Mạng tin asiatimes đưa tin, dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (COVID-19) và cuộc chiến giá dầu giữa Saudi Arabia và Nga đang làm gián đoạn thị trường dầu mỏ thế giới, tuy nhiên “sự kết thúc của thời kỳ dầu mỏ” vẫn còn xa.
Đó là ý kiến của Afshin Molavi, một nhà nghiên cứu kỳ cựu tại Viện Chính sách Đối ngoại của Trường Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Johns Hopkins, trong bài bình luận mới đây đăng trên mạng tin Asia Times.
Dưới đây là nội dung chi tiết:
Bạn có nhớ giá dầu từng lên tới 165 USD/thùng? Câu hỏi này có thể khiến các giám đốc điều hành trong ngành công nghiệp dầu mỏ và các nhà sản xuất dầu của Trung Đông phải hoài niệm quá khứ, sau khi giá dầu thô giảm mạnh vì các cuộc đàm phán giữa Saudi Arabia, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga trong tháng này bị đổ vỡ và nhu cầu dầu mỏ trên toàn cầu sụt giảm vì đại dịch COVID-19.
Thật khó để tưởng tượng rằng giá dầu thô Brent - giá dầu tiêu chuẩn toàn cầu - từng ở mức 165 USD hồi tháng 6/2008, chỉ ngay trước khi cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ lan rộng ra toàn cầu và khiến các thị trường trên thế giới nổ tung.
Những ngày tháng đó đã qua từ lâu. Trên thực tế, phần lớn các nhà sản xuất dầu mỏ sẽ rất vui mừng nếu giá dầu chỉ cần quay trở lại mức 65 USD, chứ chưa cần tới mức 165 USD. Dầu thô Brent hiện có giá khoảng 30 USD/thùng.
Tuy nhiên, điều quan trọng đầu tiên cần cân nhắc đó là dầu mỏ vẫn đóng vai trò vô cùng to lớn đối với nền kinh tế toàn cầu.
Điều này chắc chắn sẽ không thay đổi trong thập kỷ tiếp theo và xa hơn nữa, cho dù ngày càng có nhiều quan ngại về nhiên liệu hóa thạch cũng như tình trạng biến đổi khí hậu, và người ta cũng nói nhiều tới một tương lai hậu carbon.
Đúng như vậy, điều đó có thể sẽ xảy ra nhưng chắc chắn không phải trong thế hệ của chúng ta, những người đang đọc bài viết này.
Cho dù đạt được bước đột phá trong lĩnh vực xe ôtô điện (không hoàn toàn chắc chắn), phần lớn những chiếc xe này vẫn cần sạc điện - nguồn điện được tạo ra bằng cách đốt nhiên liệu hóa thạch, do đó dầu mỏ vẫn đóng vai trò quan trọng.
[Giá dầu Brent đã chạm mức đáy kể từ tháng 11/2002]
Khoảng 40% của một thùng dầu sẽ được dùng để sản xuất xăng nhằm cung cấp nguyên liệu cho ôtô.
Phần còn lại được sử dụng cho những thứ như nhiên liệu cho máy bay, đồ nhựa và các chất hóa dầu. Những chất hóa dầu này là thành phần quan trọng để chế biến phân bón sử dụng trong trồng trọt nhằm cung cấp lương thực cho hành tinh 7,7 tỷ dân của chúng ta.
Mỗi ngày thế giới tiêu thụ khoảng 97 triệu thùng dầu. Đến năm 2030, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), thế giới có khả năng tiêu thụ tới 105 triệu thùng dầu mỗi ngày.
Cho dù nhu cầu năng lượng không tăng lên trong những năm 2030, như dự đoán của nhiều người, dầu mỏ vẫn tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu những năm 2040.
Tất cả những điều kể trên là những tin tức tốt lành (trong dài hạn) đối với Trung Đông, các nhà sản xuất dầu mỏ của Nga và Mỹ, cho dù rất khó nhìn thấy tia hy vọng trong những đám mây đen hiện nay.
Dù sao, ngân sách quốc gia của phần lớn các nước trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh vẫn phải phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu dầu mỏ và nhiều nhà sản xuất dầu mỏ và khí đốt khác của khu vực cũng như vậy, trong khi triển vọng trong ngắn hạn dường như không được sáng sủa.
Chúng ta đang đi về đâu? Ba cơ quan hàng đầu trong lĩnh vực dự báo thị trường dầu mỏ - IEA, Cơ quan Thông tin Năng lượng đặt tại Mỹ và OPEC - đều dự đoán sẽ có sự dư thừa lớn trong thị trường dầu mỏ toàn cầu trong suốt năm 2020.
Điều này một phần là bởi Saudi Arabia và Nga - hai trong số ba quốc gia sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới- tăng năng suất, và có thể quan trọng hơn là vì dịch COVID-19 làm giảm nhu cầu dầu mỏ của thế giới.
Nhu cầu về dầu mỏ trong năm 2020 sẽ giảm mạnh và theo một phân tích của công ty tư vấn dầu mỏ toàn cầu Rapidan Energy, nguồn cung dầu mỏ từ các nước không thuộc OPEC được cho là sẽ vượt quá nhu cầu về dầu mỏ từ 1,7 triệu tới 2,2 triệu thùng dầu mỗi ngày. Đây là vấn đề kinh tế cơ bản nhất: cung vượt quá cầu sẽ khiến giá giảm.
Robin Mills, một nhà phân tích dầu mỏ hàng đầu làm việc tại Dubai và là người phụ trách một chuyên mục của Syndication Bureau, nói: “Dầu mỏ chắc chắn sẽ còn giảm giá dài và đầy đau đớn. Giá cả chắc chắn sẽ còn thấp nữa, và sau đó sẽ phục hồi chậm.”
Mill, cũng giống như các nhà phân tích khác, cho rằng việc giá dầu giảm là do “nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh và tích lũy dư thừa dầu mỏ,” đồng thời tin rằng điều này sẽ là một đòn giáng mạnh đối với thị trường dầu mỏ, cho dù là không có cuộc chiến giá dầu giữa Saudi Arabia và Nga.
Ông nói: “Sẽ khó có thể chứng kiến giá dầu trở lại mức 60-80 USD trong một thời gian nữa.”
Vấn đề liên quan tới dầu mỏ thu hút nhiều nhất sự chú ý của thập kỷ trước đó là việc Mỹ tăng khả năng sản xuất dầu, đưa Mỹ lên vị trí quốc gia sản xuất dầu lớn nhất của thế giới.
Tuy nhiên, Fareed Mohamedi, một chuyên gia kỳ cựu trong ngành công nghiệp dầu mỏ làm việc tại Washington, đã nhận ra vấn đề của các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ. Ông nói: “Nhiều công ty sản xuất dầu đá phiến sẽ phá sản.”
Mặc dù điều này có thể đúng, song ngành công nghiệp dầu của Mỹ sẽ vẫn vững mạnh. Cho dù chi phí sản xuất mỗi năm đều giảm, song chi phí sản xuất dầu đá phiến của Mỹ vẫn đắt hơn nhiều so với ở Trung Đông hay Nga
Giá dầu giảm khiến các nhà sản xuất dầu đá phiến độc lập chịu sức ép lớn hơn. Do đó, không phải tất cả các công ty sản xuất dầu đá phiến có thể tồn tại.
Bên cạnh đó, Mohamedi lưu ý rằng "thời kỳ lãng mạn" của Phố Wall với các nhà sản xuất dầu đá phiến đã kết thúc. Rất nhiều nguồn tài chính đã cạn kiệt và sẽ tiếp tục cạn kiệt.”
Mặc dù các công ty năng lượng lớn có thể có đủ tài chính để duy trì hoạt động, song các nhà sản xuất dầu đá phiến thì không. Không có tài chính, họ sẽ phá sản.
Cuối cùng, các thị trường dầu mỏ có thể sẽ ổn định trở lại bởi vì điều đó luôn xảy ra. Đại dịch COVID-19 sẽ được kiểm soát và nhu cầu dầu mỏ sẽ tăng trở lại. Tuy nhiên, điều đó sẽ xảy ra trong năm 2020 hay 2021, không ai có thể trả lời được.
Mặc dù các nhà phân tích và các nhà lý luận muốn được tuyên bố “kết thúc thời kỳ dầu mỏ,” song thị trường dầu mỏ vẫn âm thầm chuyển động, bất chấp những ý kiến bình luận của các chuyên gia và vẫn cung cấp nhiên liệu cho nền kinh tế hiện đại của chúng ta - ít nhất là trong vài thập kỷ tới./.