Số ca mắc mới tại Campuchia lại tăng ba chữ số trong một ngày

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, sau hai ngày tạm lắng với số ca mới chỉ tăng thêm vài chục, Bộ Y tế Campuchia sáng 30/3 thông báo số ca mắc mới COVID-19 tăng trở lại ba chữ số trong một ngày.
Số ca mắc mới tại Campuchia lại tăng ba chữ số trong một ngày ảnh 1Nhân viên y tế và xe cứu thương được huy động để chuyển bệnh nhân COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, sau hai ngày tạm lắng với số ca mới chỉ tăng thêm vài chục, Bộ Y tế Campuchia sáng 30/3 thông báo số ca mắc mới COVID-19 tăng trở lại ba chữ số trong một ngày, trong đó số ca lây nhiễm cộng đồng nhiều nhất là ở thủ đô Phnom Penh.

Bộ Y tế Campuchia cho biết trong 105 ca mới phát hiện có một ca nhập cảnh, còn lại 104 ca lây nhiễm cộng đồng từ “sự cố ngày 20/2”.

Các ca mới là người Campuchia, Trung Quốc và Việt Nam ở các tỉnh, thành gồm Phnom Penh (46 ca), Sihanoukville (34 ca), Svay Rieng (20 ca), Prey Veng (1 ca), Kampong Cham (2 ca) và Tbong Khmum (1 ca). Hôm nay có 4 người khỏi bệnh.

Như vậy tính đến sáng 30/3, Campuchia ghi nhận tổng cộng 2.378 ca mắc COVID-19, trong đó 11 người đã tử vong.

Hôm 29/3, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã công bố kế hoạch phân bổ một triệu liều vaccine để tiêm phòng cho 500.000 người trong tháng tới.

Mục tiêu mà Chính phủ Campuchia hướng tới là tiêm phòng COVID-19 cho một triệu người mỗi tháng và ông Hun Sen đề nghị các quan chức chính phủ tích cực làm việc để hoàn thành mục tiêu này.

Trong thông điệp chia sẻ trên trang Facebook chính thức, Thủ tướng Hun Sen cho biết lô vaccine của hãng Sinovac đã tới Campuchia và chính quyền trung ương sẽ cử các bác sĩ đến để hỗ trợ việc triển khai tiêm chủng tại nhiều khu vực của đất nước nhằm đẩy nhanh quá trình tiêm chủng.

Kế hoạch đẩy nhanh tiêm phòng vaccine COVID-19 được đưa ra sau khi lô hàng 1,5 triệu liều vaccine của Sinovac đặt mua của Trung Quốc đã đến Sân bay quốc tế Phnom Penh ngày 26/3 vừa qua.

[Nhật Bản cảnh báo tiêm phòng chưa đủ để ngăn làn sóng lây nhiễm thứ 4]

Vào ngày 31/3 tới, Campuchia dự kiến nhận thêm 700.000 liều vaccine của Sinopharm là quà tặng của Chính phủ Trung Quốc cho Bộ Quốc phòng và Bộ Y tế Campuchia.

Trong báo cáo công bố vào tháng 3/2021, Bộ phận châu Á-Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ghi nhận sáng kiến của Campuchia về đào tạo nghề cho người dân, hỗ trợ tiền mặt cho các hộ gia đình nghèo là những biện pháp ứng phó mạnh mẽ với đại dịch COVID-19.

IMF cho rằng Campuchia, dù với xuất phát điểm là hầu như không có những cơ chế phúc lợi-bảo hiểm xã hội, nhưng đã áp dụng một hệ thống nhằm xác định những người thuộc diện nghèo để phân phối tiền mặt.

Thông báo mới đây của Bộ Các vấn đề xã hội Campuchia cho biết chính phủ đã giải ngân khoảng 291 triệu USD cứu trợ tới 692.092 hộ gia đình nghèo bị tổn thương trong giai đoạn dịch COVID-19. Mỗi hộ nghèo trong chương trình nói trên được trợ cấp 30 USD/tháng.

Khoảng 2,7 triệu người Campuchia đã được hưởng lợi từ chương trình cứu trợ tiền mặt này, trong đó có 341.915 người trên 60 tuổi; 59.962 người tàn tật; 1.973 bệnh nhân HIV và 187.520 trẻ em dưới 5 tuổi.

Bộ Kinh tế-Tài chính Campuchia cũng vừa công bố khởi động Bảo lãnh tín dụng phục hồi kinh doanh (BRGS) trị giá 200 triệu USD nhằm hỗ trợ cho các đối tượng, trong đó có những doanh nghiệp vi mô, nhỏ và vừa, cũng như doanh nghiệp lớn để tiếp cận các khoản vay từ Công ty bảo lãnh tín dụng Campuchia (CGCC).

CGCC là công ty nhà nước đầu tiên của Campuchia hoạt động trong lĩnh vực bảo lãnh tín dụng, được thành lập theo sắc lệnh của Thủ tướng Campuchia Hun Sen nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp trụ lại và hồi phục kinh doanh trong giai đoạn đại dịch COVID-19.

Chương trình BRGS trong giai đoạn đầu sẽ đóng góp 200 triệu USD vốn cho vay thông qua nhiều ngân hàng của Campuchia như ACLEDA Bank, Asia Pacific Development Bank, AMK MFI, Cambodia Post Bank, Canadia Bank, Phillip Bank và Prince Bank./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục