Vắcxin Sputnik V ngừa COVID-19 của Nga là loại vắcxin phổ biến thứ hai trên thế giới được các cơ quan quản lý dược phẩm quốc gia các nước phê duyệt sử dụng.
Thông tin này đã được công bố trên trang Twitter chính thức của Sputnik V.
Thông báo của các nhà phát triển Sputnik V nêu rõ: "Sputnik V hiện là vắcxin ngừa COVID-19 phổ biến thứ hai trên thế giới xét về số lượng các quốc gia đã phê duyệt. Cảm ơn các bạn đã tin tưởng!"
[Dịch COVID-19: EU xem xét phê duyệt vắcxin Sputnik V của Nga]
Hiện tổng dân số của 45 quốc gia đăng ký vắcxin Sputnik V đã vượt quá 1,2 tỷ người.
Vắcxin COVID-19 phổ biến nhất thế giới hiện nay là vắcxin của hãng dược phẩm AstraZeneca với 49 quốc gia đã cấp phép sử dụng.
Xếp thứ 3 sau Sputnik V là vắcxin của hãng Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) với 43 quốc gia đã cấp phép sử dụng.
Tiếp theo là vắcxin Moderna (19 nước) cũng như 3 loại vắcxin của Trung Quốc là Sinopharm, Sinovac và CanSino, lần lượt được cấp phép tại 18, 16 và 4 nước.
Vắcxin Johnson&Johnson đứng ở vị trí thứ 8, được 4 quốc gia chấp thuận.
Nga đã cấp phép sử dụng Sputnik V hồi tháng 8/2020 và giai đoạn thử nghiệm sau cùng bắt đầu vào tháng 9.
Đến tháng 12, Nga triển khai chương trình tiêm chủng sử dụng vắcxin Sputnik V trên diện rộng sau khi kết quả các cuộc thử nghiệm sơ bộ cho thấy vắcxin này đạt hiệu quả tới 91,4%.
Tính đến nay, hơn 2 triệu người Nga đã được tiêm chủng ít nhất mũi đầu của vắcxin Sputnik V.
Các nhà khoa học Nga tuyên bố một thử nghiệm nhằm kiểm tra hiệu quả của việc tiêm nhắc lại vắcxin Sputnik V phòng COVID-19 để bảo vệ cơ thể trước những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đã cho những kết quả rất khả quan.
Theo chuyên gia Denis Logunov, Phó Giám đốc Viện Gamaleya, đơn vị phát triển vắcxin Sputnik V, nghiên cứu do trung tâm này thực hiện tại Nga cho thấy việc tiêm nhắc lại vắcxin Sputnik V có hiệu quả phòng ngừa các biến thể mới của virus rất hiệu quả, đặc biệt là các biến thể được phát hiện ở Anh và Nam Phi.
Các loại vắcxin phòng COVID-19 như Sputnik V hay vắcxin của hãng AstraZeneca là các loại vắcxin tái tổ hợp, được phát triển dựa trên việc sử dụng những virus SARS-CoV-2 đã bị giảm độc lực như những công cụ mang thông tin di truyền, giúp cơ thể xây dựng hệ miễn dịch để tránh nguy cơ bị nhiễm virus trong tương lai.
Ông Logunov khẳng định thử nghiệm chỉ ra rằng việc tiêm nhắc lại vắcxin Sputnik V, với cùng loại virus đã bị giảm độc lực (giống những mũi tiêm trước), không hề tác động tới hiệu quả phòng ngừa của vắcxin./.