Sự kiện quốc tế từ 15-21/8: Bước chuyển chiến thuật của Nga

Lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, sử dụng sân bay quân sự Hamadan của Iran để tiến hành các đợt không kích tấn công các mục tiêu của IS trên lãnh thổ Syria.
Bước chuyển chiến thuật của Nga trong cuộc chiến chống khủng bố
Sự kiện lực lượng không quân Nga, lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, sử dụng sân bay quân sự Hamadan của Iran để tiến hành các đợt không kích tấn công các mục tiêu của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trên lãnh thổ Syria, được coi là bước chuyển chiến thuật không chỉ mang lại lợi thế lớn cho Moskva trong cuộc chiến chống khủng bố mà còn góp phần làm thay đổi cục diện ở Trung Đông.

Ngay khi được triển khai tại một căn cứ không quân của Iran trong ngày 16/8, các máy bay ném bom của Nga đã tiến hành không kích nhằm vào một loạt các mục tiêu của các tổ chức khủng bố trên lãnh thổ Syria.

Ngày 17/8, các máy bay tiêm kích SU-34 của Nga đặt tại căn cứ không quân Hamedan của Iran đã tiếp tục oanh kích nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria trong ngày thứ hai.

Trong khi đó, ngày 18/8, máy bay của lực lượng chính phủ Syria đã ném bom các vị trí của người Kurd tại Hasakeh, thành phố bị chia cắt ở miền Đông Bắc nước này.

Đây là lần đầu tiên, quân đội Syria tiến hành các vụ không kích nhằm vào một khu vực do người Kurd kiểm soát ở Syria.

Xem thêm tại đây: Bước chuyển chiến thuật của Nga trong cuộc chiến chống khủng bố

Sự kiện quốc tế từ 15-21/8: Bước chuyển chiến thuật của Nga ảnh 1Máy bay Nga không kích các mục tiêu IS. (Nguồn: Reuters)


Đánh bom đám cưới kinh hoàng ở Thổ Nhĩ Kỳ
Rạng sáng 21/8 (theo giờ Hà Nội), truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin một vụ tấn công nhằm vào một đám cưới đã xảy ra tại tỉnh Gaziantep ở khu vực Đông Nam nước này, gây thương vong lớn.

Trong một thông báo, Văn phòng của Thị trưởng thành phố Ali Yerlikaya xác nhận cho đến trưa ngày 21/8 (theo giờ địa phương), số người thiệt mạng trong vụ tấn công nói trên là 50 người.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 21/8 cho biết kẻ đánh bom liều chết nhằm vào một đám cưới ở thành phố Gaziantep, miền Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ tối 20/8, là một thiếu niên khoảng từ 12-14 tuổi.

Phát biểu trong cuộc họp báo tại thành phố Istanbul, ông Erdogan cho biết đối tượng gây ra vụ đánh bom đẫm máu chỉ khoảng 12-14 tuổi, song chưa rõ đối tượng này tự kích hoạt quả bom mang trong người hay kẻ khác đã thực hiện việc kích hoạt.

Xem thêm tại đây: Đánh bom tại Thổ Nhĩ Kỳ: Số người chết đã tăng lên 50 người

Sự kiện quốc tế từ 15-21/8: Bước chuyển chiến thuật của Nga ảnh 2Nhiều người than khóc do mất người thân trong vụ đánh bom ở Gaziantep (Nguồn: Reuters)
Xuất hiện vũ khí hạng nặng gần giới tuyến ở Đông Ukraine
Phái bộ giám sát đặc biệt (SMM) của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tại Ukraine ngày 18/8 cho biết, nhóm này đã ghi nhận sự hiện diện của những vũ khí hạng nặng vốn bị cấm theo thỏa thuận ngừng bắn hiện nay, ở gần đường giới tuyến thuộc miền Đông Ukraine.

Trong báo cáo, SMM nêu rõ: "SMM đã ghi nhận nhiều loại vũ khí biến mất khỏi các điểm lưu trữ và sự xuất hiện của những vũ khí vi phạm đường giới tuyến.

Điều này diễn ra khá thường xuyên ở trong hoặc gần các khu vực dân cư."

Đặc biệt hồi tuần trước, các quan sát viên OSCE đã nhận thấy sự hiện diện của các bệ phóng r​ocket đa nòng ở cả hai phía của đường tiếp xúc.

Sự kiện quốc tế từ 15-21/8: Bước chuyển chiến thuật của Nga ảnh 3Một quan sát viên thuộc tổ chức OECD làm nhiệm vụ tại khu vực Jabunki ngày 13/4/2015. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Liên hợp quốc lần đầu tiên thừa nhận liên quan đến dịch tả ở Haiti
Lần đầu tiên kể từ khi xuất hiện những cáo buộc cho rằng chính các binh sỹ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đã mang vi khuẩn tả đến Haiti, khiến cho hàng nghìn người dân nước này tử vong cách đây 6 năm, Văn phòng của Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã thừa nhận rằng Liên hợp quốc cũng là một nguyên nhân khiến dịch bệnh này bùng phát.

Đây là sự thay đổi đáng chú ý của Liên hợp quốc sau hơn 5 năm các quan chức cấp cao của tổ chức này phủ nhận bất kỳ sự liên quan nào đến việc làm bùng nổ dịch bệnh tả tại Haiiti.

Ngày 19/8, mạng tin Telesur đã trích dẫn một báo cáo khoa học, do giáo sư luật Philip Alston thuộc Đại học New York làm chủ biên, dẫn chứng việc một nhóm 454 lính mũ nồi xanh thực thi nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại đảo quốc Caribe này khi đang nhiễm bệnh trên đã đổ chất thải cá nhân của mình xuống một dòng sông đi qua khu dân cư Mirebalais, cùng nhiều hành vi vô trách nhiệm khác.

Xem thêm tại đây: Liên hợp quốc lần đầu tiên thừa nhận liên quan đến dịch tả ở Haiti

Sự kiện quốc tế từ 15-21/8: Bước chuyển chiến thuật của Nga ảnh 4Các bệnh nhân nhiễm dịch tả điều trị tại bệnh viện ở St. Marc ngày 25/10/2010. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Việc viếng đền Yasukuni hàng năm lại gây tranh cãi
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã gửi đồ lễ tới Đền Yasukuni vào ngày 15/8 để kỷ niệm 71 năm ngày Nhật Bản thất bại trong Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 15/8 cho biết nước này lấy làm tiếc và bày tỏ quan ngại sâu sắc khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gửi đồ lễ đến Đền Yasukuni cũng như việc hàng loạt quan chức Nhật Bản đến viếng ngôi đền vốn gây tranh cãi ngoại giao này.

Ngày 15/8, Trung Quốc đã bày tỏ phản đối "mạnh mẽ" sau khi hai thành niên nội các Nhật Bản viếng đền Yasukuni nhân dịp 71 năm ngày Nhật Bản đầu hàng trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai.

Đền Yasukuni thờ hơn 2,5 triệu người Nhật Bản thiệt mạng trong Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai, trong đó có các tội phạm chiến tranh hạng A.

Ngôi đền này thường xuyên gây tranh cãi ngoại giao khi các nhà lãnh đạo Nhật Bản đến viếng đền, do các quốc gia láng giềng như Hàn Quốc và Trung Quốc coi việc này là tưởng nhớ các tội phạm chiến tranh.

Xem thêm tại đây: Hàn Quốc quan ngại việc quan chức Nhật Bản viếng Đền Yasukuni

Sự kiện quốc tế từ 15-21/8: Bước chuyển chiến thuật của Nga ảnh 5Đền Yasukuni. (Nguồn: Getty Images)
Saudi Arabia phát hiện mẩu xương người cổ xưa nhất thế giới
Ngày 18/8, nhà chức trách Saudi Arabia thông báo đã phát hiện “mẩu xương người cổ xưa nhất trên thế giới” tại ốc đảo Tayma tỉnh Tabuk, Tây Bắc nước này.

Theo hãng tin Al Arabiya, Ủy ban Du lịch và Di sản quốc gia Saudi Arabia cho biết nhóm nghiên cứu gồm các nhà khảo cổ Saudi Arabia và các chuyên gia thuộc Đại học Oxford đã phát hiện mẩu xương trên trong quá trình khai quật.

Mẩu xương này là đoạn giữa của xương ngón tay giữa của một người được cho là đã sống cách đây 90.000 năm, cho thấy dấu vết con người cổ đại nhất được phát hiện từ trước tới nay ở Bán đảo Arab.

Sự kiện quốc tế từ 15-21/8: Bước chuyển chiến thuật của Nga ảnh 6Nơi phát hiện mẩu xương cổ xưa. (Nguồn: alarabiya.net)
Ra mắt máy bay khinh khí cầu lớn nhất thế giới
Ngày 17/8, Airlander 10, chiếc máy bay khinh khí cầu lớn nhất thế giới đã thực hiện thành công chuyến bay đầu tiên.

Airlander 10 đã cất cánh từ sân bay Cardington miền Trung nước Anh trong tiếng hò reo cổ vũ của những người chứng kiến sau khi lịch bay thử được sắp xếp 4 ngày trước đó phải hủy vì một số vấn đề kỹ thuật.

Với chiều dài lên tới 92m, có thể thực hiện quãng bay dài gần 5.000m, và đạt tốc độ tối đa là 148km/giờ, cho tới thời điểm hiện tại, Airlander 10 được đánh giá là máy bay lớn nhất có thể bay trên bầu trời.

Chạy bằng khí heli, nếu không có người lái Airlander 10 có thể ở trên không trung hơn 2 tuần và 5 ngày trong trường hợp có người lái.

Đây là chuyến bay đầu tiên của một tàu bay kích thước lớn được thực hiện thành công 86 năm sau sự kiện một chiếc tàu bay tương tự mang tên R101 cất cánh cũng chính từ sân bay Cardington vào tháng 10/1930 nhưng không may đã bị rơi ở Pháp cướp đi sinh mạng của 48 người.

Sự kiện đó đồng thời dập tắt mọi kế hoạch phát triển tàu bay dạng này ở Anh cho tới nay.

Sự kiện quốc tế từ 15-21/8: Bước chuyển chiến thuật của Nga ảnh 7(Nguồn: compositesmanufacturingmagazine.com)
Trung Quốc phóng thành công vệ tinh lượng tử đầu tiên trên thế giới
Sáng sớm 16/8, Trung Quốc đã phóng thành công vệ tinh lượng tử đầu tiên trên thế giới bằng tên lửa đẩy Trường Chinh-2D từ trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền thuộc tỉnh Cam Túc, Tây Bắc nước này.

Vệ tinh Các thử nghiệm lượng tử ở quy mô không gian (QUESS) với trọng lượng hơn 600kg trên sẽ bay quanh Trái Đất với vòng quay 90 phút/lần sau khi đi vào quỹ đạo ở độ cao 500km.

Trong sứ mệnh kéo dài 2 năm, QUESS được thiết kế nhằm thiết lập liên lạc lượng tử có khả năng chống tin tặc bằng việc truyền phát các ký hiệu mã hóa không thể bị bẻ khóa từ không gian về mặt đất, cũng như cung cấp dữ liệu giúp hiểu sâu về các hiện tượng trong vật lý lượng tử.

Vệ tinh trên cũng sẽ giúp đảm bảo liên lạc giữa Bắc Kinh và thủ phủ Urumqi của khu tự trị Tân Cương ở cực Tây Trung Quốc./.

Sự kiện quốc tế từ 15-21/8: Bước chuyển chiến thuật của Nga ảnh 8Hình ảnh vệ tinh QUESS được phóng lên bầu trời. (Nguồn: news.vn)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục