Sự cố Kênh đào Suez: Bộ Công Thương đưa ra giải pháp điều tiết

Cùng với tình trạng khan hiếm container, giá cước tàu biển tăng cao do tác động của dịch COVID-19, sự cố tại Kênh Suez góp phần làm tăng thêm các khó khăn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam.
2 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu 7,5 tỷ USD và nhập khẩu từ thị trường này 3,1 tỷ USD. (Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+)

Bộ Công Thương đã chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập theo dõi sát tiến độ giải phóng tàu Ever Given để thông tin kịp thời đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Giao thông vận tải nắm tiến độ giao hàng, làm hàng tại các cảng đầu mối để có biện pháp điều tiết cần thiết trong trường hợp sự cố tại Kênh Suez kéo dài.

Đây là giải pháp được cơ quan này đưa ra trước việc siêu tàu Ever Given mắc kẹt tại kênh đào Suez, khiến thông thương giữa nhiều quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trước đó,  ngày 23/3, tàu của Ever Given (một trong những tàu container lớn nhất thế giới) trên đường di chuyển từ châu Á sang châu Âu đã bị mắc cạn khi di chuyển qua Kênh đào Suez. Sự việc này  khiến việc di chuyển của các con tàu khác theo cả hai hướng trên Kênh đào Suez đều bị dừng lại, gây ùn tắc tại khu vực này.

Trong trường hợp việc giải phóng tàu Ever Given kéo dài, nếu các tàu đi vòng qua Mũi Hảo vọng (Nam Phi) sẽ khiến hành trình từ châu Á tới châu Âu kéo dài thêm 2 tuần, làm chi phí gia tăng đáng kể.

[Thiệt hại khôn lường trong vụ mắc kẹt siêu tàu ở kênh đào Suez]

Như vậy, cùng với tình trạng khan hiếm container, giá cước tàu biển tăng cao do tác động của dịch COVID-19, sự cố tại Kênh Suez góp phần làm tăng thêm các khó khăn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam.

Vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng, Bộ Công Thương cũng lưu ý các doanh nghiệp chủ động nâng cao khả năng thích ứng, chịu đựng trước những biến động khắc nghiệt của thị trường. Đa dạng hóa và lên phương án dự phòng cho những trường hợp khẩn cấp để có thể giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất khi có tình huống bất lợi xảy ra./.

Năm 2020, Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu với kim ngạch 43,7 tỷ USD và nhập khẩu từ thị trường này 18,5 tỷ USD. Riêng 2 tháng đầu năm 2021, con số xuất khẩu là 7,5 tỷ USD và nhập khẩu 3,1 tỷ USD, tương ứng với tốc độ tăng trưởng 18% và 12%.

Ngoài một khối lượng nhỏ hàng hóa được vận chuyển bằng đường hàng không và đường sắt, về cơ bản hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với châu Âu vẫn được vận chuyển bằng đường biển, đi qua Kênh Suez. Do vậy, việc Kênh bị ngừng lưu thông sẽ có ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam với châu Âu.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục