Theo các nguồn tin ngoại giao phương Tây, Washington và Moskva tán thành việc các bên ngừng mọi hành động thù địch tại Syria sau nửa đêm 26/2, song không áp dụng đối với nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các thành viên Mặt trận Al-Nusra có quan hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qeada.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ngày 22/2 đã ca ngợi thỏa thuận ngừng bắn tại Syria là một "tín hiệu của hy vọng vốn được chờ đợi từ lâu" và hối thúc tất cả các bên tuân thủ thỏa thuận này.
Trong một tuyên bố, ông Ban nêu rõ, thỏa thuận ngừng bắn trên "là một tín hiệu của sự hy vọng vốn được chờ đợi từ lâu đối với người dân Syria sau 5 năm xung đột. Có thể có một sự chấm dứt sự đau khổ của họ ở phía trước."
Với kế hoạch ngừng bắn mà Chính phủ Syria chấp thuận với Nga và Mỹ, người dân Syria bảy tỏ hy vọng thỏa thuận sẽ chấm dứt cuộc chiến kéo dài gần 5 năm qua. Tuy nhiên vẫn xuất hiện những quan ngại về khả năng thực thi thỏa thuận này.
Xem thêm tại đây: Mỹ và Nga nhất trí thời điểm áp đặt lệnh ngừng bắn tại Syria
Vụ xả súng xảy ra lúc 17 giờ địa phương (6 giờ sáng ngày 26/2 theo giờ Việt Nam) tại Khu công nghiệp Excel của thành phố Hesstion, phía Nam bang Kansas.
Kênh truyền hình NBC News dẫn nguồn tin từ bệnh viện xác nhận ít nhất 3 người đã thiệt mạng và nhiều người khác đang được đưa tới cấp cứu.
Kênh tin tức KSN cho hay thủ phạm thực hiện vụ xả súng dường như cũng bị thương nặng.
Xem thêm tại đây: Mỹ: Ít nhất 20 người thương vong trong vụ xả súng tại Kansas
Theo phán quyết ngày 24/2 của Tòa án bang Missouri, Johnson & Johnson sẽ phải bồi thường cho gia đình nạn nhân Jacqueline Fox 10 triệu USD vì những thiệt hại thực tế và 62 triệu USD tiền phạt bổ sung.
Bồi thẩm đoàn bang Missouri đưa ra phán quyết này sau khi nguyên nhân tử vong của nạn nhân được xác định là có liên quan tới việc sử dụng phấn rôm và sữa tắm của Johnson & Johnson trong hàng chục năm qua.
Bà Fox bị chẩn đoán mắc ung thư buồng trứng năm 2013 và qua đời hồi tháng 10/2015 ở tuổi 62.
Hiện Johnson & Johnson đang phải đối mặt với khoảng 1.200 vụ kiện ở Mỹ do đã không cảnh báo khách hàng về nguy cơ gây ung thư của phấn rôm Johnson Baby Power dành cho em bé.
Xem thêm tại đây: Johnson & Johnson bồi thường 72 triệu USD cho ca tử vong do phấn rôm
Cách đây vừa tròn 20 năm, Tổng thống Mỹ lúc đó Bill Clinton đã ra tuyên bố về tình trạng khẩn cấp với Cuba sau khi nước này bắn hạ 2 trong số 3 máy bay Cessna Skymaster của Mỹ mà La Habana khẳng định đã liên tục vi phạm không phận Cuba, rải truyền đơn phản cách mạng bất chấp bị cảnh cáo nhiều lần.
Về phần mình, Washington khẳng định các máy bay trên chỉ bay trong không phận quốc tế và ra Tuyên bố 9398 nói trên, theo đó cấm mọi tàu bè và máy bay của bất cứ quốc gia nào nhưng có đăng ký tại Mỹ được đi vào hải phận hay không phận của Cuba, trừ khi được chính phủ Mỹ cho phép trước.
Tuyên bố này - mà theo Luật Tình trạng khẩn cấp của Mỹ phải được Tổng thống xem xét gia hạn hàng năm - cũng cho phép lực lượng phòng vệ bờ biển của Mỹ được kiểm tra, thậm chí tạm giữ các tàu bè vi phạm lệnh cấm vận kinh tế và thương mại chống Cuba sau đó đi vào hải phận Mỹ.
Tuy nhiên, khác với các lần gia hạn trước, trong đó lặp lại y nguyên văn bản gốc năm 1996, lần này Tổng thống Obama nói rõ việc kiểm tra và tạm giữ các tàu bè bị nghi vi phạm lệnh cấm vận phải được tiến hành phù hợp với luật pháp quốc tế.
Văn bản gia hạn cũng “làm dịu” bớt những chỉ trích vẫn được các chính quyền Clinton và Bush trước đó lặp lại nhiều lần để viện dẫn quyết định tiếp tục biện pháp thù địch trên chống Cuba, đồng thời thừa nhận hai nước đã tái thiết lập quan hệ ngoại giao và đang trong quá trình tiến tới bình thường hóa quan hệ.
Theo lịch trình được hai bên công bố, Tổng thống Mỹ Obama và phu nhân sẽ thăm Cuba vào ngày 21-22/3 tới, trở thành nguyên thủ Mỹ đầu tiên công du đảo quốc Caribe này kể từ chuyến đi của tổng thống Calvin Coolidge năm 1928.
Xem thêm tại đây: Tổng thống Mỹ gia hạn tuyên bố về tình trạng khẩn cấp với Cuba
Facebook cho ra mắt các biểu tượng cảm xúc mới (gọi là Reactions) cho người dùng trên toàn thế giới như một cách mở rộng nút "Like."
Để sử dụng trên ứng dụng điện thoại thông minh, người dùng nhấn giữ vào nút "Like", hoặc đưa chuột lên trên nút "Like" ở các post trên máy tính, thì sẽ thấy danh sách các "Reactions" xuất hiện.
Trong một đăng tải trên trang Facebook cá nhân của mình ngày 24/2, CEO của Facebook Mark Zuckerberg cho biết sáng kiến này xuất phát từ mong muốn của người dùng muốn thể hiện sự đồng cảm qua nhiều cảm xúc đa dạng hơn.
Theo ông chủ Facebook, hồi tháng 9/2015, Facebook xem xét khả năng bổ sung một nút "Không thích" (Dislike) bên cạnh nút "Like" song lo ngại rằng phương án này có thể kéo theo tình trạng bắt nạt trên Internet và ảnh hưởng đến mạng xã hội này.
Tháng 10/2015, Facebook thông báo sẽ mở rộng nút "Like" và bổ sung thêm các trạng thái cảm xúc.
Chương trình này sau đó được thử nghiệm tại Ireland và Tây Ban Nha.
Facebook cho biết cũng sẽ theo dõi lưu lượng sử dụng các "Reactions" tương tự như nút "Like" để phân tích hành vi người dùng, qua đó cung cấp cho các tài khoản những thông tin mà họ quan tâm.
Mặc dù đã chính thức được đưa vào áp dụng trên toàn cầu, nhưng người dùng Facebook ở một số nước, trong đó có Việt Nam, cho biết vẫn chưa thấy xuất hiện chức năng mới nhất này.
Xem thêm tại đây: Facebook giới thiệu các biểu tượng cảm xúc mới ngoài nút "Like"
Trước đó, một thẩm phán tòa án liên bang Mỹ đã ra phán quyết yêu cầu Apple mở khóa chiếc iPhone thuộc sở hữu của Syed Rizwan Farook, đối tượng cùng vợ là Tashfeen Malik gây ra vụ xả súng là 14 người thiệt mạng hồi tháng 12 năm ngoái ở San Bernardino, bang California, để phục vụ điều tra.
Tổng Giám đốc Google Sundar Pichai đã lên tiếng ủng hộ quyết định của Tổng Giám đốc Apple Tim Cook từ chối thực hiện yêu cầu giúp Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) "bẻ khóa" điện thoại di động iPhone của một trong hai tay súng trong vụ tấn công khủng bố tại thành phố San Bernardino, bang California hồi tháng 12/2015.
Ý kiến của ông Pichai đăng trên tài khoản cá nhân của ông trên mạng xã hội Twitter cho rằng các cơ quan thực thi pháp luật và tình báo Mỹ đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trong việc bảo vệ người dân trước các mối đe dọa tội phạm và khủng bố. Tuy nhiên, việc ép buộc các công ty thực hiện hoạt động bẻ khóa có thể ảnh hưởng xấu đến sự riêng tư của người sử dụng.
Apple đang đứng trước sức ép pháp lý khi một số nạn nhân trong vụ khủng bố tại thành phố San Bernardino, bang California, hồi tháng 12/2015, sẽ khởi kiện hãng công nghệ này nhằm buộc Apple phải "bẻ khóa" điện thoại di động iPhone của một trong hai thủ phạm thực hiện vụ bạo lực trên nhằm hỗ trợ công tác điều tra.
Trong một động thái thỏa hiệp liên quan cuộc điều tra vụ tấn công tại San Bernardino, bang California hồi cuối năm ngoái, tập đoàn công nghệ Apple hàng đầu Mỹ cho biết sẵn sàng hỗ trợ cơ quan chức năng tiếp cận điện thoại di động bị mã hóa của một trong hai thủ phạm thực hiện vụ tấn công trên với điều kiện như chính quyền Washington chấm dứt các hành động pháp lý chống lại hãng này.
Trong một tuyên bố ngày 22/2, Apple cho rằng cách tốt nhất là cơ quan chính phủ Mỹ rút lại các kiến nghị yêu cầu tòa án có lệnh buộc Apple hỗ trợ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) "bẻ khóa" điện thoại di động iPhone của hung thủ.
Thay vào đó, thành lập một ủy ban hoặc một cơ quan gồm các chuyên gia về tình báo, công nghệ và nhân quyền... giải quyết vấn đề này và Apple sẵn sàng tham gia hỗ trợ.
Mặt khác, tuyên bố của Apple cũng tái khẳng định lập trường cứng rắn đối với những tôn chỉ về bảo mật thông tin người sử dụng thiết bị của hãng.
Xem thêm tại đây: Google hợp lực với Apple để chống việc "bẻ khóa" iPhone
Các thiết bị cảm biến tự động được lắp đặt tại Nam Cực đã ghi nhận mức dương 17,8 độ C trên đỉnh sông băng Davies Dome ở độ cao 500m so với mặt nước biển tại Nam Cực vào lúc trưa ngày 23/3/2015.
Kỷ lục nói trên sẽ được chính thức công nhận sau khi kiểm tra kỹ thuật thiết bị khí tượng và sẽ được công bố trong một ấn phẩm khoa học.
Theo các nhà khoa học, mức nhiệt độ cao kỷ lục nói trên tại Nam Cực khẳng định rằng sự biến đổi khí hậu toàn cầu thực sự ảnh hưởng đến toàn thế giới, trong đó có Nam Cực.
Các nhà khoa học cũng đồng thời lưu ý rằng lượng mưa dưới dạng tuyết rơi gia tăng phần nào bù đắp cho việc nhiệt độ không khí tăng lên trong những năm gần đây.
Như vậy, hiện tượng tan băng tại Nam Cực do nhiệt độ không khí gia tăng không đến mức nghiêm trọng như đã từng được cảnh báo.
Xem thêm tại đây: Nhiệt độ đo được tại Nam Cực lên cao kỷ lục 17,8 độ C
Cuộc bỏ phiếu vòng hai được tiến hành giữa 4 ứng cử viên là ông Gianni Infantino, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá châu Á Sheikh Salman Bin Ebrahim Al Khalifa, Hoàng tử Jordan Ali Bin Al Hussein (cựu Phó Chủ tịch FIFA) và cựu quan chức FIFA Jerome Champagne, người Pháp.
Theo kết quả kiểm phiếu vòng hai, Tổng Thư ký Liên đoàn bóng đá châu Âu UEFA Gianni Infantino (45 tuổi) giành được 115 trên tổng số 207 phiếu bầu, qua đó đánh bại đối thủ gần nhất là ông Al Khalifa, người giành được 85 phiếu.
Trong khi đó, Hoàng tử Al Hussein giành được 4 phiếu, còn ông Champagne không giành được phiếu nào.
Với kết quả này, ông Infantino sẽ giữ chức Chủ tịch FIFA thay ông Sepp Blatter, với sứ mệnh tái thiết cơ quan quản lý bóng đá thế giới đã bị hoen ố hình ảnh bởi bê bối.
Trước đó cùng ngày, FIFA cũng đã bỏ phiếu thông qua các biện pháp cải cách lớn trong liên đoàn nhằm chấm dứt các bê bối tham nhũng.
Với 179 phiếu ủng hộ, gói cải cách này sẽ hạn chế quyền lực của những quan chức cấp cao nhằm ngăn chặn khả năng tái diễn tình trạng đỡ đầu và lãng phí đã có tiền lệ trong suốt 18 năm nhiệm kỳ của cựu Chủ tịch Sepp Blatter.
Theo các biện pháp cải cách đã được soạn thảo từ tháng 6/2015 này, trách nhiệm của Chủ tịch FIFA đã được thay đổi thành một chủ tịch của một hội đồng, được quyền đưa ra các chỉ đạo chiến lược song có ít quyền kiểm soát hơn.
Ủy ban quản trị của FIFA trở thành trung tâm điều hành và được đổi tên thành Hội đồng FIFA hoạt động như một ban chỉ đạo.
Tổng thư ký FIFA, trước là nhân vật số 2 của tổ chức này, sẽ trở thành Tổng giám đốc điều hành (CEO) của FIFA.
Các biện pháp này cũng nhằm cải thiện sự minh bạch về tài chính của tổ chức có thu nhập nhiều tỷ USD này.
Từ năm ngoái, FIFA chìm trong các cáo buộc liên quan đến các hành vi tham nhũng. Tháng 5/2015, tổng cộng 7 quan chức FIFA, trong đó có Phó Chủ tịch Jeffrey Webb, bị bắt giữ tại một khách sạn ở Zurich do bị nghi ngờ tham gia đường dây hối lộ, tham nhũng và rửa tiền từ những năm 1990 tới nay với tổng số tiền lên tới trên 100 triệu USD.
Hàng loạt quan chức sau đó cũng bị bắt với cáo buộc tương tự.
Ngoài ra, FIFA cũng chịu một vụ điều tra riêng rẽ khác từ Thụy Sĩ liên quan đến những khuất tất xung quanh việc tổ chức này trao quyền đăng cai World Cup 2018 cho Nga và World Cup 2022 cho Qatar.
Vì những tai tiếng này, ngày 2/6 năm ngoái, ông Sepp Blatter đã buộc phải từ chức Chủ tịch FIFA chỉ sau 4 ngày tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 5 liên tiếp.
Xem thêm tại đây: Tổng thư ký UEFA Gianni Infantino được bầu làm Chủ tịch FIFA
Bộ phim kể về một phụ nữ nhập cư người Maroc vật lộn với khó khăn để nuôi hai người con tại Pháp, là tác phẩm điện ảnh khắc họa chân thực những thách thức mà người dân nhập cư thuộc thế hệ đầu tiên và thứ hai nói chung phải đối diện. ''Fatima'' còn mang về giải thưởng nữ diễn viên triển vọng nhất cho nghệ sỹ trẻ 26 tuổi Zita Hanrot.
Trong khi đó, tác phẩm điện ảnh được đề cử giải Oscar ''Mustang,'' của đạo diễn Deniz Gamze Erguven, câu chuyện năm chị em gái trong một gia đình sống tại một vùng nông thôn ở Thổ Nhĩ Kỳ bị ép gả chồng, đoạt giải phim hay nhất và một số giải khác.
Ban tổ chức buổi lễ cũng đã vinh danh nghệ sỹ Catherine Frot, 59 tuổi, với giải thưởng nữ diễn viên xuất sắc nhất trong ''Marguerite'' - bộ phim xoay quanh câu chuyện về một nữ danh ca mong muốn trở thành một ca sỹ thính phòng cho dù chất giọng của cô không phù hợp.
Trước đó, diễn viên Frot đã 10 lần được đề cử tranh giải Cesar và lần gần nhất vào năm 1996, nghệ sỹ này đã được vinh danh với giải thưởng nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất trong phim ''Family Resemblances.''
Giải thưởng nam diễn viên xuất sắc nhất đã được trao cho diễn viên Vincent Lindon thủ vai một công nhân thất nghiệp trong phim ''Le Loi Du Marche'' (The Measure Of A Man). Đây cũng chính là hạng mục giải thưởng mà nghệ sỹ này đã giành được trong liên hoan phim danh tiếng hàng đầu thế giới Cannes 2015.
Ban tổ chức cũng đã trao giải phim nước ngoài xuất sắc nhất cho ''Birdman,'' bộ phim từng giành giải Oscar của đạo diễn người Mexico Alejandro Gonzalez Inarritu. Trong khi đó, nam diễn viên gạo cội Hollywood Michael Douglas được trao giải Thành tựu trọn đời Cesar.
Cesar là giải thưởng điện ảnh danh giá của Pháp, được trao hàng năm cho các cống hiến xuất sắc trong ngành điện ảnh thuộc nhiều thể loại khác nhau, tương đương với giải Oscar của Mỹ.
Xem thêm tại đây: Phim về người di cư giành giải Cesar danh giá của điện ảnh Pháp
Nước chủ nhà Trung Quốc đang là tâm điểm với tăng trưởng kinh tế giảm sút và chính sách tiền tệ được cho là nguyên nhân lớn gây ra tình trạng bất ổn trên thị trường trong thời gian gần đây.
Trong thông điệp qua video gửi tới phiên khai mạc hội nghị, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định nước này "có lòng tin trong việc giải quyết tình hình phức tạp trong và ngoài nước." Ông nhấn mạnh các thành viên G20 cần ưu tiên tăng cường phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô và tập trung cải cách cơ cấu.
Theo ông, "tình hình kinh tế và tài chính toàn cầu có thể trở nên đáng ngại và phức tạp hơn. Đây là lúc các quốc gia cần phải cùng nhau vượt qua các khó khăn. Các thành viên G20 không nên chỉ quan tâm tăng trưởng kinh tế của nước mình mà còn phải cân nhắc những ảnh hưởng liên đới do các chính sách của họ."
Trung Quốc ủng hộ sử dụng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, Đức không tán thành quan điểm này.
Trả lời họp báo trước thềm hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble phản đối việc triển khai một gói kích thích tài chính của G20 trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu chậm lại. Theo ông, các nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua nới lỏng tiền tệ có thể phản tác dụng. Ông cho rằng các chính sách tiền tệ cũng như tài chính đã đạt đến giới hạn, chỉ có cải cách mới có thể khiến kinh tế thực sự tăng trưởng.
Ủng hộ quan điểm của Đức, Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin và người đồng cấp Mỹ Jacob Lew đều cho rằng tình hình hiện này chưa phải là khủng hoảng và không cần phải tiến hành chính sách mới.
Ông Lew cũng nhấn mạnh Washington muốn chính phủ các nước G20 khẳng định lại cam kết tránh giàm giá đồng tiền để thúc đẩy xuất khẩu vì biện pháp này "không dẫn tới kết quả tốt đẹp nào."
Bộ trưởng Tài chính Mỹ đưa ra phát biểu trên trong bối cảnh các thị trưòng tài chính toàn cầu lo ngại Trung Quốc tìm cách giảm giá đồng nhân dân tệ để hỗ trợ xuất khẩu. Lo ngại này khiến dòng vốn rút khỏi Trung Quốc trong tháng 12 vừa qua đã lên tới con số kỷ lục 135 tỷ USD.
Về phần mình, Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh (BoE) Mark Carney cho rằng chính sách nới lỏng tiền tệ có thể giúp có thêm thời gian cho việc điều chỉnh cơ cấu.
Chủ tịch Eurogroup, Jeroen Dijsselbloem cũng nhận định chính sách tiền tệ vẫn chưa hết hữu dụng và cần tiến hành một cách phù hợp để tác động lên tăng trưởng kinh tế.
Xem thêm tại đây: Các lãnh đạo tài chính nhóm G20 thúc đẩy phối hợp chính sách