Các cuộc tập trận chung mà Hàn Quốc và Mỹ tiến hành trong năm 2019 không giảm cả về số lượng lẫn quy mô so với năm 2018, dù một số cuộc diễn tập quân sự đã được điều chỉnh nhằm thúc đẩy những nỗ lực ngoại giao với Triều Tiên.
Phát biểu tại một buổi hội thảo diễn ra ở Seoul ngày 15/1, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo cho biết như lời Tư lệnh Lực lượng quân đội Mỹ tại Hàn Quốc, ông Robert Abrams từng đề cập trước đó, số lượng và quy mô của các cuộc tập trận chung giữa Hàn Quốc và Mỹ chưa bao giờ giảm.
Đối với các cuộc tập trận cấp tiểu đoàn, có hơn 100 cuộc tập trận đã được triển khai trong suốt năm 2019, nhiều hơn so với trước đây.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Jeong Kyeong-doo cũng nhấn mạnh để hỗ trợ những nỗ lực ngoại giao của Chính phủ Hàn Quốc với Triều Tiên, Hàn Quốc và Mỹ đã tiến hành những cuộc tập trận này với sự điều chỉnh nhất định dựa trên hệ thống vũ khí tối tân và các khái niệm tác chiến mới của hai nước.
[Hàn Quốc và Mỹ điều chỉnh tập trận chung, ủng hộ phi hạt nhân hóa]
Bày tỏ sự tự tin vào năng lực phòng vệ và tinh thần sẵn sàng chiến đấu của hai nước, Bộ trưởng Jeong Kyeong-doo cho biết giới chức Hàn Quốc và Mỹ vẫn đang theo dõi sát sao những động thái quân sự ở Triều Tiên, cũng như hợp tác chặt chẽ để đưa ra những phương án khác nhau nhằm kịp thời ngăn chặn và đáp trả nếu Bình Nhưỡng có hành động gây căng thẳng.
Kể từ khi Mỹ và Triều Tiên tiến hành các cuộc đàm phán hạt nhân hồi năm 2018, Seoul và Washington đã hủy hoặc thu hẹp quy mô các cuộc tập trận chung. Gần đây nhất, hồi tháng 11 năm ngoái, Hàn Quốc và Mỹ đã quyết định chấm dứt các cuộc tập trận chung Giải pháp Then chốt và Đại bàng Non diễn ra vào mùa Xuân, thay vào đó tiến hành cuộc diễn tập chỉ huy mang tên Đồng minh.
Tuy nhiên, truyền thông Hàn Quốc đưa tin hai bên đang xem xét nối lại một cuộc diễn tập huấn luyện thực địa vào khoảng tháng 3 tới nhằm gia tăng sức ép đối với Triều Tiên.
Bình Nhưỡng lâu nay lên án mạnh mẽ các cuộc tập trận chung giữa Hàn Quốc và Mỹ, coi các cuộc tập trận này là diễn tập xâm lược Triều Tiên.
Mới đây, Bình Nhưỡng ám chỉ có thể nối lại các vụ thử tên lửa tầm xa, đồng thời cảnh báo sẽ phô diễn một "vũ khí chiến lược mới" trong tương lai gần, trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ bế tắc./.