Sớm giải quyết thủ tục để đấu thầu băng tần 2.6Ghz sau Tết Nguyên đán

Băng tần 2.6Ghz là tài nguyên quan trọng để triển khai mở rộng mạng 4G với chất lượng thực sự vượt trội so với mạng 3G, đặc biệt là ở các tỉnh, thành phố tập trung thuê bao 4G lớn.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã yêu cầu Cục Tần số (Bộ Thông tin và Truyền thông) thống nhất sớm với các đơn vị liên quan giải quyết thủ tục để có thể tiến hành đấu thầu băng tần 2.6Ghz ngay sau Tết Nguyên đán 2020.

Băng tần 2.6Ghz là tài nguyên quan trọng để triển khai mở rộng mạng 4G với chất lượng thực sự vượt trội so với mạng 3G, đặc biệt là ở các tỉnh, thành phố tập trung thuê bao 4G lớn, góp phần bảo đảm công tác thông tin trong hoạt động an ninh, quốc phòng.

Theo đại diện Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), hiện tại, các mạng di động tại Việt Nam đang duy trì 4 công nghệ di động gồm 2G, 3G, 4G và 5G.

[Viettel đề xuất ‘dùng trước’ tần số 2,6 GHz trong khi chờ đấu giá]

Các doanh nghiệp buộc phải duy trì vận hành, khai thác cùng một lúc cả 4 mạng di động riêng biệt. Như vậy đối với doanh nghiệp điều này vừa gây tốn kém chi phí vận hành, vừa khiến không tập trung được nguồn lực tham gia vào công nghệ di động thế hệ mới.

Tài nguyên tần số vô tuyến điện bị chia nhỏ dẫn đến hiệu quả khai thác tài nguyên giảm, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng.

Do vậy, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy nhanh tiến độ cấp phép khai thác băng tần 2.6 GHz để triển khai mạng 4G cho các doanh nghiệp viễn thông theo đúng quy định của pháp luật trước ngày 20/6/2020.

Thực hiện yêu cầu của Chính phủ về quy hoạch băng tần, trong năm 2020 Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xây dựng lộ trình và phương án trình Chính phủ việc dừng công nghệ viễn thông 2G, đồng thời sớm cấp phép thương mại công nghệ 5G để đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai mạng 5G.

Về việc triển khai thương mại hóa băng tần 2,6 Ghz, Cục trưởng Cục Tần số (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Đức Trung cho biết Cục Tần số đã làm việc với đại diện Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đề nghị chuẩn chỉnh văn bản hợp quy trước khi thực hiện việc đầu thầu băng tần mới.

Ngày 30/12/2019, nhà mạng Viettel đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép thử nghiệm tần số mới 2.6 GHz tại 12 tỉnh, thành tại Việt Nam nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ cho khách hàng vào dịp Tết Dương lịch và Nguyên đán năm 2020.

Đại diện nhà mạng Viettel cho biết trước đây, để phục vụ nhu cầu sử dụng mạng 4G với hơn 38.000 trạm phát sóng trong bối cảnh thiếu tài nguyên tần số, Viettel đã phải tối ưu toàn bộ băng tần 1.800Mhz của mạng 2G và một phần băng tần 2.100 MHz của mạng 3G.

Việc triển khai băng tần 2.6 GHz là nguồn tài nguyên quan trọng nhất hiện nay để Viettel đảm bảo chất lượng mạng 4G vượt trội so với mạng 3G.

Hiện tại, tại các khu vực có tần số mới, tốc độ mạng 4G của Viettel cao gấp 2 lần so với trước đó./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục