Số ca mắc bệnh COVID-19 trên toàn cầu vượt quá 1,2 triệu người

Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm khi vượt mốc 300.000 ca với 311.357 ca mắc và 8.452 ca tử vong.
Người dân đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại Brooklyn, New York, Mỹ, ngày 3/4 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)
Người dân đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại Brooklyn, New York, Mỹ, ngày 3/4 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng 5/4 (theo giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn thế giới là 1.201.473 người, số ca tử vong là 64.691 người, trong khi số ca được điều trị khỏi bệnh là 246.383 người.

Trên thế giới có tới 42.288 bệnh nhân COVID-19 đang trong tình trạng nặng. Đại dịch đã ảnh hưởng đến 206 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm khi vượt mốc 300.000 ca với 311.357 ca mắc và 8.452 ca tử vong.

Tây Ban Nha đứng ở vị trí thứ hai với 126.168 ca mắc và 11.947 ca tử vong. Italy đứng ở vị trí thứ 3 với 124.632 ca mắc và 15.362 ca tử vong (số ca tử vong cao nhất thế giới).

Tiếp đó là Đức với 96.092 ca mắc và 1.444 ca tử vong, Pháp có 89.953 ca mắc và 7.560 ca tử vong.

Trung Quốc, nơi khởi nguồn của đại dịch COVID-19, đứng ở vị trí thứ 6 với 81.669 ca mắc và 3.329 ca tử vong.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo  rằng "tuần cam go nhất" của nước này sắp đến và dự báo "sẽ có nhiều ca tử vong."

['Tuần tới là đỉnh dịch COVID-19 tại một số thành phố lớn của Mỹ']

Tổng thống Trump cam kết sẽ cung cấp cho các điểm nóng của dịch bệnh trên khắp nước Mỹ các vật tư y tế cần thiết.

Các bệnh viện dã chiến mới đã được lập tại một số bang và hiện đã sẵn sàng điều trị tại một bệnh viện dã chiến ở New York. 29 triệu liều thuốc chống sốt rét sẽ được bổ sung vào kho dự trữ chiến lược quốc gia.

Ngoài ra, 1.000 quân nhân sẽ được triển khai tới thành phố điểm nóng về dịch New York.

Trước đó, Tổng thống Trump đã kích hoạt Đạo luật sản xuất quốc phòng nhằm ngừng xuất khẩu khẩu trang cũng như các thiết bị bảo hộ y tế khác.

Bộ Y tế Panama ngày 4/4 đã ghi nhận 1.801 ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) tại quốc gia Trung Mỹ này, tăng 128 ca so với một ngày trước đó.

Cũng theo bộ trên, số ca tử vong do COVID-19 tại nước này cũng tăng 5 trường hợp, lên 46 người.

Trong 24 giờ qua, châu Âu đã có thêm hàng nghìn người tử vong vì đại dịch COVID-19, trong khi số ca mắc mới cũng tăng thêm hàng chục nghìn người.

Trong số đó, tại nước Anh, 24 giờ qua ghi nhận số ca tử vong mới lên mức cao kỷ lục trong ngày là 708 ca, trong đó có 1 trẻ em 5 tuổi là ca tử vong trẻ nhất ở nước này. Số ca nhiễm mới là 3.735. Như vậy tổng số ca nhiễm và tử vong ở Anh hiện nay lần lượt là 41.903 người và 4.313 người. Tuần tới cũng được dự báo là đỉnh dịch ở Anh.

Số ca mắc bệnh COVID-19 trên toàn cầu vượt quá 1,2 triệu người ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại nhà ga tàu Waterloo, một trong những nhà ga đông đúc nhất ở London của Anh.( Ảnh: THX/TTXVN)

Trong bản cập nhật tình hình mới nhất về dịch COVID-19 tại châu Phi, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu lục (ACDC) - cơ quan y tế chuyên ngành của Liên minh châu Phi (AU) - cho biết khoảng 44 quốc gia thành viên AU đã ban bố lệnh cấm tụ tập đông người, cũng như đóng cửa các địa điểm công cộng.

Cũng theo ACDC, ít nhất 12 nước thành viên AU đã thực hiện giới nghiêm hoàn toàn nhằm hạn chế sự di chuyển không cần thiết trên toàn quốc. Trong khi đó, 17 nước mới chỉ áp dụng lệnh giới nghiêm một phần (vào ban đêm).

Tính đến hết ngày 4/4, toàn châu Phi đã ghi nhận 8.220 ca nhiễm, trong đó 372 người đã tử vong. Bắc Phi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 3.280 ca nhiễm và gần 280 người tử vong.

Khu vực Nam châu Phi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng thứ 2 với hơn 1.600 ca nhiễm, trong khi khu vực phía Tây châu lục đã có trên 1.400 ca nhiễm.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cảnh báo đại dịch COVID-19 có nguy cơ gây thiệt hại 4.100 tỷ USD đối với kinh tế toàn cầu, tương đương 4,8% GDP của thế giới do tác động xấu đến nhiều nền kinh tế lớn.

Bên cạnh đó, dịch bệnh khiến hàng trăm triệu người, đặc biệt tại châu Phi, có nguy cơ thiếu lương thực.

Hơn 3,9 tỷ người, 50% dân số thế giới, được kêu gọi hoặc buộc phải ở nhà do các chính phủ tại hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ ban hành lệnh hạn chế đi lại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục