Sau những ngày phải sơ tán đến nơi trú ẩn do thảm họa sóng thần, người dân ở khu dân cư ven bờ biển Anyer thuộc tỉnh Banten, Indonesia, đã bắt đầu trở về nhà để dọn dẹp nhà cửa và dần ổn định cuộc sống.
Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, người dân trở về nhà để tìm kiếm những đồ vật còn dùng được, sửa chữa nhà cửa, sân, đường ngõ…để cuộc sống thường nhày nhanh chóng trở lại.
Cô Nurlismawati, nhà bên bờ biển Anyer chia sẻ: "Lúc đêm, tôi đang nằm với cháu tôi thì nước bỗng ập qua cửa sổ này vào chỗ chúng tôi nằm, hai đợt sóng rất lớn, nước ngập lên ngang người tôi... thật kinh hoàng. Nhưng giờ tất cả đã qua, nhà tôi rất may là không bị sập, chỉ bị hư hỏng đồ đạc và bùn đất tràn vào nhà, chúng tôi muốn mau chóng dọn dẹp nhà cửa để sinh sống bình thường."
Trong khi đó, ông Hendar cho biết: "Tôi đã sống ở đây hơn 30 năm qua, lần đầu tiên có những cơn sóng dữ dằn như thế, bố mẹ tôi cũng sống ở đây nhưng chưa bao giờ có chuyện này. Chúng tôi đã tạm lánh lên núi ở nhà họ hàng, nay đã an toàn nên chúng tôi trở về nhà để thu dọn nhà cửa, đường xá, chúng tôi cũng được chính quyền cử người giúp để dọn đường, dọn đá tràn vào sân, sửa chữa nhà cửa và ổn định cuộc sống."
[Sóng thần ở Indonesia: Việc tìm kiếm nạn nhân gặp khó do mưa nhiều]
Trong ngày 25/12, Cơ quan quản lý thiên tai quốc gia Indonesia (BNPB) đã công bố vụ sóng thần ở khu vực eo biển Sunda ở mức thảm họa cấp địa phương, đồng thời khẳng định chính quyền địa phương hoàn toàn có đủ năng lực để đối phó với tác động của thảm họa.
Mặc dù không phải là thảm họa quốc gia, nhưng chính phủ trung ương vẫn tăng cường hỗ trợ hậu cần cho vùng bị ảnh hưởng.
Dựa trên mức độ ảnh hưởng và thiệt hại thực tế của các khu vực chịu tác động nghiêm trọng nhất của sóng thần, BNPB tuyên bố thiết lập thời gian ứng phó khẩn cấp ở tỉnh Banten là 14 ngày (từ ngày 22/12/2018 đến 4/1/2019) và ở Lampung là 7 ngày (từ ngày 23-29/12). Đây là 2 khu vực chịu tác động tồi tệ nhất của sóng thần.
Chính quyền địa phương được sự hỗ trợ của chính phủ tiếp tục triển khai các lực lượng khắc phục hậu quả thiên tai, bao gồm cảnh sát, lực lượng tìm kiếm cứu nạn, BNBP, Hội Chữ thập đỏ...
Các thiết bị hạng nặng cũng đã được đưa đến giúp người dân dọn dẹp đường xá bị những tảng đá lớn do sóng thần đánh sâu vào đất liền, những cây lớn đổ chắn ngang đường, những chiếc ô tô bị mắc kẹt, những đống đổ nát của các ngôi nhà bị sập.
Tính đến trưa 25/12 đã có 429 người chết, 1.485 người bị thương, 154 người mất tích và 16.082 người đã phải di dời. Về thiệt hại vật chất, 882 ngôi nhà, 73 biệt thự, khách sạn, 60 cửa hàng, 1 cầu tàu bị hư hỏng, trong khi 434 tàu thuyền vaf 65 phương tiện giao thông như ô tô, xe máy bị phá hỏng.../.