Sự khác biệt trong cách lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump

Không giống những người tiền nhiệm, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói những điều người khác sẽ không nói, công khai ủng hộ những thỏa hiệp mà ông biện minh là tốt nhất đối với lợi ích cốt lõi của Mỹ.
Sự khác biệt trong cách lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một sự kiện ở Washington DC., ngày 24/10. (Ảnh: THX/ TTXVN)

Theo AP, việc Tổng thống Donald Trump từ chối gây sức ép với Saudi Arabia về vụ mất tích của nhà báo Jamal Khashoggi đang làm dấy lên câu hỏi liệu việc đó có bám sát chính sách đối ngoại của ông hay không.

Trong quan hệ với Nga, với toàn châu Á và tuần này là với Trung Đông, ông Trump thường tỏ ra thoải mái, giảm nhẹ tính nghiêm trọng của những quan ngại về các vụ vi phạm nhân quyền và bác bỏ tầm quan trọng của vai trò lãnh đạo của Mỹ trong vấn đề đạo đức.

Nhà tỷ phú bất động sản này có khả năng để cho các lợi ích an ninh và tài chính của Mỹ tác động đến những lựa chọn và ngôn từ của ông.

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin AP hôm 16/10, ông Trump đã nhắc lại việc hoàng gia Saudi Arabia phủ nhận bất cứ sự liên quan nào đến vụ sát hại nhà báo Khashoggi và yêu cầu Mỹ tin tưởng họ.

"Tôi đã nói chuyện với thái tử Saudi Arabia. Anh ta nói rằng anh ta và cha của mình không biết gì về vụ đó. Và điều đó rất quan trọng," ông Trump nói.

Ông đã so sánh lời buộc tội trực tiếp nhắm vào Saudi Arabia trong vụ Khashoggi - người mà giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng đã bị giết tại lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul - với những cáo buộc tấn công tình dục đối với Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ Brett Kavanaugh trong phiên điều trần.

Ông Trump ám chỉ cả hai đều bị coi là "có tội cho đến khi được chứng minh vô tội."

Không nhiều nhà lãnh đạo Mỹ coi Saudi Arabia là vô can. Saudi Arabia đang tham gia một cuộc nội chiến đẫm máu ở Yemen, khiến hàng nghìn dân thường thiệt mạng và làm trầm trọng thêm nạn đói vốn đã cướp đi sinh mạng của nhiều người hơn thế.

Ở trong nước, chế độ quân chủ chuyên chế kiểm soát nghiêm ngặt những phát ngôn và trang phục, và các cơ quan an ninh của nước này bị cáo buộc thực hiện các vụ tra tấn.

[Tổng thống Mỹ Donald Trump lên án gay gắt vụ giết nhà báo Khashoggi]

Ông Trump đã tỏ ra không quan tâm đến việc lên án Saudi Arabia về vụ Khashoggi hay Tổng thống Nga Vladimir Putin về các vụ ám sát, hay nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un về các tù nhân chính trị.

Ở những nơi mà các tổng thống Mỹ trước đây thuộc cả hai đảng đã sử dụng nhiệm kỳ của mình để thúc đẩy các giá trị và lý tưởng của Mỹ - ngay cả khi hành động của họ không phù hợp - ông Trump hiếm khi nắm lấy cơ hội.

Thay vào đó, ông nói những điều người khác sẽ không nói, công khai ủng hộ những thỏa hiệp mà ông biện minh là tốt nhất đối với lợi ích cốt lõi của Mỹ.

Trả lời phỏng vấn kênh Fox Business News hôm 17/10, Tổng thống Donald Trump nói: "Chúng tôi sẽ không bỏ rơi Saudi Arabia. Tôi không muốn làm điều đó."

Ông Trump đã nói rõ rằng ông dành ưu tiên cho các vấn đề kinh tế của đất nước, chứ không phải đạo đức.

"Tôi không thích dòng tiền ồ ạt đang chảy vào nước Mỹ bị ngừng lại," Trump nói. "Tôi biết họ đang nói về các hình thức trừng phạt, nhưng Saudi Arabia đang chi 110 triệu USD để mua sắm vũ khí và những lĩnh vực tạo ra công ăn việc làm cho nước này. Tôi không thích ý tưởng dừng việc đầu tư 110 tỷ USD vào Mỹ."

Các trợ lý Nhà Trắng ám chỉ rằng mặc dù ông Trump miễn cưỡng chỉ trích công khai một số nhà lãnh đạo trên thế giới - đáng chú ý nhất là việc ông đã không chỉ trích Putin tại Hội nghị thượng đỉnh song phương ở Helsinki - ông đã sẵn sàng đưa ra những thông điệp cứng rắn đằng sau cánh cửa đóng chặt.

Các trợ lý đã chỉ rõ biện pháp trừng phạt của Trump đối với Kim Jong-un và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi, hai nhà lãnh đạo rốt cuộc đã trả tự do cho các công dân Mỹ bị họ giam giữ.

Tuy nhiên, cách tiếp cận của ông Trump không phù hợp với một số đồng minh đảng Cộng hòa của ông trong Quốc hội. Đảng Cộng hòa lâu nay vẫn bảo vệ ý tưởng nước Mỹ có nghĩa vụ thúc đẩy nhân quyền và các giá trị của Mỹ và thậm chí là can thiệp khi nước Mỹ bị thách thức. Một số nghị sỹ Cộng hòa đã kêu gọi Trump không từ bỏ quan điểm đó.

Thượng nghị sỹ John Kennedy, đảng viên đảng Cộng hòa đến từ bang Louisiana, nói: "Tôi sẵn sàng sắp xếp để Quốc hội ngồi lại với Tổng thống nếu việc này cuối cùng có tác dụng, và có vẻ như là vậy... và sẽ cho ý kiến về việc 'Làm thế nào chúng ta có thể lên tiếng chỉ trích mà không làm nổ tung Trung Đông?'" "Chính sách đối ngoại của chúng ta phải gắn liền với các giá trị."

Ông Trump bác bỏ quan điểm cho rằng ông kết bạn với các nhà độc tài, nhưng ông không thể hiện rằng sự lãnh đạo của Mỹ sẽ mở rộng ra ngoài biên giới Mỹ...

Quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia là phức tạp. Hai quốc gia gắn kết với nhau về các vấn đề năng lượng, quân sự, kinh tế và tình báo.

Chính quyền Donald Trump đã hăng hái kêu gọi Saudi Arabia ủng hộ chương trình nghị sự Trung Đông của Mỹ nhằm chống lại ảnh hưởng của Iran, đấu tranh chống chủ nghĩa cực đoan và cố gắng tiến tới hòa bình giữa Israel và Palestines.

Một chìa khóa cho chính quyền Mỹ là mối quan hệ giữa hai "thái tử" trẻ tuổi. Con rể của Trump, Jared Kushner và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman thường xuyên liên lạc với nhau, và mối quan hệ của họ đóng một vai trò ở Riyadh, chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du quốc tế đầu tiên của Tổng thống Trump hồi năm 2017.

Ông Trump, bất chấp việc đã phê chuẩn một sắc lệnh cấm nhập cảnh vào Mỹ đối với nhiều quốc gia Hồi giáo chiếm đa số, đã trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên thực hiện chuyến công du chính thức đầu tiên tới một quốc gia Hồi giáo.

Sự tiếp đón hết sức nồng nhiệt mà ông Trump nhận được ở Riyadh - bao gồm các màn múa kiếm, các tòa lâu đài được trang hoàng rực rỡ và những hình ảnh của ông được treo trên các tòa nhà và các biển báo đường cao tốc - đã tạo ra một khuôn mẫu để các nước chủ nhà học hỏi cách "tâng bốc" và "đón tiếp phô trương" dành cho nhà lãnh đạo Mỹ trong các chuyến công du trong tương lai.

Ông Trump nêu rõ: "Nếu bạn nhìn vào Saudi Arabia, họ là một đồng minh, và họ là đối tác mua sắm lớn (của Mỹ), không chỉ các trang thiết bị quân sự mà cả những thứ khác. Khi tôi đến đó, họ đã cam kết một hợp đồng mua sắm trị giá 450 tỷ USD và hợp đồng mua vũ khí trị giá 110 tỷ USD. Đó là những đơn đặt hàng lớn nhất trong lịch sử nước này, có thể là trong lịch sử thế giới..."./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Ukraine

Chuyến thăm của ông Austin diễn ra vào thời điểm Ukraine kêu gọi các đồng minh phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa và xem xét đẩy nhanh quá trình Ukraine gia nhập NATO.