Số ca mắc mới COVID-19 tại nhiều nước châu Á và châu Âu gia tăng

Số ca mắc mới COVID-19 tại Indonesia, Philippines, Ấn Độ đang có xu hướng gia tăng trở lại; trong khi đó nhiều nước châu Âu ghi nhận số ca tử vong và nhiễm mới COVID-19 cao nhất trong ngày.
Số ca mắc mới COVID-19 tại nhiều nước châu Á và châu Âu gia tăng ảnh 1Tiêm thử nghiệm vắcxin ngừa COVID-19 tại trung tâm y tế ở Bandung, Indonesia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Không chỉ châu Âu, mà dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nhiều nước châu Á cũng đang có xu hướng gia tăng trở lại.

Tại Indonesia, trong 24 giờ qua đã có thêm 4.301 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 353.461 ca và với 79 ca tử vong mới, hiện Indonesia ghi nhận tổng cộng 12.347 ca tử vong, trở thành quốc gia có số ca mắc và tử vong cao nhất tại khu vực Đông Nam Á.

Tại Philippines, với 3.139 ca nhiễm mới, hiện tổng số ca mắc tại nước này đã lên tới 351.750 ca, trong đó 6.531 ca tử vong. Thủ đô Manila đứng đầu trong số các khu vực có số ca mắc COVID-19 tính theo ngày cao nhất. Chỉ trong vòng 24 giờ qua, Manila đã ghi nhận 1.003 ca mắc COVID-19 mới.

Tuy nhiên, Chính phủ Philippines thông báo sẽ bãi bỏ các biện phát hạn chế đối với các hoạt động đi lại không cần thiết được áp đặt trước đó. Theo người phát ngôn Tổng thống, Harry Roque, chính sách trên sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 21/10 và sẽ có lợi cho những người Philippines muốn đi thăm người thân của họ ở nước ngoài.

Ngoài ra, nhà chức trách Philippines cũng cho phép các doanh nghiệp và cửa hàng nối lại các hoạt động kinh doanh, bán hàng và tiếp thị. Trước đó, chính phủ không cho phép diễn ra các sự kiện tiếp thị hay quảng cảo trong những khu trung tâm thương mại nhằm tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID-19.

Bảy tháng sau khi thực thi lệnh phong tỏa nghiêm ngặt, Philippines đang từng bước nới lỏng các quy định cách ly nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế vốn đang lao đao do tác động của dịch bệnh.

Cùng ngày, Chính phủ Ấn Độ cũng thông báo gỡ bỏ lệnh cấm xuất các sản phẩm rửa tay diệt khuẩn có cồn. Trước đó, lệnh cấm xuất khẩu sản phẩm nay nhằm đảm bảo nguồn cung đầy đủ cho thị trường trong nước, phục vụ công tác chống dịch bệnh.

Theo các chuyên gia, ngoài các biện pháp đeo khẩu trang, và giãn cách xã hội, rửa tay bằng xà phòng hoặc dùng nước rửa có cồn là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để khống chế dịch COVID-19 lây lan.

[Nga: Điện Kremlin lo ngại về tình trạng lây nhiễm virus SARS-CoV-2]

Ngay sau khi dịch bùng phát tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới này, người dân đã hoảng sợ, đổ dồn đi mua nước rửa tay diệt khuẩn, khiến mặt hàng này trở nên khan hiếm, buộc chính phủ tạm ngừng xuất khẩu.

Bộ Y tế Ấn Độ cho biết mặc dù số ca mắc mới tại nước này đã giảm, song với 7.370.468 ca mắc và 112.161 ca tử vong, nước này hiện đang đứng thứ hai trên thế giới sau Mỹ về số ca mắc.

Thêm nhiều nước châu Âu ghi nhận số ca tử vong và nhiễm mới COVID-19 cao nhất trong ngày

Cùng ngày, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Bỉ Sophie Wilmes cho biết bà sẽ thực hiện cách ly do có những triệu chứng mắc COVID-19. Thông báo này được đưa ra bốn ngày sau khi bà Wilmes tham dự cuộc thảo luận trực tiếp giữa ngoại trưởng các nước EU ở Luxembourg.

Trong bối cảnh châu Âu đang đối mặt với số ca mắc COVID-19 tăng vọt, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí tổ chức họp trực tuyến gần như hằng tuần để phối hợp các biện pháp quốc gia nhằm ngăn chặn đại dịch này.

27 nước thành viên EU đã đối phó với đại dịch COVID-19 bằng các biện pháp khác nhau và đôi khi trái ngược trong những tháng đầu tiên bùng phát dịch. Sự phối hợp chặt chẽ hơn được mong đợi để tránh tái diễn sự chia rẽ được bộc lộ sau đợt bùng phát đầu tiên.

Số ca mắc mới COVID-19 tại nhiều nước châu Á và châu Âu gia tăng ảnh 2Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Warsaw, Ba Lan, ngày 15/10/2020. (Ảnh: PAP/TTXVN)

Liên quan tình hình dịch bệnh tại châu Âu, Bộ Y tế Ba Lan ngày 16/10 ghi nhận 132 ca mới tử vong có liên quan tới virus SARS-CoV-2 và thêm 7.705 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc và tử vong do đại dịch này tại quốc gia Trung Âu lên lần lượt là 157.608 ca và 3.440 ca.

Dịch bệnh diễn biến phức tạp đang đặt ra nhiều quan ngại đối với hệ thống y tế trên cả nước. Theo Bộ Y tế Ba Lan, hiện có tổng cộng 6.980 giường bệnh và 540 máy thở được đưa vào sử dụng để phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19.

Trước đó, ngày 15/10, sau khi ghi nhận số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 theo ngày ở mức cao nhất với 8.099 ca, Chính phủ Ba Lan đã ban hành nhiều biện pháp hạn chế mới, như đóng cửa tất cả các phòng tập thể thao, bể bơi, cấm tập trung đông người tại một số vùng, ngoài ra, hối thúc người dân cân nhắc chỉ xuất cảnh trong trường hợp thực sự cần thiết.

Chính phủ Ba Lan đang cố gắng nhằm tránh phải áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc, song không loại trừ khả năng thực thi thêm các biện pháp hạn chế nếu số ca nhiễm mới tiếp tục tăng.

Cùng ngày, Hội đồng an ninh quốc gia Ukraine thông báo nước này ghi nhận 5.992 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ trở lại đây, cao hơn mức kỷ lục 5.804 ca ghi nhận hôm 9/10.

Tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Ukraine hiện tăng lên tới 287.231 ca, trong đó có 5.394 ca tử vong, tăng 92 ca trong vòng một ngày qua.

Ukraine ghi nhận số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 trung bình trên 5.000 ca hầu hết mỗi ngày kể từ tháng 10 này. Trước tình trạng số ca lây nhiễm đang gia tăng mạnh, chính phủ nước này đang lên kế hoạch gia hạn các biện pháp phong tỏa cho tới cuối năm nay.

Trong khi đó, Croatia lần đầu tiên ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày vượt ngưỡng 1.000 ca. Cụ thể đã có thêm 1.313 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua tại quốc gia Đông Nam Âu này, nâng tổng số ca mắc tại đây lên 23.665 ca, trong đó có 345 ca tử vong./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục