Slovenia và Croatia muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam

Slovenia và Croatia mong muốn trở thành cửa ngõ cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu, nhất là khu vực Balkan, thông qua các cảng biển lớn.
(Nguồn: Vietnam+)

Nhân kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với Cộng hòa Slovenia và Cộng hòa Croatia, hai nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) thuộc khu vực Trung Đông Âu (tách ra từ Liên bang Nam Tư trước đây) và có quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp với Việt Nam, từ ngày 7-9/7, Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã thăm và tiến hành tham vấn chính trị với Bộ Ngoại giao hai nước trên.

Trong chuyến thăm, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn đã làm việc với Quốc vụ khanh Ngoại giao Igor Sencar và gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Slovenia; làm việc với Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Dubravka Plekic Markovic, chào xã giao Phó thủ tướng thứ nhất-Bộ trưởng Ngoại giao Vesna Pusie và làm việc với Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế Vedran Kruzie tại Croatia.

Đoàn Việt Nam và hai nước đã thông báo cho nhau về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của mỗi nước, trao đổi các biện pháp tăng cường hợp tác song phương và một số vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm.

Hai nước Slovenia và Croatia cho rằng quan hệ song phương với Việt Nam thời gian qua đã có bước phát triển tích cực, trên cơ sở quan hệ hữu nghị, truyền thống tốt đẹp. Hai nước đánh giá cao những thành tựu Việt Nam đạt được trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế, cũng như vai trò ngày càng tăng của Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á, đồng thời khẳng định mong muốn tăng cường hợp tác nhiều mặt với Việt Nam sau khi hai nước đã cơ bản hoàn tất tiến trình gia nhập EU.

Việt Nam và hai nước Slovenia và Croatia nhất trí tăng cường trao đổi đoàn các cấp và cấp cao; đẩy mạnh hợp tác, tham vấn lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc, Diễn đàn Kinh tế Á-Âu (ASEM), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)-EU.

Slovenia và Croatia ủng hộ việc EU sớm phê chuẩn Hiệp định Đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam-EU, sớm kết thúc đàm phán Hiệp định tự do thương mại Việt Nam-EU vào cuối năm 2014. Phía Slovenia nhắc lại lời mời Thủ tướng Chính phủ Việt Nam thăm chính thức Slovenia, khẳng định ủng hộ Việt Nam gia nhập Tổ chức Thủy đạc quốc tế, nhất trí phối hợp với Việt Nam thúc đẩy hợp tác liên tiểu vùng Mekong-Danube, tăng cường hợp tác, trao đổi chuyên gia về quản lý nguồn nước giữa các cơ sở nghiên cứu về nước của hai bên.

Việt Nam và Slovenia, Croatia đánh giá cao triển vọng hợp tác song phương trong các lĩnh vực thương mại-đầu tư, nông nghiệp, đóng tàu, vận tải-cảng biển, y tế, quốc phòng, giáo dục, du lịch, rà phá bom mìn, hợp tác 3 bên trong khuôn khổ Liên hợp quốc và EU; nhất trí tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hai bên gặp gỡ, tìm hiểu thị trường và cơ hội hợp tác kinh doanh; đàm phán và ký kết các thỏa thuận hợp tác trong từng lĩnh vực, trong đó có việc thúc đẩy đàm phán vòng 3 Hiệp định tránh đánh thuế trùng giữa Việt Nam và Croatia.

Lãnh đạo Slovenia và Croatia nhấn mạnh mong muốn trở thành cửa ngõ cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu, nhất là khu vực Balkan thông qua các cảng biển lớn của hai nước như Koper của Slovenia) và Rijeka của Croatia.

Nhân chuyến thăm, phía Croatia đã thu xếp để đoàn Việt Nam làm việc với Viện thiết kế hàng hải Brodarski và công ty rà phá bom mìn Doking, những công ty hàng đầu trong các lĩnh vực này tại khu vực.

Về vấn đề Biển Đông, Slovenia và Croatia bày tỏ quan ngại về những diễn biến căng thẳng gần đây khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; đánh giá cao sự kiềm chế của Việt Nam; ủng hộ quan điểm chung của các nước EU về giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

Tại Slovenia, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn đã có cuộc trả lời phỏng vấn của nhật báo lớn nhất Slovenia Dnevnik về quan hệ Việt Nam-Slovenia và tình hình Biển Đông thời gian gần đây./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục