Trong một báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về xu hướng sử dụng thuốc lá toàn cầu, dự đoán đến năm 2020 sẽ giảm bớt 10 triệu người hút thuốc lá ở cả nam và nữ, so với năm 2018.
Theo đà phát triển tích cực đó, đến năm 2025 con số người hút thuốc lá có khả năng giảm bớt thêm 27 triệu người nữa để đạt đến cột mốc chỉ còn dưới 1,3 tỷ người hút thuốc trên toàn cầu.
Kể từ năm 2010, đã có khoảng 60% trong số các quốc gia bắt đầu sụt giảm về sản lượng tiêu thụ thuốc lá.
[Nhóm buôn lậu vứt 9.000 gói thuốc lá ngoại để thoát thân]
Việt Nam có khoảng 17 triệu người hút thuốc lá, trong đó trên 45% nam giới và 1,1% phụ nữ trưởng thành. Số lượng người hút thuốc cao nên ước tính có khoảng 33 triệu dân phải chịu hút thuốc lá thụ động.
Sau nhiều năm thực hiện công tác phòng chống tác hại của thuốc lá, tỷ lệ người hút thuốc lá đã giảm 2%. Năm 2019, kết quả điều tra tại một số tỉnh cho thấy, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới giảm và thấp hơn so với điều tra toàn quốc năm 2015.
Theo Tổng Giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus, nhiều năm qua đã chứng kiến sự gia tăng đều đặn về số lượng người hút thuốc lá ở nam giới. Nhưng giờ đây, lần đầu tiên tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới đang sụt giảm. Điều này có được nhờ vào sự thắt chặt của chính phủ các nước đối với ngành công nghiệp thuốc lá.
Đến nay đã có 116 trong tổng số 137 quốc gia có tỷ lệ hút thuốc lá điếu giảm kể từ khi thực thi các biện pháp quản lý, giám sát. Đây là kết quả của việc triển khai các chương trình ngăn chặn việc hút thuốc lá thụ động, tổ chức các chương trình bỏ thuốc, nâng cao nhận thức về tác hại thuốc lá, giới hạn hoặc cấm việc quảng cáo thuốc lá, các hoạt động thúc đẩy thương mại, tài trợ và tăng thuế trên các sản phẩm thuốc lá.
Theo số liệu được Tạp chí Quốc tế về Nghiên cứu Môi trường và Y tế công cộng Nhật Bản công bố, lịch sử sụt giảm thuốc lá điếu tại nước này từ giữa năm 2011 và 2015 cho thấy: số lượng thuốc lá điếu bán ra ở Nhật Bản dần sụt giảm chậm nhưng với tốc độ ổn định.
Tuy nhiên, tốc độ sụt giảm trong sản lượng bán thuốc lá điếu tăng vọt bắt đầu từ năm 2016, tương ứng với thời gian sản phẩm thuốc lá làm nóng được giới thiệu vào thị trường này. Một nghiên cứu gần đây cho thấy phần lớn người sử dụng sản phẩm thuốc lá làm nóng ở Nhật Bản vẫn sử dụng song song với thuốc lá điếu truyền thống.
Hiện nay, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới vẫn đang được giới khoa học nghiên cứu sâu và tranh luận về tính giảm thiểu tác hại khi các sở cứ khoa học đưa ra chỉ có thể đo lường tác động của sản phẩm trong thời gian từ 6 tháng đến một năm.
Theo các chuyên gia y tế, đối với các bệnh lý như bệnh ung thư, tim mạch, hô hấp, cần có biện pháp theo dõi và đo lường với thời gian từ 5 năm trở lên mới xác định được tính tác động của sản phẩm lên sức khỏe một cách toàn diện.
Chính vì vậy, WHO đã đưa ra các chiến dịch vận động chính phủ các nước trong giai đoạn này cần có chính sách cấm hoặc thắt chặt quản lý đối với các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, tùy vào điều kiện của từng quốc gia…
Tuy nhiên, việc thực thi chiến dịch này vẫn đang còn nhiều tranh cãi khác nhau. Có ý kiến cho rằng đó là rào cản ngăn chặn những sản phẩm công nghệ mới vào thị trường, qua đó bảo vệ vị thế thượng phong độc quyền của thuốc lá điếu truyền thống.../.