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Theo Yonhap/KBS, trong báo cáo phỏng đoán về quy mô đầu đạn hạt nhân trên toàn thế giới tính đến tháng 1 năm nay, Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) của Thụy Điển cho rằng Triều Tiên có khả năng chế tạo 10 đầu đạn hạt nhân.

SIPRI phân tích Triều Tiên đã tiến hành thử nghiệm hạt nhân lần đầu tiên vào năm 2006 và nước này đang sở hữu đủ số vật liệu để chế tạo 10 đầu đạn hạt nhân tính đến tháng 1/2016.

Tuy nhiên, SIPRI khẳng định hiện chưa thể xác định liệu Bình Nhưỡng có thực sự có năng lực triển khai vũ khí hạt nhân hay không.

SIPRI ước tính trên thế giới có tổng cộng 15.395 đầu đạn hạt nhân, giảm 455 đầu đạn so với năm 2015.

Trong đó, Nga đứng đầu với tổng cộng 7.290 đầu đạn hạt nhân, theo sau là Mỹ với 7.000 đầu đạn.

Hai quốc gia này chiếm tới 93% lượng đầu đạn hạt nhân của cả thế giới. Các nước còn lại sở hữu đầu đạn hạt nhân là Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Israel.

Nga và Hàn Quốc kêu gọi phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Phát biểu sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se ngày 13/6 tại Moskva, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố hai nước tái khẳng định cam kết hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triền Tiên và cả Nga và Hàn Quốc sẽ không chấp nhận Triều Tiên tự tuyên bố là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.

Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh Nga sẽ theo đuổi việc thực hiện đầy đủ nghị quyết 2270 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc được thông qua tháng 3 vừa qua để kiềm chế chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Ông tuyên bố không thể chấp nhận được việc biến khu vực này thành một khu vực đối đầu, vì tất cả các vấn đề cần phải được giải quyết thông qua đàm phán.

Hai ngoại trưởng cũng thảo luận hợp tác song phương trong các lĩnh vực như năng lượng, hạt nhân, cơ sở hạ tầng cảng và nghề cá, cũng như các khía cạnh của việc thiết lập khu vực thương mại tự do giữa Hàn Quốc và Liên minh kinh tế Á-Âu.

Chuyến thăm của ông Yun Byung-se là chuyến công du đầu tiên của Ngoại trưởng Hàn Quốc tới Nga trong 5 năm qua.

Giới chức Seoul coi đây là một cơ hội để đạt được các nỗ lực ngoại giao nhằm gây áp lực đối với Bình Nhưỡng chấm dứt chương trình hạt nhân của nước này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.