Sự cố Boeing 737 MAX: FAA khẳng định quy trình cấp phép đạt chuẩn

Loại máy bay Boeing 737 MAX chỉ vừa mới được đưa vào sử dụng từ tháng 5/2017 để cạnh tranh với dòng máy bay A320 Neo của Airbus.
Máy bay 737 MAX 9 của Boeing trình diễn tại Triển lãm hàng không quốc tế Paris ở Le Bourget, ngoại ô Paris, Pháp, ngày 22/6/2017. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Máy bay 737 MAX 9 của Boeing trình diễn tại Triển lãm hàng không quốc tế Paris ở Le Bourget, ngoại ô Paris, Pháp, ngày 22/6/2017. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 17/3, Cơ quan Hàng không dân dụng Liên bang Mỹ (FAA) khẳng định tuân thủ mọi quy trình tiêu chuẩn khi cấp phép sử dụng với dòng máy bay 737 MAX của hãng Boeing.

Các quy trình được thiết kế chặt chẽ và đều đã cho ra những mẫu thiết kế máy bay an toàn. Tuy nhiên, việc vụ tai nạn của hãng hàng không Ethiopia Airlines khiến 157 người thiệt mạng hôm 10/3 vừa qua có nhiều điểm tương đồng với vụ tai nạn của hãng Lion Air hồi tháng 10/2018 khiến 189 người thiệt mạng đã làm dấy lên không ít hoài nghi về quy trình cấp phép sử dụng cho dòng máy bay 737 MAX.

Loại máy bay này chỉ vừa mới được đưa vào sử dụng từ tháng 5/2017 để cạnh tranh với dòng máy bay A320 Neo của Airbus.

[Boeing 737 Max và nghi vấn nhà sản xuất mắc lỗi chết người]

Cũng trong ngày 17/3, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Ethiopia Dagmawit Moges cho biết quá trình nghiên cứu dữ liệu chuyến bay gặp nạn của hãng Eithiopia Airlines chỉ ra những đặc điểm tương đồng rõ ràng giữa hai vụ tai nạn.

Các nhà điều tra vụ máy bay của hãng Lion Air rơi xuống biển hồi tháng 10/2018 tập trung phân tích nguyên nhân có thể do lỗi hệ thống đặc tính truyền động tăng cường (MCAS) vốn được Boeing đưa vào mẫu 737 MAX để ngăn chặn khả năng máy bay mất độ cao trong trường hợp tốc độ bay chậm nhưng mũi máy bay lại hướng lên quá cao, gây mất lực nâng.

Các chuyên gia bắt đầu nghi ngờ qui trình cấp phép của FAA sau khi phát hiện ra rằng hệ thống này đã nhận không ít phản ánh có vấn đề nghiêm trọng từ các phi công Mỹ.

Báo Seattle Times ngày 17/3 đưa tin FAA đã ủy quyền một phần quy trình cấp phép máy bay (trong đó bao gồm phần đánh giá với hệ thống MCAS) cho các kỹ sư của Boeing. Seattle là nơi đặt địa điểm chế tạo các máy bay của Boeing.

Báo này còn cho rằng những phân tích an toàn đầu tiên được Boeing gửi tới FAA có chứa nội dung nêu rõ "một số thiếu sót cơ bản." Tờ báo này còn cáo buộc qui trình cấp phép đã được tiến hành "vội vã" vì khi đó Boeing cần nhanh chóng tung dòng máy bay này ra thị trường để cạnh tranh với A320 Neo của Airbus.

FAA đã từ chối bình luận về các thông tin trên báo Seattle Times và cho biết quá trình điều tra vẫn đang được tiến hành.

Trong thông báo gửi tới báo Seattle Times, Boeing khẳng định FAA đã xem xét cấu hình cuối cùng cũng như những chỉ số vận hành của MCAS trong quá trình đánh giá và đưa ra kết luận hệ thống đáp ứng tất cả các yêu cầu cấp phép và quản lý.

Từ năm 2009, do áp lực cắt giảm ngân sách hoạt động, FAA đã ủy quyền một số giai đoạn trong qui trình cấp phép cho các nhà sản xuất máy bay hoặc cho các chuyên viên bên ngoài.

FAA cũng bảo vệ cơ chế ủy quyền này và khẳng định rằng 737 MAX đã trải qua nhiều cuộc kiểm tra và đánh giá kỹ càng cùng với sự tham vấn các cơ quan hàng không khác trước khi được cấp phép.

Một nguồn tin cho biết Chủ tịch Ủy ban Giao thông và cơ sở hạ tầng của Hạ viện Mỹ Peter DeFazio đang lên kế hoạch điều tra qui trình cấp phép sử dụng cho dòng 737 MAX.

Trong khi đó, báo Wall Street Journal đưa tin Bộ Giao thông Mỹ đang tiến hành điều tra qui trình cấp phép của FAA. Cuộc điều tra tập trung vào đánh giá liệu FAA có tuân theo các tiêu chuẩn và phân tích kỹ thuật phù hợp trong quá trình chứng nhận hệ thống MCAS hay không. Hiện thông tin này chưa được FAA hay Bộ Giao thông Mỹ xác nhận.

Tuy nhiên, hai quan chức cho rằng việc bộ trên điều tra một vấn đề nghiêm trọng liên quan tới an toàn tính mạng con người là không bất ngờ.

Máy bay Boeing 737 MAX 8 mang số hiệu ET 302 của Hãng hàng không Ethiopian Airlines đã gặp nạn ngày 10/3 khi đang trên hành trình từ thủ đô Addis Ababa của Ethiopia đến thủ đô Nairobi của Kenya.

Máy bay đã bị rơi chỉ 6 phút sau khi cất cánh từ sân bay quốc tế Bole, khiến toàn bộ 149 hành khách và 8 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng. Đây là vụ tai nạn thảm khốc thứ hai trong vòng 5 tháng qua liên quan đến dòng máy bay này.

Trong vụ tai nạn ngày 29/10/2018, máy bay Boeing 737 MAX của Hãng hàng không Lion Air (Indonesia) lao xuống biển cũng sau vài phút cất cánh khiến toàn bộ 189 người trên máy bay thiệt mạng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Ukraine

Chuyến thăm của ông Austin diễn ra vào thời điểm Ukraine kêu gọi các đồng minh phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa và xem xét đẩy nhanh quá trình Ukraine gia nhập NATO.