Sôi động cuộc đua xây các lò phản ứng hạt nhân công suất nhỏ

Nhật báo Le Monde cho rằng trên thực tế, Nga, Trung Quốc, Mỹ và Pháp đang ngày càng quan tâm đến các lò phản ứng môđun công suất nhỏ, mặc dù mô hình này chưa chứng tỏ được khả năng cạnh tranh.
Sôi động cuộc đua xây các lò phản ứng hạt nhân công suất nhỏ ảnh 1Lò phản ứng SMR Linglong One công suất 125MW được xây dựng ở Hải Nam Trung Quốc. (Nguồn: CNNC)

Biến đổi khí hậu, Trái Đất nóng lên liệu có tạo điều kiện cho sự hồi sinh của năng lượng hạt nhân, vốn thải ra rất ít khí gây hiệu ứng nhà kính?

Nhật báo Le Monde cho rằng trên thực tế, Nga, Trung Quốc, Mỹ và Pháp đang ngày càng quan tâm đến các lò phản ứng môđun công suất nhỏ, mặc dù mô hình này chưa chứng tỏ được khả năng cạnh tranh.

Theo Le Monde, mới đây, Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử quốc gia Nga (Rosatom) thông báo việc Cơ quan giám sát môi trường và hạt nhân của nước này cho phép Rosatom xây dựng một lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ công suất 50MW. Rosatom đã khẳng định sự tiên phong của tập đoàn này trong việc phát triển lò phản ứng môđun công suất nhỏ (SMR) - một dạng nhà máy “chế tạo sẵn” có thể được lắp đặt ở những khu vực không có điện lưới.

Rosatom dự kiến bắt đầu xây dựng SMR này vào năm 2024 ở Đông Bắc Siberia và đưa vào hoạt động vào năm 2028 để phục vụ việc khai thác một mỏ vàng ở khu vực này. Đây là lần đầu tiên một SMR được xây dựng trên đất liền.

[Pháp bật đèn xanh kéo dài hoạt động nhà máy điện hạt nhân lâu đời]

Trước đó, vào năm 2020, tập đoàn này đã đưa vào vận hành một SMR gắn vào sà lan ở vùng Viễn Đông của Nga. Loại lò phản ứng nước áp lực (eau pressurisée) hay còn gọi là nước nhẹ, cũng đã được sử dụng để đẩy ba tàu phá băng thế hệ mới nhất của Nga và chúng cũng sẽ được trang bị cho các nhà máy điện nổi ở Bắc Cực.

Pháp đang tìm kiếm vị trí của mình

Nếu Nga đã đi tiên phong trong lĩnh vực này suốt thời gian qua, Trung Quốc lại khắc phục rất nhanh sự chậm trễ của mình. Vào giữa tháng Bảy, Tổng công ty hạt nhân quốc gia Trung Quốc tuyên bố khởi công xây dựng trên đảo Hải Nam, ở miền Nam nước này, lò phản ứng SMR Linglong One công suất 125MW, sẽ cung cấp điện cho 526.000 ngôi nhà. Tân hoa xã tuyên bố, đây sẽ là chiếc đầu tiên trên thế giới đi vào hoạt động thương mại, nhưng không nêu rõ thời điểm khánh thành.

Với mong muốn tiếp tục là cường quốc công nghệ hàng đầu thế giới, Mỹ cũng đã đầu tư vào lĩnh vực này từ 10 năm nay. Tập đoàn NuScale Power của Mỹ đang có kế hoạch thực hiện một mẫu thử nghiệm vào năm 2029.

Kể từ năm 2008, TerraPower, một công ty do nhà sáng lập Microsoft Bill Gates thành lập, đã tài trợ cho hai nhánh nghiên cứu SMR. Cùng với công ty năng lượng hạt nhân GE Hitachi (Nhật Bản), họ có kế hoạch vận hành một lò phản ứng công suất 350MW trên địa điểm của một nhà máy nhiệt điện than ở Wyoming trong vài năm tới.

Pháp, từ lâu vốn chỉ quan tâm đến các lò phản ứng hạt nhân lớn như lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ ba EPR (mạnh nhất thế giới), giờ đây cũng đang tìm kiếm thị phần trong lĩnh vực lò phản ứng công suất nhỏ.

Sôi động cuộc đua xây các lò phản ứng hạt nhân công suất nhỏ ảnh 2Ý tưởng thiết kế cho Nuward SMR. (Ảnh: TechnicAtome)

Năm 2019, Tập đoàn điện lực Pháp (EDF), Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Pháp, Tập đoàn đóng tàu Naval Group và công ty chuyên sản xuất nồi hơi tàu ngầm hạt nhân TechnicA MW có tên Nuward. Dự kiến lò này sẽ đưa vào kinh doanh trong đầu thập kỷ tới để mở rộng nguồn cung vốn rất hạn chế ở Pháp.

Một phân khúc "đầy hứa hẹn"

Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), hiện có 72 dự án SMR đang phát triển hoặc đang được xây dựng ở 18 quốc gia. Loại lò này có nhiều ưu điểm như an toàn hơn, kích thước thích hợp với các khu vực không có lưới điện, công suất đủ phục vụ các mục đích công nghiệp cụ thể, xây dựng nhanh và đặc biệt là ít tốn kém. Lợi thế cuối cùng này rất hấp dẫn nếu so sánh với mức chênh lệch về chi phí của các loại lò EPR của Pháp và Phần Lan.

Trong buổi điều trần trước Ủy ban các vấn đề kinh tế của Thượng viện hôm 7/4, Chủ tịch Cơ quan an toàn hạt nhân Pháp, Bernard Doroszczuk, đã khẳng định “nếu chính phủ muốn cân nhắc việc lựa chọn nguồn năng lượng hạt nhân mới, cần nghiên cứu khả năng của SMR bởi vì lợi thế an toàn vượt trội so với lò EPR2 (phiên bản mới của EPR).”

Trong kế hoạch phục hồi kinh tế của Pháp, chính phủ đã dành cho lĩnh vực hạt nhân một gói hỗ trợ trị giá 472 triệu euro (khoảng 554 triệu USD). Một phần trong khoản này sẽ được dành để đầu tư cho nghiên cứu phân khúc SMR mà Tổng thống Emmanuel Macron cho là "đầy hứa hẹn."

Tuy nhiên, những điểm tích cực nói trên cũng chưa thể khiến SMR cạnh tranh được với các nhà máy điện hạt nhân lớn vì giá thành sản xuất điện cao hơn.

Trong bài viết về các lò phản ứng hạt nhân môđun công suất nhỏ đăng trên tạp chí nghiên cứu của Viện quan hệ quốc tế Pháp số ra tháng 5/2019, chuyên gia Charles Merlin nhận định rằng chi phí sản xuất điện từ SMR sẽ chỉ giảm với điều kiện sản xuất số lượng lớn, do đó phải xây dựng nhiều SMR theo quy chuẩn để tạo ra lợi ích kinh tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục