Tiếp tục Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, tại phiên họp chiều 27/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2020; việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong hai năm 2019-2020.
Bên lề Kỳ họp, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Như Ý, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh đã trao đổi một số ý kiến với phóng viên TTXVN.
Theo đại biểu, tình hình dịch COVID-19 tiếp tục kéo dài và diễn biến phức tạp, do vậy, dự báo nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội sẽ tăng lên trong năm 2021 cũng như những năm tiếp theo.
Báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra đã nêu cần có dự liệu về hệ quả pháp lý và thực tiễn của việc triển khai do tình hình ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Vì vậy, cần phân tích cho rõ hơn để có những giải pháp hiệu quả trong thời gian tới.
Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý cho biết phần lớn người lao động đăng ký bảo hiểm thất nghiệp mới chỉ nhằm đến việc nhận tiền trợ cấp, ít quan tâm đến việc nhận sự tư vấn cũng như giới thiệu việc làm hay hỗ trợ học nghề.
Các địa phương, nhất ở địa bàn có nhiều khu công nghiệp như Đồng Nai hiện đang thiếu lao động, đặc biệt là trong thời điểm hiện nay, nguồn lao động đang rất thiếu, doanh nghiệp khó tuyển dụng, kể cả người lao động phổ thông.
Đại biểu đặt vấn đề: Tại sao số người hưởng trợ cấp thất nghiệp ngày càng tăng, trong khi số người được tư vấn, giới thiệu việc làm và được hỗ trợ học nghề ngày càng giảm? Cần làm rõ nguyên nhân tỷ lệ người lao động nhận sự tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề đạt tỷ lệ thấp, do tâm lý của người lao động hay do cách chúng ta tổ chức triển khai các ngành nghề trong các Trung tâm Dịch vụ việc làm không phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động.
[Bảo hiểm xã hội như 'của để dành' cho người lao động khi về hưu]
Báo cáo từ các cấp Công đoàn cho thấy nhiều doanh nghiệp vi phạm các chế độ chính sách đối với lại người lao động, trong đó có hành vi trốn đóng hoặc nợ kéo dài bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế của người lao động.
Chế tài đã được quy định trong Bộ luật Hình sự, song quy định về tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội vẫn còn mang định tính chung chung, dẫn đến cách hiểu khác nhau. Thực tế, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, chưa có một vụ việc nào cơ quan điều tra khởi tố theo Điều 216 Bộ luật Hình sự.
Từ những thực trạng nêu trên, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý tiếp tục kiến nghị sớm sửa đổi, bổ sung quy định về đại diện trong tố tụng để tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức Công đoàn, Công đoàn cấp trên đại diện cho người lao động khởi kiện doanh nghiệp đòi nợ bảo hiểm xã hội, bởi Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở vì rất nhiều lý do khác nhau, không thể đứng ra khởi kiện.
Đại biểu kiến nghị Chính phủ sớm ban hành văn bản hướng dẫn quy trình, thủ tục để cơ quan Bảo hiểm Xã hội và tổ chức Công đoàn tổ chức đại diện cho người lao động tham gia tố tụng theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 nhằm phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm.
Năm 2019, Hội đồng Thẩm phán đã có Nghị quyết 05. Tuy nhiên, đến nay chưa thể gỡ vướng về mặt thủ tục tố tụng. Vì vậy, đến thời điểm này, việc khởi kiện đối với lại hành vi trốn đóng theo Điều 216 của Bộ luật Hình sự vẫn chưa thể áp dụng trên thực tế./.