Sớm hoàn thiện Quy hoạch điện VIII để khai thác lợi thế của Bình Thuận

Bình Thuận kiến nghị xem xét đưa vào dự thảo Quy hoạch điện VIII các dự án, công trình nguồn điện, lưới điện nhằm khai thác lợi thế, tiềm năng của tỉnh Bình Thuận, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng.
Kỹ sư bảo trì hệ thống điện năng lượng mặt trời tại địa bàn huyện Bắc Bình. (Ảnh: TTXVN phát)

Chiều 26/4, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận về thực hiện chính sách, pháp luật phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Tỉnh Bình Thuận có nhiều tiềm năng phát triển các nhà máy điện, đặt biệt là về năng lượng mặt trời với số giờ nắng trung bình tại Bình Thuận là 2.728 giờ/năm, cao hơn số giờ nắng trung bình của khu vực từ Đà Nẵng trở vào (từ 2.000-2.500 giờ).

Thời gian có nắng để sản suất điện hầu như quanh năm, số ngày nắng trung bình và tổng lượng bức xạ mặt trời trung bình đều cao hơn mức trung bình của khu vực.

[Quy hoạch không gian biển: Cơ hội ‘bật sáng’ điện gió ngoài khơi]

Tổng lượng bức xạ trung bình hàng năm là 1.961 kWh/m2, trung bình hàng ngày là 5,37 kWh/m2.

Ngoài ra, với đặc điểm khí hậu ít chịu ảnh hưởng của bão là điều kiện thuận lợi phát triển các nhà máy điện năng lượng mặt trời.

Theo báo báo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận, thời gian qua, các tiềm năng về năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo được phát huy tốt hơn, công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng trưởng cao, là động lực chính thúc đẩy phát triển công nghiệp của tỉnh.

Giai đoạn 2016-2021, tỉnh đã thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và kinh tế tư nhân đầu tư phát triển nguồn điện gió, điện mặt trời và thủy điện nhỏ.

Những cột điện gió tại địa bàn huyện Bắc Bình. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Riêng lĩnh vực đầu tư lưới điện phân phối và kinh doanh điện do Công ty Điện lực Bình Thuận (trực thuộc Tổng công ty Điện lực miền Nam - Tập đoàn Điện lực Việt Nam) đảm nhận.

Theo ông Võ Văn Hòa, Giám đốc Sở Công Thương, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận hiện có 47 nhà máy điện đang hoạt động phát điện với tổng công suất lắp đặt 6.523MW.

Cụ thể, có 4 nhà máy nhiệt điện, 7 nhà máy thủy điện; 26 nhà máy điện mặt trời; 9 nhà máy điện gió.

Ngoài ra, tỉnh Bình Thuận còn có 1 nhà máy điện diesel huyện đảo Phú Quý, công suất 10MW đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội trên đảo.

Sản lượng điện thiết kế của 47 nhà máy điện trên địa bàn tỉnh trên 31 tỷ kWh/năm cùng với hệ thống lưới điện tỉnh Bình Thuận (500kV, 220kV, 110kV, trung thế và hạ thế) đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, liên tục cho sự phát triển kinh tế-xã hội và an ninh-quốc phòng của tỉnh, khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo...

Ngoài ra, tỉnh Bình Thuận còn có nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3 thuộc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư; Trung tâm Điện lực (khí LNG) Sơn Mỹ đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư; 3 nhà máy điện gió đang triển khai xây dựng.

Đồng thời, có một nhà đầu tư đang xin chủ trương bổ sung quy hoạch, đầu tư Dự án nhiệt điện khí LNG Kê Gà; 8 nhà đầu tư đăng ký, đề xuất các dự án điện gió ngoài khơi.

Với tổng công suất các dự án nguồn điện tỉnh Bình Thuận hiện hữu và dự kiến nêu trên, nếu triển khai đầu tư hoàn thành sẽ tăng cường đáp ứng cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn năm 2021-2030 theo Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Bình Thuận được Bộ Công Thương phê duyệt (năm 2025: Công suất cực đại Pmax = 1.210MW, điện thương phẩm 5.000 triệu kWh; năm 2030: Công suất cực đại Pmax = 1.621MW, điện thương phẩm 7.566 triệu kWh; năm 2035: Công suất cực đại Pmax = 2.186MW, điện thương phẩm 10.964 triệu kWh), góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Tại buổi làm việc, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương sớm hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Trong đó, xem xét đưa vào dự thảo Quy hoạch điện VIII các dự án, công trình nguồn điện, lưới điện nhằm khai thác lợi thế, tiềm năng của tỉnh Bình Thuận, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Đồng thời, sớm xây dựng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế mới về phát triển điện mặt trời, điện gió, giá mua điện mặt trời, điện gió để địa phương triển khai thực hiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng các dự án điện mặt trời, điện gió phát triển mới, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ liên quan đến việc di dời các hộ dân bị ảnh hưởng bởi bụi, tiếng ồn của Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân...

Bên cạnh đó, tỉnh Bình Thuận kiến nghị Trung ương xem xét quy hoạch Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3 không sử dụng công nghệ đốt than; có giải pháp việc xử lý pin năng lượng mặt trời khi những tấm pin này hết hạn sử dụng...

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát đánh giá cao tỉnh Bình Thuận tích cực phối hợp giải quyết các vướng mắc đối với các dự án trên địa bàn tỉnh.

Ông Lê Quang Huy xác định trách nhiệm của các bộ, ngành Trung ương trong thời gian tới phải phối hợp chặt chẽ với tỉnh giải quyết các vấn đề phát sinh hiện nay về ô nhiễm môi trường, về xây dựng kè ngăn xâm thực, về quy hoạch nguồn năng lượng, về tái định cư cho người dân vùng ô nhiễm...

Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát cũng đã trao đổi làm rõ một số vướng mắc kiến nghị của tỉnh Bình Thuận.

Đồng thời yêu cầu tỉnh Bình Thuận hoàn chỉnh báo cáo, đề xuất kiến nghị cụ thể gửi cho Đoàn giám sát, để Đoàn tổng hợp các kiến nghị của tỉnh trình Quốc hội xem xét giải quyết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục