Hiện nay, dù chỉ mới đầu mùa mưa, nhưng tình trạng sạt lở đã xảy ra liên tiếp tại nhiều địa phương của tỉnh Sóc Trăng với mức độ ngày càng nhanh hơn, khó lường và khó dự báo, đe dọa tính mạng và tài sản của các hộ dân sinh sống khu vực ven sông.
Trong hai ngày 20 và 21/6, tình trạng sạt lở bờ sông nghiêm trọng đã xảy ra trên địa bàn ấp Phụng An, thuộc xã Song Phụng, huyện Long Phú (Sóc Trăng). Sạt lở ăn sâu vào đất liền gần 10m với đoạn đường dài hơn 20m, làm hư hại nặng sáu căn nhà của người dân. Mặc dù không gây thiệt hại về người nhưng vụ sạt lở này đã gây thiệt hại về tài sản của người dân với tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng.
Trước đó, vào cuối tháng Hai năm nay, tại khu vực này cũng đã xảy ra vụ sạt lở, gây ảnh hưởng về đất đai, nhà cửa của bốn hộ dân.
Bà Nguyễn Thị Nga (ở ấp Phụng An, xã Song Phụng, huyện Long Phú) - người có căn nhà bị thiệt hại do sạt lở, cho biết vào những tháng mùa mưa và nước nổi, các hộ dân sống trong khu vực đều bất an vì không biết nước ngập, sạt lở bờ sông xảy ra vào lúc nào.
Vào trung tuần tháng Sáu năm nay, tình trạng sạt lở cũng xảy ra ở bờ sông Rạch Vọp. Một đoạn sạt lở dài khoảng 33m, sâu vào đất liền khoảng 16m, làm nứt tường và nền nhà của 5 hộ dân sống cặp theo sông tại khu vực ấp 9, xã Trinh Phú, huyện Kế Sách. Sau đó, khu vực bị sát lở tiếp tục kéo dài 50m làm sập 5 căn nhà và làm 4 căn nhà lân cận nứt tường, có nguy cơ sập đổ.
Cũng như nhiều địa phương khác trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng sạt lở bờ sông tại tỉnh Sóc Trăng diễn ra ngày càng phổ biến với tính chất phức tạp và theo xu thế ngày càng tăng. Sóc Trăng lại là tỉnh nằm gần cửa sông, lưu lượng dòng chảy lớn, do vậy, khi dòng chảy thay đổi sẽ gây ra tình trạng sạt lở đất, đặc biệt là ở các địa phương như huyện Long Phú, Kế Sách... là những khu vực kề sông Hậu, có các nhánh sông đổ ra sông Hậu.
Ông Hà Tấn Việt, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh Sóc Trăn, cho biết hàng năm, địa phương đã kiểm tra, thống kê các điểm sạt lở trước mùa mưa bão, nhưng khi vào mùa mưa, tình trạng sạt lở vẫn có thể xảy ra bất cứ ở đâu dọc theo các con sông. Trong công tác dự báo sạt lở, khi ngành chức năng cảnh báo được khu vực sạt lở ở chỗ này thì điểm sạt lở lại xuất hiện ở chỗ khác, do đó, công tác cảnh báo gặp rất nhiều thách thức.
Ngoài ra, sạt lở bờ sông thường xảy ra ở điểm giao nhau giữa các nhánh sông và sông lớn, những đoạn cong của dòng sông nên khi thủy triều lên xuống, dòng nước chảy mạnh sẽ làm sạt lở, đầu tiên là gây tình trạng sạt lở nhẹ, nhưng đến đợt triều cường, mùa lũ sạt lở sẽ kéo dài từ 20m, 30m, làm sụp sân, nhà của người dân. Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh Sóc Trăng đã phối hợp với các địa phương có giải pháp hỗ trợ, vận động hộ dân sống gần khu vực bị sạt lở di dời đến nơi an toàn. Nhưng đây mới chỉ là giải pháp trước mắt còn những biện pháp căn cơ, lâu dài lại chưa có.
Tại hội thảo Hội thảo “Kiểm soát sạt lở Đồng bằng sông Cửu Long - Thách thức và giải pháp,” Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Văn Thắng đã cho biết, hiện tượng sạt lở ở các vùng ven sông, ven biển vẫn tiếp diễn phức tạp, gây bất an cho người dân trong toàn khu vực, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người dân, nhất là người dân vùng ven biển.
Thực trạng sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long có ba nguyên nhân chính là quá trình phát triển của thượng nguồn dòng Mekong, ảnh hưởng của tác động phát triển kinh tế-xã hội của vùng và tác động của biến đổi khí hậu. Vì vậy, để khắc phục và giảm thiểu tác động này cần có những giải pháp tổng hợp, căn cơ, trong đó cần tập trung quản lý, nghiên cứu tác động của việc phát triển kinh tế-xã hội ven bờ; sinh kế của người dân hài hòa với tự nhiên; cần khôi phục vùng sạt lở và phát triển rừng ngập mặn./.