Số hóa hồ sơ cán bộ, công chức: Minh bạch, hạn chế sai sót bổ nhiệm

Số hóa hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức sẽ hạn chế tình trạng "cát cứ" dữ liệu ở đơn vị quản lý, hồ sơ được quản lý xuyên suốt, giúp cơ quan quản lý nhà nước hạn chế sai sót trong công tác bổ nhiệm.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Số hóa hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức sẽ hạn chế tình trạng "cát cứ" dữ liệu, góp phần hạn chế sai sót trong công tác bổ nhiệm, đây là khẳng định của Thứ trưởng Nội vụ Trương Hải Long khi trao đổi với phóng viên TTXVN liên quan đến việc xây dựng Cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước, kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

- Thưa Thứ trưởng, được biết Bộ Nội vụ đang triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước, Thứ trưởng có thể cho biết tiến độ thực hiện đến nay như thế nào?

Thứ trưởng Trương Hải Long: Ngày 25/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 893/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước nhằm bảo đảm thống nhất về quản lý cán bộ, công chức, viên chức và tổ chức bộ máy, biên chế.

Thông tin cơ bản về cán bộ, công chức, viên chức và tổ chức bộ máy, biên chế của các cơ quan nhà nước được quản lý tập trung, thống nhất trong cơ sở dữ liệu.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Nội vụ đang triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước. Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ký ban hành Quyết định phê duyệt dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu giai đoạn chuẩn bị đầu tư; phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi và triển khai các gói thầu giai đoạn chuẩn bị dự án.

Trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 12/2022, chúng tôi sẽ tiến hành triển khai các gói thầu và vận hành, kiểm thử. Dự kiến dự án hoàn thành, chính thức đi vào vận hành vào tháng 1/2023.

- Việc xây dựng cơ sở dữ liệu này có ý nghĩa như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Trương Hải Long: Đảng, Nhà nước, Chính phủ ta luôn quan tâm, coi trọng phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, xác định đây là động lực góp phần thúc đẩy công cuộc đổi mới, tạo khả năng đi tắt, đón đầu để thực hiện thắng lợi công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương, trong đó có Bộ Nội vụ đã tích cực triển khai xây dựng Chính phủ điện tử. Là cơ quan tham mưu, giúp việc cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, quản lý công chức, công vụ, thời gian qua, Bộ Nội vụ đã có nhiều sáng tạo, đổi mới, chỉ đạo sát sao, quyết liệt, góp phần xây dựng nền hành chính nhà nước dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

[Còn nhiều sai sót trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ]

Việc triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Nhà nước nhằm xây dựng, quản lý, cập nhật dữ liệu thường xuyên, tổ chức khai thác, sử dụng và lưu trữ cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức đồng bộ, thống nhất trên phạm vi toàn quốc, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước theo hướng hiện đại, là một trong những cấu phần quan trọng trong tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới nền kinh tế số, xã hội số.

Đồng thời, đảm bảo kết nối, chia sẻ thông tin dữ liệu với cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức của các bộ, ngành, địa phương; cơ sở dữ liệu quốc gia ở các lĩnh vực khác, góp phần vào quá trình xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử/Chính quyền điện tử; thực hiện minh bạch hóa công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức, góp phần xây dựng một nền hành chính phục vụ, hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả.

- Xin Thứ trưởng cho biết, thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ có gặp vấn đề khó khăn hay không?

Thứ trưởng Trương Hải Long: Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 đưa ra các mục tiêu trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long.

Tại Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; phối hợp với Bộ Công an khai thác, tận dụng thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bảo đảm tránh thu thập trùng lặp nhiều thông tin để phục vụ quản lý cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan nhà nước các cấp; trao đổi thông tin, dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức với Bộ Công an để tích hợp vào thẻ Căn cước công dân, ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để chỉ cần sử dụng thẻ Căn cước công dân, ứng dụng Định danh điện tử quốc gia (VNEID).

Bộ trưởng Nội vụ đã ban hành Quyết định số 132/QĐ-BNV ngày 03/02/2022 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, Bộ đã kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số của Bộ Nội vụ và Tổ Giúp việc cho Ban Chỉ đạo. Ngày 18/3 vừa qua, Bộ Nội vụ đã họp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, thống nhất phương án triển khai kết nối, chia sẻ thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức và Cơ sở dữ liệu về hội, quỹ (Tổ chức phi chính phủ). Hiện tại chưa có vướng mắc gì xảy ra.

- Khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Nhà nước được kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ tạo thuận lợi như thế nào cho cơ quan quản lý nhà nước và cán bộ, công chức, viên chức?

Thứ trưởng Trương Hải Long: Khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Nhà nước được kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ tiết kiệm kinh phí trong cập nhật thông tin của cán bộ, công chức, viên chức trên phần mềm Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức; đảm bảo sự đồng bộ, đồng nhất thông tin của các cơ sở dữ liệu trên toàn quốc.

Cơ sở dữ liệu này sẽ tạo thuận tiện khai thác, sử dụng, tra cứu thông tin của cán bộ, công chức, viên chức; đảm bảo yêu cầu tốc độ truy cập, khai thác thông tin cán bộ, công chức, viên chức nhanh, thực hiện trên nhiều ứng dụng công nghệ ở mọi lúc, mọi nơi, góp phần phục vụ việc đổi mới cơ chế quản lý cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm.

- Vậy theo Thứ trưởng, liệu chúng ta có tránh được tình trạng bổ nhiệm "nhầm" cán bộ, công chức, một số trường hợp vi phạm kỷ luật, thậm chí vào tù nhưng sau này hồ sơ vẫn "sạch" và vẫn được bổ nhiệm làm lãnh đạo địa phương, sở, ngành, hay đang bị án treo vẫn đi học, được nâng lương như đã từng xảy ra, do việc quản lý dữ liệu thời gian qua chưa tốt?

Thứ trưởng Trương Hải Long: Tôi cho rằng, việc triển khai hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan Nhà nước sẽ đảm bảo tính minh bạch trong công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức.

Số hóa hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức sẽ hạn chế tình trạng "cát cứ" dữ liệu tại đơn vị quản lý, hồ sơ được quản lý xuyên suốt từ trung ương đến địa phương, qua đó phần nào giúp cơ quan quản lý nhà nước hạn chế các sai sót trong công tác bổ nhiệm như thời gian vừa qua.

- Để có hệ thống dữ liệu đầy đủ, "sống," "sạch," vấn đề kiểm tra, xác minh thông tin về cán bộ, công chức, viên chức là rất quan trọng. Thứ trưởng có thể chia sẻ cách làm hiện nay của Bộ Nội vụ?

Thứ trưởng Trương Hải Long: Khi xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức, Bộ Nội vụ rất chú trọng việc xây dựng một cơ sở dữ liệu "đúng," "đủ," "sạch" và "sống."

Trước tiên, dữ liệu từ các bộ, ngành địa phương phải được xác minh, định danh đến từng cán bộ, công chức, viên chức, hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức được ký số trước khi cập nhật lên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, đảm bảo tiêu chí dữ liệu phải "đúng."

Dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức được kiểm tra đầy đủ trường thông tin theo các văn bản, tiêu chuẩn kỹ thuật mà Bộ Nội vụ ban hành cũng như hướng dẫn tới các đơn vị.

Song song với đó, dữ liệu hồ sơ được chính cán bộ, công chức và viên chức cũng như cơ quan quản lý, sử dụng trong các công tác nghiệp vụ hàng ngày, đảm bảo dữ liệu luôn "sạch."

Bộ Nội vụ đang dự thảo để ban hành các quy định về việc bộ, ngành, địa phương cập nhật thường xuyên thông tin dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức ngay khi có sự biến động lên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia.

- Một nhiệm vụ khác khi thực hiện kết nối cơ sở dữ liệu, đó là rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định để sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ thực hiện tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử của Bộ. Hiện nhiệm vụ này được Bộ thực hiện như thế nào?

Thứ trưởng Trương Hải Long: Chúng tôi sẽ ứng dụng tối đa các trường thông tin của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào việc khai báo thông tin của cá nhân khi thực hiện giải quyết thủ tục hành chính.

Các thông tin này sẽ được lưu trữ lại hệ thống phần mềm giải quyết thủ tục hành chính nhằm mục đích tái sử dụng khi công dân đó tiếp tục đề nghị giải quyết các thủ tục hành chính khác.

Bộ Nội vụ đã sửa đổi, bổ sung Quy chế tổ chức và hoạt động tại Bộ phận Một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ. Sửa đổi, bổ sung các quy định trong từng thủ tục hành chính, phần khai báo thông tin cá nhân đăng ký giải quyết thủ tục hành chính, theo đó, ứng dụng Cơ sở dữ liệu dân cư hoặc đã khai báo thông tin và được lưu tại hệ thống phần mềm sẽ được tái sử dụng thông tin đó.

- Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục