Số tài khoản chứng khoán mở mới thấp nhất trong hơn một năm qua

Tháng 9/2022, cả nước chỉ có thêm 102.213 tài khoản chứng khoán được mở mới, thấp nhất kể từ tháng 7/2021. Đây cũng là tháng thứ ba liên tiếp số tài khoản mở mới giảm.
Số tài khoản chứng khoán mở mới thấp nhất trong hơn một năm qua ảnh 1Nhà đầu tư theo dõi diễn biến thị trường trong phiên giao dịch sáng 29/9/2022. (Ảnh: Hứa Chung/TTXVN)

Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, số tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới trong tháng Chín đạt 102.213 tài khoản, thấp nhất kể từ tháng 7/2021.

Đây cũng là tháng thứ ba liên tiếp số tài khoản mở mới giảm. Đáng chú ý, đây lần đầu tiên trong sáu năm, cá nhân nước ngoài đóng tài khoản giao dịch.

Trong tháng Chín có thêm 102.144 tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân trong nước, nâng tổng số tài khoản nhóm này vượt ngưỡng 6,5 triệu. Tháng Chín, nhà đầu tư tổ chức trong nước mở mới 100 tài khoản.

Về khối ngoại, nhà đầu tư tổ chức mở thêm 32 tài khoản, nâng tổng số tài khoản lên 4.271 tài khoản. Nhà đầu tư cá nhân nước ngoài đóng 63 tài khoản.

Đây là lần đầu tiên nhà đầu tư cá nhân nước ngoài đóng tài khoản giao dịch chứng khoán trong sáu năm qua. Trước đó, trong tháng Tám, nhà đầu tư cá nhân nước ngoài mở mới 267 tài khoản.

Tại thời điểm ngày 30/9, tổng số tài khoản giao dịch chứng khoán ở Việt Nam vượt ngưỡng 6,6 triệu, gấp gần ba lần thời điểm cuối năm 2019.

[Số tài khoản chứng khoán mở mới của nhà đầu tư trong nước giảm sâu]

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán giảm sâu, việc kiếm lời trên thị trường chứn khoán trở nên rất khó khăn đối với đại bộ phận nhà đầu tư. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư chịu thua lỗ nặng thì việc số tài khoản chứng khoán mở mới sụt giảm cũng là điều dễ hiểu.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), thanh khoản thị trường phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư, với giá trị giao dịch trung bình hàng ngày trong tháng Chín giảm 16% so với tháng trước xuống còn khoảng 11.800 tỷ đồng.

Theo loại nhà đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài (chiếm 7,2% tổng giá trị giao dịch) đã chuyển sang chiến lược bán ròng, trong tháng Chín với giá trị khoảng 3.000 tỷ đồng.

Mức bán ròng đó đã được các nhà đầu tư cá nhân trong nước mua ròng đối ứng (chiếm 86,4% tổng giá trị giao dịch).

Trong tháng Chín, các nhà đầu tư nước ngoài đã đảo chiều bán ròng trên khắp các thị trường châu Á, cụ thể là tại thị trường chứng khoán Đài Loan (Trung Quốc) nhà đầu tư nước ngoài bán ròng tới 5,75 tỷ USD, Hàn Quốc (1,8 tỷ USD), Ấn Độ (1,4 tỷ USD), Thái Lan (655 triệu USD), Malaysia (337 triệu USD) và Philippines (216 triệu USD.

Tại Việt Nam, khối ngoại đã bán ròng 111 triệu USD trong tháng Chín, sau khi mua ròng trong 5 tháng trước đó. Việt Nam cũng đã chứng kiến việc bán ròng của các quỹ ETF trong ba tháng qua (tháng Bảy: 3,8 triệu USD; tháng Tám: 2,9 triệu USD; tháng Chín: 4,4 triệu USD); trong đó, giá trị bán ròng trong tháng Chín chủ yếu đến từ DCVFMVN Diamond (11,4 triệu USD)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục