Theo AFP/Reuters/Đài RFI, sáng 13/7, Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa đã rời khỏi đất nước để tới Maldives. Đây là một động thái “mào đầu” cho việc ông từ chức sau khi các cuộc biểu tình phản đối cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất từ trước đến nay của quốc đảo này diễn ra trong nhiều tháng.
Cuộc tháo chạy mệt mỏi của Tổng thống
Sau khi tới Maldives, ông Rajapaksa đã chỉ định Thủ tướng Ranil Wickremesinghe làm quyền tổng thống. Ông Rajapaksa hứa sẽ từ chức vào ngày 13/7 và dọn đường cho một "quá trình chuyển giao quyền lực một cách hòa bình" sau khi bỏ trốn khỏi dinh thự chính thức của ông ở Colombo, ngay trước khi bị hàng chục nghìn người biểu tình bao vây.
Với tư cách là tổng thống, Rajapaksa được hưởng quyền miễn trừ bị bắt giữ, và ông được cho là đã muốn ra nước ngoài trước khi từ chức để tránh khả năng bị giam giữ. Theo một quan chức sân bay ở Male, khi đến Maldives, họ được đưa đến một địa điểm không được tiết lộ dưới sự hộ tống của cảnh sát.
Thủ tục xuất cảnh của nhà lãnh đạo 73 tuổi từng được gọi là “Kẻ hủy diệt” đã bị cản trở trong hơn 24 giờ trong một cuộc đối đầu “nhục nhã” với các nhân viên nhập cư ở Colombo.
Ông đã muốn bay đến Dubai trên một chuyến bay thương mại, nhưng nhân viên của sân bay quốc tế Bandaranaike đã yêu cầu ông rời khỏi dịch vụ VIP và khẳng định rằng tất cả hành khách phải đi qua quầy công cộng.
Một quan chức an ninh cho biết tổng thống không muốn đi qua các làn thông thường vì sợ phản ứng của công chúng, và kết quả là ông đã bỏ lỡ 4 chuyến bay hôm 11/7 mà lẽ ra có thể đưa ông đến Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Một quan chức an ninh cho biết việc thông quan cho chuyến bay quân sự hạ cánh xuống nước láng giềng gần nhất là Ấn Độ không được bảo đảm ngay lập tức, và đến ngày 12/7, ông Rajapaksa và gia đình đã hướng đến một căn cứ hải quân với mục đích chạy trốn bằng đường biển.
[Sri Lanka: Đảng trong liên minh cầm quyền từ chối tham gia bầu cử]
Ngày 14/7, ông Rajapaksa và gia đình lên máy bay của hãng hàng không Arab Saudi từ Maldives đến Singapore, nơi ông dừng chân lâu nhất kể từ khi chạy ra nước ngoài giữa khủng hoảng kinh tế-chính trị của đất nước.
Vài giờ sau khi hạ cánh ở đảo quốc Đông Nam Á, Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa gửi email từ chức tới Chủ tịch Quốc hội, kết thúc hơn ba năm nắm quyền.
Tháng trước, Tổng thống Rajapaksa đã tuyên bố sẽ ở lại cho đến khi nhiệm kỳ 5 năm của ông kết thúc vào năm 2024, bất chấp sự tức giận của người dân đối với sự lãnh đạo của ông. Hàng nghìn người Sri Lanka đã xông vào dinh thự của ông hôm 9/7, buộc ông phải đi ẩn náu và đồng ý chuyển giao quyền lực.
Sự kiện người dân tràn vào dinh tổng thống ngày 9/7 sẽ lưu lại trong lịch sử Sri Lanka. Việc Tổng thống Rajapaksa từ chức theo như kế hoạch vào ngày 13/7 sẽ chấm dứt nhiều thập niên cai trị của gia tộc Rajapaksa và mở ra “một chân trời mới.” Đây là điều kiện “cần” nhưng chưa “đủ” vì theo báo chí Sri Lanka, “con đường dài và ghập ghềnh hướng đến phục hồi kinh tế” mới chỉ bắt đầu.
Phe đối lập khó khăn trong việc thành lập chính phủ
Ngày 15/7, Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka Mahinda Yapa Abeywardena cho biết ông đã xác thực và chấp nhận đơn từ chức của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa.
"Tôi đã chấp nhận đơn từ chức", ông Abeywardena thông báo ngày 15/7. Ông nói thêm rằng ông Rajapaksa đã "từ chức hợp pháp", và việc từ chức có hiệu lực từ ngày 14/7.
"Từ thời điểm này, chúng ta sẽ chuyển sang quy trình chọn tổng thống mới theo hiến pháp. Tôi hy vọng quy trình bầu ra tổng thống mới sẽ hoàn thành trong bảy ngày", ông Abeywardena cho biết thêm.
Theo Hiến pháp Sri Lanka, Thủ tướng Ranil Wickremesinghe trở thành quyền tổng thống cho đến khi Quốc hội có thể chọn ra người kế nhiệm ông Rajapaksa cho khoảng thời gian còn lại trong nhiệm kỳ của ông.
Khó khăn đầu tiên là ổn định lại cỗ máy điều hành đất nước. Cuộc bầu cử tổng thống được dự kiến diễn ra vào ngày 20/7. Đây là thời gian quá gấp rút cho các đảng đối lập nhỏ đàm phán đề cử gương mặt xứng đáng. Tiếp theo là việc thành lập chính phủ đa đảng mới, được trang The Hindu đánh giá là “một trọng trách rất khó khăn do phe đối lập Sri Lanka bị chia rẽ và nhiều đảng đối lập, dù có hợp lực, cũng không có đa số trong nghị viện.”
Ngược lại, đảng của gia tộc Rajapaksa (Sri Lanka Podujana Peramuna), chiếm đa số ở nghị Viện, “từ chối 'hạ mình' trước phe đối lập” vì muốn đưa người lên thay thế. Theo nhận định của Nishan de Mel, giám đốc tổ chức Verité Research ở Colombo, được tờ “Le Monde” (Pháp) trích dẫn, “đây là mối đe dọa lớn nhất cho sự ổn định của Sri Lanka.”
“Thừa hưởng” đất nước phá sản
Trong trường hợp phe đối lập thành lập được chính phủ và được các nghị sỹ ủng hộ, họ sẽ kế thừa một nền kinh tế đang sụp đổ và không có biện pháp mầu nhiệm nào. Thực vậy, Sri Lanka chìm trong khủng hoảng từ nhiều năm qua.
Du lịch, lĩnh vực mang lại nguồn ngoại tệ cho hòn đảo, bị thất thu vì hàng loạt vụ khủng bố dịp lễ Phục Sinh năm 2019 (khiến ít nhất 156 người chết), tiếp theo là đại dịch COVID-19. Ngoài ra phải kể đến hàng loạt thất sách được chính quyền triển khai trong khi không có biện pháp bổ trợ: giảm thuế mạnh vào tháng 12/2019 khiến ngân sách nhà nước mất 1/3 nguồn thu; đột ngột cấm nhập khẩu hóa chất vào tháng 4/2021 với lý do chuyển đổi sang nông nghiệp sạch khiến mất mùa.
Tuy nhiên, theo “Le Monde”, nguyên nhân sâu xa đẩy Sri Lanka ngập chìm trong nợ bắt nguồn từ những năm 2005-2015 dưới thời Tổng thống Mahinda Rajapaksa, anh cả của tổng thống vừa bị lật đổ, khi các khoản vay tín dụng của Trung Quốc để xây dựng những dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ, bị coi là vô dụng.
Đến tháng 4/2022, chính quyền Colombo tuyên bố mất khả năng thanh toán nợ để tập trung vào nhập khẩu những mặt hàng thiết yếu nhưng vẫn không cải thiện được tình hình. Theo tờ “Sunday Times” ngày 10/7, trong 4 năm tới, Sri Lanka phải thanh toán nợ hơn 4 tỷ USD hàng năm. Chính phủ mới sẽ phải làm như nào để vừa bảo đảm nguồn cung nhu yếu phẩm cho người dân, vừa phải đàm phán nợ với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)?
Cải tổ bộ máy quản lý kinh tế theo yêu cầu của IMF?
Theo phân tích của nhà sử học Eric-Payl Meyer, chuyên về Sri Lanka, trên đài RFI ngày 12/7, trước mắt “Ấn Độ sẵn sàng hỗ trợ về xăng dầu, lương thực hoặc phân bón nhưng trong một chừng mực nhất định.”
Trung Quốc khẳng định vẫn viện trợ nhân đạo khẩn cấp cho người dân Sri Lanka từ nhiều tháng nay và tiếp tục theo sát những diễn biến mới nhất ở nước láng giềng. Ở quy mô rộng hơn, đất nước trong tình trạng phá sản sẽ phải đàm phán ở thế yếu với các định chế tài chính quốc tế, như với IMF, về vấn đề nợ. Sri Lanka sẽ phải “thắt lưng buộc bụng” - cải tổ bộ máy quản lý kinh tế theo những yêu cầu của “chủ nợ” và điều này có thể gây rạn nứt trong nội bộ các chính đảng đối lập dù hiện tại tất cả đều sẵn sàng tìm giải pháp giúp đất nước thoát khỏi khủng hoảng.
Trung Quốc - vốn bị coi là nguyên nhân sâu xa đẩy Sri Lanka ngập trong nợ - dường như muốn "phủi tay," đẩy trách nhiệm cho các định chế tài chính quốc tế như IMF và Ngân hàng Thế giới. Theo các nhà quan sát Trung Quốc, được tờ “Thời báo Hoàn Cầu” trích dẫn ngày 11/7, các chủ nợ thương mại và các tổ chức tài chính đa phương là những người cho vay chính đằng sau khối nợ nước ngoài của Sri Lanka.
Cuối cùng, để tránh xảy ra thêm một cuộc chiếm dinh tổng thống, tầng lớp chính trị gia và lãnh đạo Sri Lanka cần phải cải thiện được niềm tin của người dân. Biện pháp được nhà chính trị học người Sri Lanka Jayadeva Uyangoda đưa ra là “phải tổ chức cuộc bầu cử lập pháp mới để nghị viện phản ánh được ý kiến của xã hội và để chính phủ mới có được sự ủng hộ của người dân nhằm triển khai những cải cách của IMF.”
Bhavani Fonseka, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm về các sự lựa chọn chính sách có trụ sở tại Colombo, nhận định: “Sri Lanka đang bước vào một thời kỳ bất định, chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến mức độ biến động như vậy. Trừ phi cả tổng thống và thủ tướng từ chức, sự bất ổn này sẽ kéo dài hơn nữa. Những gì chúng ta đang thấy cho đến nay sẽ chẳng là gì so với những điều có thể xảy ra tiếp theo”./.