Số người trẻ bị ung thư dạ dày, trực tràng ngày càng tăng

Trung bình một tuần, các bác sỹ tại Bệnh viện Việt Đức mổ từ 150-200 ca, trong đó có khoảng từ 10-15 ca ung thư dạ dày, tiêu hóa, trực tràng..., thậm chí có những tuần con số này còn cao hơn.
Bác sỹ điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh về dạ dày tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Thống kê tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho thấy, hiện nay, ngày càng nhiều người trẻ mắc các bệnh ung thư dạ dày, trực tràng.

Nếu như trước kia mọi người thường nghĩ bệnh nhân ung thư chủ yếu xuất hiện ở những người già ​thì hiện nay bệnh nhân ung thư tuổi càng ngày càng trẻ.

Giáo sư Trần Bình Giang – Phó giám đốc phụ trách Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã cho biết như vậy tại hội thảo phẫu thuật nội doi dạ dày, nạo vét hạch trong điều trị ung thư dạ dày, do Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức phối hợp với Hội phẫu thuật nội soi Việt Nam và Hội phẫu thuật nội soi Nhật Bản tổ chức ngày 3-4/10, tại Hà Nội.

Theo đánh giá của Bộ Y tế, tại Việt Nam, hiện nay cấu trúc của bệnh đã thay đổi, sự gia tăng bệnh không nhiễm trùng liên quan đến sự thay đổi phong cách sống và sự gia tăng dân số già.

Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy, các ca tử vong có liên quan đến bệnh không truyền nhiễm hiện chiếm khoảng 75% tổng số ca tử vong.

Tỷ lệ tử vong tính trên đầu người do ung thư dạ dày ở Nhật Bản là 13,8/100.000 người, trong khi tỷ lệ tại Việt Nam là 14,3/100.000 - gần như tương đương với Nhật Bản.

Giáo sư Trần Bình Giang dẫn chứng, vừa qua bệnh viện đã tiếp nhận một bệnh nhân nam ở Hà Nội có u trực tràng đã chuyển sang ung thư và hiện giờ đã di căn toàn bộ lên gan. Đây là điều rất nguy hiểm.

Qua thăm khám, các bác sỹ chẩn đoán khối u đó phát triển ít nhất đã 2 năm gần đây mà người bệnh không hay biết, không đi khám để phát hiện sớm và điều trị sớm. Vì vậy, các tế bào ung thứ cứ nhân lên nhanh chóng.

Theo giáo sư Giang, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bệnh nhân đến khám và điều trị các bệnh ngày càng tăng lên, trung bình một tuần, các bác sỹ tại Bệnh viện Việt Đức mổ từ 150-200 ca, tỷ lệ bệnh nhân ung thư vào mổ tại bệnh viện chiếm khoảng 30-40%, bao gồm các loại ung thư như não, phổi, tuyến giáp, gan, dạ dày, tiêu hóa, đại tràng…

​Trong số trên, có khoảng từ 10-15 ca ung thư dạ dày, tiêu hóa, trực tràng, thậm chí có những tuần con số này còn cao hơn. ​Có khá nhiều bệnh nhân đến chữa trị trong giai đoạn muộn. Nhiều bệnh nhân khi hỏi sợ mổ, đi sử dụng các biện pháp như bỏ đói tế bào, ăn gạo lứt…

Theo các bác sỹ, các biện pháp đó đều làm cho ung thư phát triển và khi đến bệnh viện không còn điều trị được nữa. Bệnh ung thư cần được phát hiện sớm, điều trị sớm và điều trị đúng cách. Bởi, bình thường ung thư trực tràng, ung thư đại tràng tiến triển rất chậm. Người bệnh nếu phát hiện trong giai đoạn sớm, sống sau 5 năm, 10 năm, 20 năm là chuyện bình thường.

Giáo sư Trần Bình Giang nhấn mạnh, mỗi người nên khám đầy đủ sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần. Quan trọng nhất là phát hiện sớm và điều trị đúng cách, người bệnh cần đi nội soi dạ dày để phát hiện bệnh sớm.

Tại hội thảo, một vị đại diện của Hội phẫu thuật nội soi Nhật Bản cho hay, ở Nhật Bản, 40% số ca phẫu thuật ung thư dạ dày được thực hiện dưới hình ảnh nội soi hỗ trợ phẫu thuật với hiệu quả cao và tỷ lệ này đang ngày càng gia tăng.

Tại Việt Nam, kỹ thuật nội soi ung thư dạ dày đang được thực hiện rộng rãi tại nhiều bệnh viện.

Chương trình của hội thảo được tiến hành thông qua đào tạo và trao đổi kinh nghiệm sẽ giúp thắt chặt mối quan hệ lâu dài giữa hai nước, hai hội phẫu thuật nội soi.

Trong dịp này, các chuyên gia Nhật Bản chia sẻ, giảng các bài về phẫu thuật nội soi dung thư dạ dày, thực hành trên mô hình để trao đổi ý tưởng và kỹ thuật giữa bác sỹ hai nước, giới thiệu về các công nghệ mới nhất cho các phẫu thuật viên./.

Giáo sư Trần Bình Giang nói về bệnh ung thư dạ dày, trực tràng
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục