Số người béo phì tăng cao kỷ lục ở các nước đang phát triển

Tại các quốc gia đang phát triển, số người trưởng thành mắc bệnh béo phì và thừa cân đã tăng gấp hơn ba lần kể từ năm 1980.
Số người béo phì tăng cao kỷ lục ở các nước đang phát triển ảnh 1Tỷ lệ béo phì tại Trung Quốc đang tăng nhanh. (Nguồn: The Independent)

Viện phát triển Hải ngoại của Anh (ODI) ngày 3/1, công bố báo cáo cho thấy số người trưởng thành mắc bệnh béo phì và thừa cân tại các quốc gia đang phát triển đã tăng gấp hơn ba lần kể từ năm 1980.

Bản báo cáo chỉ ra rằng số người trưởng thành mắc bệnh béo phì và thừa cân ở các nước đang phát triển trên thế giới đã tăng từ 250 triệu lên 904 triệu người trong giai đoạn từ năm 1980-2008.

Theo nhóm chuyên gia cố vấn độc lập hàng đầu của Anh về các vấn đề nhân đạo và phát triển quốc tế này, đây là lần đầu tiên tỷ lệ người béo phì tại các quốc gia đang phát triển "ngang ngửa" với các nước giàu có trên thế giới.

Tại Trung Quốc và Mexico, tỷ lệ người béo phì và thừa cân gần như tăng gấp đôi, trong khi tại Nam Phi tỷ lệ này đã tăng lên 30% thậm chí còn cao hơn tại Anh.

Đặc biệt, tại Nam Phi, Trung Đông và Mỹ Latinh, tỷ lệ người mắc béo phì và thừa cân tương đương với các nước châu Âu.

Theo báo cáo trên, gần 25% dân số Trung Quốc mắc bệnh béo phì và thừa cân. Mặc dù tỷ lệ này chỉ bằng 1/2 của Mexico, nhưng cũng là khá cao đủ để rung hồi chuông báo động đối với người dân Trung Quốc.

Một chuyên gia của ODI nhận định rằng tỷ lệ người béo phì tăng cao tại các nước đang phát triển có thể bắt nguồn từ các yếu tố như mức thu nhập cao hơn, lối sống ít vận động, sự gia tăng các nguồn thức ăn giàu năng lượng và các chiến dịch quảng cáo rầm rộ cho thức ăn nhanh.

Béo phì và thừa cân có thể tạo ra nhiều hệ lụy cho con người như thể trạng mệt mỏi, bất lực, tử vong sớm do ung thư, bệnh tim mạch, tiểu đường và đột quỵ.

Đây không chỉ là tấn bi kịch của người bệnh mà còn ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế đất nước và tiêu tốn một chi phí "khủng" của ngành y tế.

Các chuyên gia đang kêu gọi tăng cường các nỗ lực nhằm hạn chế khuynh hướng tiêu cực này. Sự kết hợp giữa các biện pháp như cung cấp thông tin tốt hơn và giáo dục về chế độ ăn kiêng tại các trường học, bệnh viện, cơ quan chính phủ...; đánh thuế các thực phẩm giàu năng lượng, hỗ trợ các mặt hàng rau quả và siết chặt các quy định về quảng cáo thức ăn nhanh được các chuyên gia cho là sẽ tạo ra kết quả khác biệt trong nỗ lực giảm bệnh béo phì.

Trong bản báo cáo trên, ODI cũng đề cập đến việc sử dụng các thực phẩm thay thế, trong đó chế độ ăn nên ít thịt và thay thế bằng cá./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục