Rạng sáng 28/5 (theo giờ Việt Nam), tên lửa đẩy Falcon 9, của Tập đoàn thám hiểm công nghệ không gian SpaceX - Mỹ, đã đáp thành công xuống bệ đón trên Đại Tây Dương, sau khi hoàn thành sứ mệnh phóng một vệ tinh viễn thông lên quỹ đạo.
Đây là lần thứ tư tên lửa Falcon 9 của SpaceX "hạ cánh" thành công trên biển.
Theo thông báo của SpaceX, tên lửa đẩy Falcon 9 được phóng vào lúc 17 giờ 40 phút ngày 27/5 (giờ địa phương), từ căn cứ không quân Mũi Canaveral, bang Florida, Mỹ.
Sau 10 phút kể từ lúc rời bệ phóng, tầng thứ nhất của Falcon 9 đã tách ra và đáp thẳng xuống bệ đón trên một tàu không người lái ngoài khơi cách Florida 680km.
Tổng Giám đốc điều hành SpaceX, Elon Musk, cho biết tốc độ hạ cánh của tên lửa gần với thiết kế tối đa, việc hạ cánh vẫn chưa thật ổn định và vẫn còn nguy cơ đổ nghiêng.
Trong nhiệm vụ lần này, Falcon 9 đã đưa thành công vệ tinh Thaicom 8, nặng 3 tấn do hãng Orbital ATK chế tạo lên quỹ đạo. Vệ tinh này sẽ cung cấp dịch vụ truyền hình và thông tin dữ liệu cho khu vực Nam Á và Đông Nam Á trong 15 năm.
Đây là lần thứ 2 tên lửa của SpaceX hạ cánh thành công sau khi phóng vệ tinh, một bước tiến so với sứ mệnh tiếp tế cho Trạm Không gian Quốc tế (ISS) do quỹ đạo của vệ tinh xa hơn nhiều so với ISS.
Lần hạ cánh trên biển này của Falcon 9 đánh dấu thành công tiếp theo của tập đoàn công nghệ tư nhân SapceX, có trụ sở tại bang California, trong thử nghiệm tên lửa tái sử dụng, giúp tiết kiệm chi phí.
Trước đó, SpaceX đã hai lần thành công hạ cánh Falcon 9 trên biển hôm 9/4 và 6/5. Hồi tháng 12/2015, SpaceX cũng đã từng thành công cho tên lửa đáp xuống bệ đón sau khi đưa vệ tinh vào không gian, nhưng đó là lần hạ cánh trên mặt đất tại căn cứ Mũi Canaveral.
SpaceX thành lập năm 2002, thuộc sở hữu của tỷ phú Internet Elon Musk. Chuyến bay thử nghiệm chở hàng thành công vào tháng 5/2012 của SpaceX đã đánh dấu sự kiện lần đầu tiên tàu vũ trụ của một tập đoàn tư nhân lên Trạm ISS./.